05/12/2018 12:38 GMT+7

Ký ức về phở: Phở cá lóc mang đậm vị quê hương

LÊ QUANG THỌ
LÊ QUANG THỌ

TTO - Tuổi thơ tôi gắn với những năm tháng đầu tiên đi xây dựng kinh tế mới tại Tây Nguyên, một tuổi thơ lấm lem bùn đất và nghèo túng đến bần hàn.

Ngày ấy mới khai hoang nên cá đồng nhiều, bọn trẻ chúng tôi đi câu, giăng lưới bắt cá còn người lớn thì đi làm cho Hợp tác xã để tính công điểm. Ai cũng tham gia vào cuôc mưu sinh mà vẫn nghèo đói. Chén cơm trắng cũng là niềm mơ ước nói gì đến phở.

Ngày ấy tôi chỉ biết đến phở qua lời nói của người lớn và hình dung đó là món ăn sang trọng, xa xỉ lắm.

Năm tôi mười tuổi, mẹ tôi có việc về quê Quảng Nam. Khi trở lên Tây Nguyên, ngoài quà cho mỗi đứa con là vài ba cây kẹo, cái bánh, nắm chè cho ba tôi, mẹ còn mang theo một túi phở khô. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy và sờ tận tay sợi phở. Bây giờ mỗi khi nhìn thấy phở khô tôi vẫn nhớ cảm giác mát lạnh, mềm mịn khi chạm tay vào sợi phở ngày ấy.

Ba tôi cẩn thận cất túi phở khô và hẹn hôm nào rảnh rỗi ba làm cho chúng rôi ăn. Vậy là từ hôm đó trong tôi có thêm niềm vui, mong chờ ngày đầu tiên trong đời được ăn phở. Còn nhớ, không lâu sau đó cả xóm đều biết nhà tôi có phở khô vì tôi không giấu được niềm vui lớn của tuổi thơ. Rồi ngày vui đó cũng đến, ba tôi làm món phở mà ông gọi là phở quê, tôi cứ tưởng đó cũng là một món phở mọi người vẫn thích ăn.

Sau này tôi mới biết, để mua lon sữa, ổ bánh mì hay lạng thịt bò phải gởi người buôn hàng chuyến lên tận Buôn Ma Thuột cách nơi tôi sống gần năm mươi cây số mới có. Nhà lại nghèo túng, nuôi được con gà thì để bán mua lon gạo, nên ba tôi làm phở cá lóc.

Hôm ấy trời mưa rả rích lê thê từ sáng đến trưa. Ba tôi làm đồng mang về mấy con cá lóc to và nói làm món phở quê. Ba làm sạch cá lóc, luộc chín rồi ráy thịt, ướp mắm muối. Khi um cá, mùi thơm khắp xóm, chờ cho thật thấm, cho thêm ít tôm đòng đã um sẵn, thêm nước, quả cà chua cùng vài thứ rau thơm vườn nhà là có nồi nước ăn phở ngon lành.

Xương cá thì giã nhuyễn, cho nước luộc cá vào gạn lấy nước, bỏ xương. Thấy tôi nhìn có vẻ ngạc nhiên ba giải thích làm vậy cho nước nhân ngọt hơn và hương vị đồng quê đậm đà hơn. Món phở quê ngày ấy thiếu nhiều thứ mà hương vị thơm ngon đi vào tâm hồn thơ trẻ đọng lại thành kỉ niệm và thành món phở quê trong gia đình tôi đến ngày nay.

Phở quê của ba tôi ngày ấy gia vị chỉ là mắm, muối, bột ngọt mua từ tem phiếu nên không dám dùng nhiều. Rau sống mua được ít về xắt thêm bắp chuối, lấy cây chuối non (loại chuối Mốc) lấy lõi giữa thân xắt lát mỏng trộn vào thành rổ rau sống đầy. Phở của ngày nghèo khó không ăn bằng tô, mà bằng chén.

Bây giờ nhớ lại giữa hương vị thơm ngon của phở bò, phở gà vẫn thấy món phở quê thơm ngọt hơn nhiều. Có lẽ vì nó mang đậm hương vị quê hương. Vị ngọt thơm của cá lóc, ngọt bùi của phở khô như mang cả hương vị phù sa sông nước quê hương và nắng gió đất trời vào chén phở nhỏ.

Ăn cùng bắp chuối ngọt chát và thân chuối ngọt thanh làm thành vị ngọt rất riêng của phở quê ba tôi làm trong ngày túng thiếu. Cái vị ngọt của món phở ngày xưa như một cách giữ nét đặc trưng của món phở nói chung là vị ngọt nhiều hơn béo. Và, cũng rất tự nhiên phở quê đã trở thành kỉ niệm yêu thương rong tôi từ thời thơ trẻ.

Bây giờ tôi sống ở thành phố Buôn Ma Thuột, bữa trưa của ngày cuối tuần gia đình tôi thường ăn phở. Phần vì các cháu thích món ăn này, phần vì để cả nhà có thời gian nghỉ ngơi cuối tuần. Phở bò, phở gà, và thỉnh thoảng tôi cũng làm món phở quê như ba tôi ngày xưa. Với tôi đó như là cách để nhắc nhớ kỉ niệm tuổi thơ, cũng là cách thay đổi khẩu vị cho cả nhà.

Phở quê hôm nay cũng đầy đủ gia vị như các món phở khác nhưng vẫn giữ được vị ngọt đặc trưng của cá lóc. Rau sống ăn cùng tùy khẩu vị từng người, chỉ cần có thêm ít bắp chuối để vị quê thêm đậm đà.

Phở quê mang cả yêu thương của ba mẹ, hơi ấm làng quê vào tâm hồn và đã trở thành kỉ niệm trong tôi. Phở đã trở thành món ăn phổ biến của người Việt Nam. Phở đi qua mỗi vùng quê đều có hương vị riêng như phở cá lóc, phở quê của ba tôi ngày nào.

Ở vùng quê Tây Nguyên này nhiều nhà vẫn ăn phở cá như món cây nhà lá vườn mà ngọt đầy hương vị quê hương. Nhiều lần qua phố vô tình nhìn những tấm bảng ghi nào là phở bò, phở gà, phở chìa... tôi chạnh lòng nhớ món phở quê ngọt thơm ân tình.

Rồi tự thắc mắc với mình, món ăn phổ biến của người Việt sao không gắn với đặc trưng vùng miền cho hương vị quê hương thêm đậm đà?

Ký ức về phở: Phở cá lóc mang đậm vị quê hương - Ảnh 1.
18 giải thưởng được trao cho hai cuộc thi Ngày của Phở 18 giải thưởng được trao cho hai cuộc thi Ngày của Phở

TTO - Từ hơn 1.000 tác phẩm, sáng kiến gửi về cho hai cuộc thi đồng hành cùng Ngày của Phở 12-12 do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, ban tổ chức đã chọn ra 18 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cao.

LÊ QUANG THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên