22/05/2016 10:15 GMT+7

Lá phiếu thống nhất

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - 30 năm kể từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946, đây là lần thứ hai trong lịch sử toàn dân Việt mới được bỏ lại lá phiếu trên một đất nước thống nhất.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam thống nhất - Ảnh tư liệu
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam thống nhất - Ảnh tư liệu

“Chiến tranh đã kết thúc rồi, nhưng thực tế đất nước đối mặt với nhiều khó khăn. Trong lòng không ít người dân có hố sâu ngăn cách, bên này bên nọ. Đặc biệt, hai miền vẫn đang tồn tại hai chính phủ: Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nếu không thống nhất, những mục tiêu xây dựng, phát triển nước nhà thời hậu chiến sẽ khó thực hiện được”.

Nhắc nhớ cuộc tổng tuyển cử lịch sử năm 1976, ông Phan Minh Tánh, nguyên trưởng Ban Dân vận trung ương, kể ngay sau bước ngoặt tháng 4-1975, nhiệm vụ thống nhất nhà nước được khẩn trương thực hiện.

Nguyện vọng thống nhất

Từ ngày 15 đến 21-11-1975, tại thành phố Sài Gòn - Gia Định (lúc ấy chưa đổi tên TP.HCM), hai đoàn đại biểu nhân dân miền Bắc và Nam do ông Trường Chinh với ông Phạm Hùng dẫn đầu đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị.

Một nội dung quan trọng được tuyên bố: Cần tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra quốc hội chung cả nước. Là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, quốc hội đó sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu ra cơ quan lãnh đạo của nhà nước và quy định hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

30 năm kể từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946, đây là lần thứ hai trong lịch sử toàn dân Việt mới được bỏ lại lá phiếu trên một đất nước thống nhất.

Ông Nguyễn Thành Thơ, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, từng kể mình có hàng xóm là người của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Khi nghe cuộc bầu cử đặc biệt này, rồi rỉ rả tin đồn “ai là ngụy phải ở trong nhà, không được bầu cử ngày hôm đó”, họ rụt rè hỏi: “Ông Mười Thơ, vậy chứ thành phần tụi tui có được bỏ phiếu không?”. “Được chứ, tui bỏ được thì bà con cũng bỏ được. Mình đều là đồng bào nước Việt hết, chứ chui ở đâu ra mà người này, người kia không được bầu” - ông Mười Thơ trả lời.

Chỉ năm tháng sau Hội nghị hiệp thương, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI được tổ chức vào ngày chủ nhật 25-4-1976. Chủ tịch Hội đồng bầu cử là ông Trường Chinh, phó chủ tịch là ông Phạm Hùng. Tuy nhiên, do thực tế trước cuộc bầu cử lúc ấy hai miền vẫn chưa thống nhất về mặt nhà nước, nên mỗi miền có hội đồng bầu cử riêng.

Ở miền Bắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là cơ quan chủ trì bầu cử. Ở miền Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đảm nhiệm việc này.

Theo hồi ức ông Mười Thơ, ngay sau khi Hội nghị hiệp thương bàn nội dung thống nhất đất nước thành công, các địa phương trên cả nước bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội. Miền Nam có rất nhiều việc phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, vì suốt 30 năm trước đó chỉ tập trung cho nhiệm vụ chiến tranh giải phóng.

Để hỗ trợ miền Nam, Ban Tổ chức Chính phủ tổ chức các lớp huấn luyện cấp tốc cho 1.000 cán bộ làm công tác bầu cử. Ngay đầu năm 1976, các đợt tuyên truyền bầu cử được thực hiện mở rộng. Đặc biệt, các khu vực của chính quyền chế độ cũ, công tác tuyên truyền bầu cử tập trung nhiều hơn để đồng bào hiểu. Công nhân tình nguyện đến từng nhà dân làm nhiệm vụ này.

Ông Nguyễn Văn Bảy, công nhân dệt Nhà máy Thành Công, vẫn còn nhớ: “Tôi tuyên truyền bầu cử ở khu vực quận Tân Bình có nhiều gia đình quân nhân chế độ cũ. Thấy tôi đeo băng đỏ, một số người khóa cửa, rút ra sau nhà. Họ sợ tôi dẫn người kiểm tra, bắt bớ này nọ. Gõ cửa hoài không được, tôi phải nói đồng bào không mở cửa, mai mốt bị thiệt ráng chịu. Một lát, cửa mở. Vừa thấy bóng người ló đầu ra, tôi phải nói ngay: mình bỏ phiếu bầu người đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng của mình, chứ có gì đâu mà bà con ngại”.

Ông Bảy kể sau vài nhà như vậy, việc của ông thuận lợi hẳn. Đồng bào rỉ tai nhau rất nhanh. Họ còn thân thiện mời ông cà phê sữa đá, món mà anh bộ đội miền Bắc chuyển ngành như ông chẳng mấy khi được nếm.

Sáng 22-4-1976, người dân Sài Gòn bắt đầu đi bầu cử rất sớm. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất thành công tốt đẹp. Trên 23 triệu cử tri đã đi thực hiện quyền dân chủ của mình, đạt tỉ lệ 98,77%. 492 đại biểu cả nước được bầu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu bổ sung.

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ông Trường Chinh. Phó chủ tịch là các ông bà Xuân Thủy, Phan Văn Đáng, Nguyễn Thị Thập, Chu Văn Tấn, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa...

Các đại biểu miền Nam tại kỳ họp Quốc hội 1976 - Ảnh tư liệu
Các đại biểu miền Nam tại kỳ họp Quốc hội 1976 - Ảnh tư liệu

Đổi tên Sài Gòn

Ông Phan Minh Tánh, nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI, kể có rất nhiều nội dung rất quan trọng được đem ra thảo luận trong các kỳ họp của khóa này. Ngày 2-7-1976, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô và quốc ca. Hai miền Nam - Bắc từ đây đã có một Nhà nước thống nhất là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, trong khi chờ đợi Quốc hội ra Hiến pháp mới, nước nhà tiếp tục sử dụng Hiến pháp năm 1959 của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới gồm 39 người với các ông Trường Chinh, Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Phạm Hùng, Nghiêm Chưởng Châu, Võ Chí Công, Trần Hữu Dực...

“Một kỷ niệm khó quên đối với tôi trong các kỳ họp Quốc hội khóa VI này là việc thảo luận đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Thật ra, từ Quốc hội đầu tiên năm 1946, nhiều đại biểu miền Nam đã xin đổi tên rồi, cũng đã có biểu quyết đồng ý bằng hình thức giơ tay tán thành, rồi hoan hô, nhưng chưa có quyết định chính thức bằng văn bản Quốc hội.

Sau đó, chiến tranh lan rộng, việc này tạm thời được để lại” - ông Phan Minh Tánh nhớ thêm trong một cuộc trao đổi giữa ông Trường Chinh, Xuân Thủy, Văn Tiến Dũng và một số đại biểu miền Nam trong Quốc hội khóa VI, ông Trường Chinh đã nói: “Mình chưa nghĩ đến chuyện Sài Gòn sẽ đổi tên là Hồ Chí Minh, có lẽ phải thủ đô Hà Nội đổi thành tên Bác mới đúng ý nghĩa chứ?”.

Các ông Xuân Thủy, Văn Tiến Dũng góp ý: “Chắc anh Trường Chinh không nhớ, nguyện vọng của Đoàn đại biểu miền Nam xin đổi tên Sài Gòn thành Hồ Chí Minh đã được nêu lên và tán thành tuyệt đối ở Quốc hội khóa I năm 1946 rồi, lâu nay trong lòng dân miền Nam cũng đã tự xem như thế”. Sau đó, nội dung này được thông qua ngay trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI từ ngày 24-6 đến 3-7-1976.

Theo ông Nguyễn Thành Thơ, Quốc hội thống nhất khóa đầu tiên đã thảo luận, quyết định những vấn đề vô cùng hệ trọng. Ngoài thống nhất chính thể Nhà nước, họ đã có quyết định đối với chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, chống lại những kẻ mới là bạn đã trở thành kẻ thù. Các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề hết sức nhạy cảm với nhân dân như cải tạo tư sản, quân nhân chế độ cũ, chương trình kinh tế mới, tập thể hóa nông nghiệp...

___________

Kỳ tới: Ấn tượng từ Ba Đình

Hồi ức của đại biểu Lê Văn Nuôi tại hội trường Ba Đình nơi họp Quốc hội thống nhất khóa đầu tiên.

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên