16/11/2014 09:05 GMT+7

​Lá phiếu phản ánh mức độ hài lòng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Thận trọng, khách quan, công tâm, chính xác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố cuối giờ chiều 15-11.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao sau phiên lấy phiếu tín nhiệm ngày 15-11 - Ảnh: V.dũng

“Ban kiểm phiếu (gồm 29 đại biểu Quốc hội) đã ăn cơm nắm uống nước lọc làm việc xuyên trưa, đảm bảo kết quả chính xác” - ông Hùng nói.

Tôi không tâm tư gì về kết quả bỏ phiếu. Tôi chỉ biết cố gắng hơn thôi. Tôi nghĩ ngành y tế hay cá nhân tôi đều phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tý cho biết: 485/497 đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên lấy phiếu (thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín). Quá trình kiểm phiếu cho thấy có một số phiếu không đánh giá tín nhiệm một số người thuộc diện lấy phiếu; có những phiếu đánh dấu hai ô (trong số ba ô: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) cho một người.

Đó là những phiếu không hợp lệ. Kết quả kiểm phiếu cho thấy không có lãnh đạo nào trong số 50 vị được lấy phiếu có số phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, 100% số đại biểu có mặt (451 vị) tán thành với kết quả của ban kiểm phiếu.

“Có thể đánh giá rằng Quốc hội đã thực hiện công việc một cách nghiêm túc, đáp ứng đúng quy trình, mục đích theo quy định của pháp luật, lấy phiếu 50 người thuộc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này. Các vị đại biểu đã làm việc thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.

Theo kết quả được công bố, những vị có nhiều phiếu “tín nhiệm cao” là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (380 phiếu), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (340 phiếu), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (320 phiếu), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (390 phiếu), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng (362 phiếu).

Các vị có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (192 phiếu), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh (157 phiếu), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (154 phiếu), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận (149 phiếu).

Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này phản ánh tương đối trung thực, tức là phản ánh mức độ hài lòng thông qua lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Mức độ tín nhiệm với từng vị được lấy phiếu, vì thế vừa là sự chia sẻ vừa là sự nhắc nhở”.

Ông Quốc  lấy ví dụ như lĩnh vực giao thông từng là lĩnh vực nhạy cảm, giờ đã cải thiện rất nhiều và mức độ tín nhiệm với ông bộ trưởng đã phản ánh điều đó. Điều này cho thấy không phải gặp khó khăn mà không thể vượt qua được.

Lại có những lĩnh vực tưởng ít người quan tâm như Bộ Nội vụ thì phiếu rất thấp. Hay lĩnh vực đầu tư ít ai hiểu tường tận, nhưng những phát biểu của người đứng đầu lĩnh vực này trước dư luận và trước Quốc hội mang lại những nhận thức rất tốt, để lại dấu ấn.

“Như thế cho thấy ngay cả những lĩnh vực không bộc lộ thì đại biểu vẫn có thể đánh giá được. Có những vị bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo phấn đấu thì tín nhiệm lên cao so với kỳ lấy phiếu trước. Nhưng cũng có những lĩnh vực lại yếu kém hơn trước” - ông Quốc nhận định.

Đại biểu Lê Như Tiến:

Phát huy tác dụng tích cực

Trong lần lấy phiếu trước, có một số vị bộ trưởng, trưởng ngành phiếu tín nhiệm cao khá thấp, mà phiếu tín nhiệm thấp lại khá cao như thống đốc Ngân hàng Nhà nước...

Nhưng đến lần này, nhiều vị bộ trưởng, trưởng ngành đã nhận được số phiếu với tỉ lệ tích cực hơn hẳn, cụ thể là bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thống đốc Ngân hàng Nhà nước...

Điều đó chứng tỏ rằng từ sau lấy phiếu lần trước thì các vị này đã có kế hoạch cụ thể để xông xáo hơn, lăn xả vào công việc hơn, được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội ghi nhận.

Chúng tôi quan niệm rằng việc lấy phiếu tín nhiệm không nhằm mục đích đi đến một trách nhiệm pháp lý với ai đó ngay, mà trước hết là có tác dụng cảnh báo để các vị có nhiều phiếu tín nhiệm thấp phải nhìn nhận lại công việc của mình, tìm ra các giải pháp để công việc chỉ đạo, điều hành trên cương vị của mình có chuyển động tốt hơn.

Với quan niệm như vậy thì thấy rõ ràng việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy tác dụng tích cực.

V.V.T. ghi

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm:

Thông cảm và chia sẻ

Chúng ta thấy rõ đợt lấy phiếu lần này có nhiều người trước đây tín nhiệm không cao thì nay đã có sự chuyển biến tích cực, có nhiều phiếu tín nhiệm cao như Thủ tướng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Nhưng cũng có nhiều người không thể vượt lên được như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo. Điều này cũng phản ánh khuynh hướng của đại biểu Quốc hội nhìn nhận với từng con người, từng vấn đề, từng lĩnh vực.

Ví dụ, thời gian gần đây lĩnh vực y tế đã xảy ra hàng loạt vụ việc tiêu cực và người ta chỉ nhìn vào hạn chế đó, chứ không nhìn vào tổng thể để đánh giá.

Bởi y tế là cả một hệ thống, nếu nhìn vào đó sẽ thấy bộ trưởng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, còn nếu chúng ta tách ra, chỉ nhìn vào những việc cụ thể để đánh giá thì rất khó.

Ví dụ như bệnh viện quá tải, nếu chỉ hô hào mà không chi tiền thì làm sao thay đổi được. Với cách nhìn như vậy, cá nhân tôi cũng thấy thông cảm và chia sẻ với một số vị số phiếu tín nhiệm cao còn thấp.

LÊ KIÊN ghi

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên