20/05/2013 08:37 GMT+7

Lá phiếu và xu hướng dân chủ hóa

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Nhà báo Hữu Thọ - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương đã trao đổi về kết quả Hội nghị trung ương 7.

Lắng nghe nhân dân, lấy phiếu tín nhiệm chính xácTruyền hình trực tiếp kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII 9 ngàyKhông lấy phiếu tín nhiệm trường hợp ông Vương Đình Huệ

Ông cho rằng:

oJJSMO53.jpg
Ông Hữu Thọ - Ảnh: C.V.Kình

- Việc Hội nghị trung ương 7 bầu không đủ các chức danh, Tổng bí thư đã phát biểu việc bầu như thế trung ương cũng không hài lòng. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên coi đó là việc bình thường, đây là tín hiệu đáng mừng về xu hướng dân chủ hóa, vấn đề là làm sao bầu đúng người.

Không có gì phải băn khoăn

* Theo ông, công tác nhân sự hiện nay đã làm tốt chưa, nhất là đối với các chức danh quan trọng trong Đảng và Nhà nước?

- Chúng ta có đổi mới công tác nhân sự, thay vì như trước đây chỉ giới thiệu một người, nay có trường hợp giới thiệu hai người, hoặc có số dư lớn hơn để bầu. Giới thiệu một và chỉ bầu một thì dễ được số phiếu cao, giới thiệu nhiều người để bầu lấy một người có thể dẫn đến việc số phiếu bị phân tán. Không phải bây giờ, theo tôi biết, ngay khóa X cũng có trường hợp giới thiệu vào Ban Bí thư hai đồng chí, cả hai đồng chí đều xứng đáng, nhưng rồi do phân tán phiếu nên cả hai đồng chí đều không trúng. Trước nữa là nhân sự tổng kiểm toán, lãnh đạo giới thiệu một người nhưng Quốc hội cân nhắc, bầu một người khác. Việc đó tôi thấy Quốc hội rất sáng suốt.

* Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất là làm sao bầu đúng người, chứ không phải bầu cho đủ...

- Đúng vậy. Tôi cho rằng cần dân chủ hơn, tránh áp đặt trong lựa chọn nhân sự cấp cao là xu hướng tốt. Trước đây, khi Bộ Chính trị đề nghị thì trung ương thường thông qua. Trung ương giới thiệu thì thường Đại hội Đảng đồng tình. Nhưng thực tế hiện nay, việc đánh giá con người, đánh giá thành tích cho đúng thực chất không phải là không có ý kiến khác nhau. Vấn đề là làm sao có được thông tin đầy đủ, chính xác thì mới có thể quyết định đúng nhân sự. Tôi thấy là có những vị trúng cử với số phiếu không cao nhưng lại có cống hiến tốt, thậm chí được nhiều người đánh giá cao hơn những vị từng trúng cử với số phiếu tuyệt đối. Việc Hội nghị trung ương 7 lần này bầu không đủ chức danh, tôi nghĩ không có gì phải băn khoăn. Vấn đề là những người được bầu có xứng đáng không và quan trọng hơn là các đồng chí ấy sẽ phấn đấu thế nào.

Tránh tạo ra những cán bộ “vo tròn”

* Thưa ông, công tác nhân sự sắp tới sẽ có thêm yếu tố nhạy cảm khi tới đây Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt. Mặt tích cực và những “phản ứng phụ” nên được nhận diện như thế nào?

- Việc bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung mới tích cực của nghị quyết Hội nghị trung ương 4. Đó là một biện pháp giám sát cán bộ lãnh đạo quản lý, nếu làm tốt cũng có ý nghĩa răn đe quan trọng. Không chỉ Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt mà theo tôi biết, tới đây Trung ương Đảng cũng sẽ có hình thức đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo Đảng. Việc này sẽ giúp cán bộ thấy rõ mình hơn để cố gắng hơn, tránh tình trạng trì trệ, có chức vụ là sẽ đương nhiên ngồi đó đến hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, có một thực tế mà nhiều người lo ngại không phải không có lý. Thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm có khả năng khiến cán bộ sẽ giữ mình, sống “vo tròn”, “dĩ hòa vi quý”, không muốn làm phật lòng ai để khỏi mất phiếu.

Tình hình hiện nay của VN đang rất cần những quyết sách quan trọng, cần những cán bộ dám quyết đáp, dám chịu trách nhiệm. Nhưng khi đã dám quyết đáp thì bên cạnh nhiều người đồng tình, có thể có nhiều người không muốn thế, không muốn làm mạnh. Khó hơn là khi quyết liệt đưa ra những quyết sách mới, giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp với mong muốn thay đổi tình hình, không ai dám khẳng định mọi quyết sách sẽ đúng, không có tác động xấu đến ai. Tôi nghĩ lãnh đạo quyết đoán, quyết định chính sách đúng 70-80% là giỏi. Nhưng nếu bị bỏ phiếu tín nhiệm từng năm một, rất có thể có vị sẽ không dám quyết khi cần phải quyết. Nếu để xảy ra tình trạng cán bộ không dám quyết vấn đề gì lớn là sẽ rất nguy hiểm. Trước tình hình hiện nay, rất cần người dám thẳng thắn đấu tranh. Nhưng có khi thẳng thắn dễ bị mất lòng, mất phiếu. Nên cũng e ngại một số vị sẽ nhụt chí đấu tranh.

Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm phải căn cứ vào đạo đức công vụ và hiệu quả công việc. Là con người, ai cũng có những yêu, ghét và nếu để tình cảm này hoặc những lợi ích khác đan xen vào việc bỏ phiếu tín nhiệm thì có thể sẽ dẫn tới hậu quả là gạt ra khỏi bộ máy những cán bộ dám nghĩ, dám làm, những người thẳng thắn. Tôi từng chứng kiến ở VN có kiểu “phiếu phạt”. Như trước đây khi đất nước mới giải phóng sau Hiệp định Genève, tôi được khu ủy cử đi dự một đại hội huyện. Ở đó có đồng chí bí thư rất dũng cảm, có uy tín, nhưng khi bỏ phiếu thì... trượt! Hỏi ra mới biết anh đó nóng tính, nên nhiều người nghĩ “chắc chắn ông ấy sẽ trúng thôi, nhưng mình bỏ một cái phiếu phạt để ông ấy khỏi chủ quan”. Nhiều người nghĩ thế nên đồng chí bí thư đã không trúng. Ngoài ra, không thể phủ nhận ở ta có thể có những “lá phiếu đồng hương”, “lá phiếu đồng môn”, “lá phiếu đồng ngành”, “đồng lợi”, chỉ quên đồng bào... Dù vậy, tôi vẫn tin vào những người có trách nhiệm sẽ bỏ những lá phiếu công tâm.

* Nhưng để việc bỏ phiếu tín nhiệm có căn cứ để tiến hành chính xác, có nên theo kinh nghiệm của một số nước là yêu cầu các chức danh nêu chương trình hành động, sau đó đánh giá trên hiệu quả thực hiện?

- Tôi cho rằng nên như thế. Những chức danh chủ chốt nên trình bày chương trình hành động của mình, sau đó mỗi lần bỏ phiếu tín nhiệm, người bỏ phiếu sẽ có căn cứ để quyết định, dựa trên hiệu quả công việc và những lời hứa trong chương trình hành động. Cũng nên cho người được bỏ phiếu có quyền giải thích lại cho sòng phẳng. Như thế sẽ tránh được những cán bộ không dám quyết đáp, sống giữ mình, vo tròn, không làm mếch lòng ai nhưng cũng không làm được gì nhiều cho đất nước.

* Ông nói gì về những hành động thu hút phiếu ủng hộ một cách tinh vi, như mời những người có quyền bỏ phiếu tham gia những lễ khánh thành, dịp kỷ niệm của ngành?

- Tôi không chỉ lo việc lobby, vận động hành lang để lấy “phiếu cảm tình” mà còn lo cho dự án, rộng rãi xét duyệt để lấy “phiếu tri ân”. Dù có vấn đề gì thì tôi vẫn tin vào 500 đại biểu Quốc hội, họ có trách nhiệm với cử tri, với lá phiếu của mình. Và bản thân những người bỏ phiếu họ cũng quan sát lẫn nhau. Khi thấy cán bộ nào thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm “vận động tế nhị”, họ cũng đánh giá về sự thiếu lành mạnh để xác định lá phiếu của mình. Lo ngại thì cứ lo ngại để cảnh báo, nhưng khi những người có trách nhiệm cầm lá phiếu nặng nề trước vận mệnh đất nước, tôi tin họ sẽ có quyết định đúng đắn.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên