19/05/2011 04:27 GMT+7

Kỷ vật của Bác Hồ - Kỳ cuối: Hành trình của người phụ nữ Mỹ

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Người phụ nữ Mỹ này tận tụy gõ từng cánh cửa các sứ quán, bảo tàng, trung tâm lưu trữ của nhiều quốc gia trên thế giới để tìm kiếm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lady Borton không nhớ rõ bao nhiêu cánh cửa đã mở rộng và bao nhiêu cánh cửa khép chặt khi bà tìm đến. Với Lady Borton, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là duyên nợ, là tình yêu lớn của cuộc đời bà.

Lt89BRp3.jpgPhóng to
Bìa cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Lady Borton - Ảnh: Hà Hương

Kỳ 1: Cảm xúc từ ngõ Compoint Kỳ 2: 1.000 ngày trên đất Thái

Tìm Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong

Lady Borton sinh năm 1942 tại Washington DC (Mỹ). Bà đến Việt Nam trước năm 1975 và tham gia các hoạt động nhân đạo của Tổ chức Quaker (trung tâm tái định cư) tại Quảng Ngãi. Lady Borton nói được tiếng Việt, bà sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1978 với tư cách nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà hoạt động từ thiện. Những cuốn sách Lady Borton đã viết: Phía sau nỗi buồn (kể về số phận những phụ nữ Việt Nam trong và sau hai cuộc kháng chiến), Hồ Chí Minh - một chân dung (viết chung với C.David Thomas), Hồ Chí Minh - một hành trình...

“Các bạn luôn tin tưởng một cách tuyệt đối vào thông tin về cuộc đời Hồ Chí Minh. Nhưng một số học giả phương Tây nghi ngờ điều đó, đặc biệt họ đặt nhiều câu hỏi về quãng thời gian Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Tôi lần theo hành trình của Hồ Chí Minh và tôi muốn chứng minh những lời kể của Hồ Chí Minh bằng tư liệu và dẫn chứng lịch sử” - Lady Borton mở đầu chuyện kể về những hành trình “theo chân” Hồ Chí Minh của mình như vậy.

Cuộc tìm kiếm thầm lặng của Lady Borton kéo dài ròng rã hàng năm trời. Bà bắt đầu tìm kiếm tư liệu về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong từ kho lưu trữ tòa án, bộ ngoại giao của Anh, Pháp và tất nhiên là ở Hong Kong. Bà nói: “điều tôi luôn băn khoăn là người Pháp, người Anh lúc đó họ nghĩ gì và đánh giá ra sao về Nguyễn Ái Quốc. Những tư liệu về phiên tòa này ở hai bên hẳn ẩn chứa nhiều bất ngờ”.

“Điều thú vị là ngay trang đầu của tập hồ sơ dài 250 trang, người Anh đánh dấu hỏi rất lớn: Nguyễn Ái Quốc là ai? Người Pháp nói với họ rằng Nguyễn Ái Quốc là cộng sản nhưng theo luật Anh, cộng sản cũng có quyền. Họ chỉ quan tâm một điều duy nhất là người thanh niên này chống lại thống đốc Hong Kong. Và chắc họ cũng muốn biết tại sao người Pháp lại sốt sắng bắt người này đến vậy” - Lady Borton kể.

Đàm Thư, một người bạn Việt Nam, đã giúp Lady tìm kiếm tư liệu ở Pháp. Lady hài hước kể: “Chúng tôi gặp một tình huống ngang trái, tôi biết cách tìm nhưng không biết tiếng Pháp, lại là người Mỹ nên không được lên kho lưu trữ. Còn Đàm Thư biết tiếng Pháp, được phép vào nhưng không biết cách tìm”. Cuối cùng khi tìm thấy thì Lady gặp rắc rối lớn là những tài liệu đó chưa đến hạn giải mã. Số tài liệu này sau đó được photocopy và chuyển về Việt Nam thông qua con đường ngoại giao.

“Những tư liệu cho thấy Anh - Pháp tranh cãi với nhau khá gay gắt về Nguyễn Ái Quốc” - Lady Borton khẳng định.

ECEl1cCp.jpgPhóng to
Bà Lady Borton - Ảnh: Hà Hương

Tình yêu của Lady

“Năm 1954 tôi 12 tuổi, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Trên tờ báo của trẻ con ở Mỹ có đăng một hình minh họa và kèm theo những lời hù dọa: cộng sản sẽ ăn cắp thế giới. Lúc đó tôi sợ Việt Nam, sợ cả Hồ Chí Minh” - Lady Borton bật cười nhớ lại lần đầu nghe những cái tên đầy duyên nợ với bà.

Nỗi sợ hãi vì những lời hù dọa trẻ con đó nhanh chóng biến mất, thay vào đó là một tình yêu lớn đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lady Borton kể chuyện với ánh mắt lấp lánh: năm 1965 người Mỹ nói nhiều đến Việt Nam và Hồ Chí Minh, trên phố mọi người biểu tình phản đối chiến tranh. Vào thập niên 1960, Lady nhớ tên Việt Nam - Hồ Chí Minh còn nhiều hơn cả tên của những ngôi sao ca nhạc cùng thời.

“Tôi gặp Đàm Thư - một phụ nữ Hà Nội đã sống qua những năm tháng chiến tranh và gian khó. Đàm Thư kể cho tôi về ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình. Đó là Việt Nam qua con mắt của một cô bé 10 tuổi. Đàm Thư kể rằng mọi người đều muốn đổ ra đường, nhưng gia đình nào cũng có một người ở nhà để thắp hương cho những người đi xa báo rằng nước mình đã độc lập. Đàm Thư cũng kể về Tết Trung thu 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện với trẻ em. Người nói rằng: các cháu là dân của một nước độc lập. Có lẽ chính những câu chuyện nhỏ của Đàm Thư đã tiếp thêm tình yêu của tôi với Việt Nam và Hồ Chí Minh. Và tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về Hồ Chí Minh từ đó” - Lady kể về mối duyên của mình như vậy.

Mùa hè này Lady Borton sẽ về Mỹ để tiếp tục cuộc tìm kiếm mới của mình, đó là những tư liệu về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mỹ năm 1913. Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ bản thân Hồ Chí Minh biết cách mạng Mỹ hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam. Tại sao nước Mỹ lại giữ chân Hồ Chí Minh lâu đến vậy? Có thể ở Boston, Người đã tiếp xúc với phong trào đấu tranh của người da đen và đọc bản yêu sách do William Monroe Trotter (một người Mỹ da đen đã tốt nghiệp Đại học Harvard) viết, kèm chữ ký của 200.000 người gửi tổng thống Thomas Woodrow Wilson.

Hơn nữa, tôi nhớ một nhà báo nước ngoài từng nói những tháng năm ở Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn cách nhìn và các quyết sách của Hồ Chí Minh khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Cho nên việc Hồ Chí Minh đã đi đâu, tiếp xúc với ai trong năm 1913 sẽ là những thông tin quan trọng để giải mã thêm giai đoạn đầu ra đi tìm đường cứu nước của Người”.

Cuộc “theo chân” chàng trai Nguyễn Ái Quốc có đôi mắt sáng ở Mỹ của Lady Borton đã bắt đầu từ vài năm nay. Với bà, khi cánh cửa này đóng lại cũng có nghĩa là cánh cửa khác mở ra, và hành trình tìm kiếm những “miếng ghép” của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ dừng lại.

Đón đọc số tới: Đổi mới nghị trường

Một dấu ấn quan trọng của quá trình phát triển là những đổi mới trong sinh hoạt nghị trường của Quốc hội Việt Nam. Nhân mùa bầu cử Quốc hội, Tuổi Trẻ ghi lại những cột mốc đổi thay tích cực qua câu chuyện của những người trong cuộc.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên