Phóng to |
Các cựu chiến binh và đoàn hành trình dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)- Ảnh: T.T.D. |
Trở lại bến cũ, trong niềm rưng rưng xúc động, cựu thủy thủ Hoàng Gia Hiếu - máy trưởng tàu không số mật danh 41, thành viên của đoàn hành trình - kể về chuyến đi đầu tiên vào Quảng Ngãi tháng 11-1966: “Khi tàu vào tới điểm thả hàng (Đức Phổ) là 23g. Chúng tôi chỉ thả được 40 tấn xuống biển để sau này dân quân ra lặn, lấy về thì đã 3g sáng, không thể thả tiếp hàng được nữa”.
Trước đó, lúc 20g hôm trước, tàu 41 đã bị hai tàu chiến của địch đánh đèn hỏi. Chi bộ họp cấp tốc và quyết định không trả lời, quyết tâm đưa hàng vào tới bến. Địch nghi là tàu lạ từ miền Bắc vào nên bám theo. Khi vào đến khu vực Sa Kỳ, do tàu địch to nên không thể vào được, dàn ở ngoài cửa biển chặn đường ra.
Thuyền trưởng quyết định tìm đường hủy tàu trước khi trời sáng để giữ bí mật. Tàu sắt 41 là chiếc tàu đầu tiên phải hủy ở Quảng Ngãi. Tàu chạy cách điểm thả hàng một khoảng cách đủ để bảo vệ số vũ khí đã thả xuống biển. 13 người được lệnh vào bờ trước, chỉ còn lại bốn người làm nhiệm vụ phá tàu: thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, thuyền phó Nguyễn Hồng Lì, chính trị viên Đặng Văn Thanh và máy trưởng Phan Nhạn.
Sau khi điểm hỏa, chiếc tàu nổ tung không để lại một dấu vết có lợi cho đối phương. Còn các thủy thủ được giao liên dẫn đường đi bộ dọc dãy Trường Sơn và mất sáu tháng mới về đến Hà Nội.
Khi thấy rất nhiều tàu của ngư dân neo đậu ở bến, ông Lưu Công Hào - cựu thủy thủ tàu không số mật danh 43, thành viên của đoàn hành trình - rớm nước mắt nói: “Đây là nơi máu và thân xác của đồng đội tôi đã hòa tan vào sóng nước...”.
Đã 43 năm trôi qua, ký ức về chuyến đi chở 50 tấn vũ khí vào ngày 28-2-1968 vẫn còn đó, đầy ắp trong tâm khảm người cựu chiến binh.
Dịp này, đoàn hành trình đã đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ (nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16-3-1968), viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn và giao lưu với sinh viên Trường ĐH Tài chính - kế toán Quảng Ngãi. Tối cùng ngày, đoàn tham gia buổi giao lưu lửa trại với thanh niên, đoàn viên tỉnh Quảng Ngãi tại cảng Sa Kỳ.
* Cùng ngày, Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Bộ tư lệnh hải quân tổ chức hội thảo “Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu không số”.
Ông Nguyễn Văn Đức - nguyên thuyền trưởng tàu không số - khẳng định: “Đoàn tàu không số đầu tiên của Bến Tre xuất phát từ ngày 1-6-1961, chứ không phải 17-8-1961 như nhiều tài liệu trích dẫn. Trải qua 15 năm (1961-1975) đã có 27 chuyến tàu không số cặp bến vào địa phận Bến Tre, chở theo hơn 2.700 tấn vũ khí và hàng hóa các loại”.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định Bến Tre là một trong những tỉnh trọng yếu góp phần tạo nên huyền thoại những con tàu không số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận