17/12/2018 14:54 GMT+7

Kỳ tích trên vùng cát trắng Chu Lai

V.HÙNG-L.TRUNG
V.HÙNG-L.TRUNG

Trở lại vùng đất Chu Lai, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) những ngày này, gần 200 nhà máy, công xưởng san sát nhau đánh dấu bước chuyển của đô thị hiện đại.

Kỳ tích trên vùng cát trắng Chu Lai - Ảnh 1.

Với việc điều chỉnh quy hoạch, Quảng Nam đặt quyết tâm biến Chu Lai trở thành trung tâm logistics, cảng biển

Trong tâm trí mỗi người Núi Thành hay Quảng Nam, cách đây 15 năm, nói đến vùng chiến địa Chu Lai chỉ là nơi bạt ngàn cát trắng và rừng dương. Năm 2003, khi Chính phủ quyết định lập Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai đầu tiên cả nước đã đặt kỳ vọng thúc đẩy khu vực tiềm năng này phát triển.

Cuộc "cách mạng" thời bình

Một lần trao đổi với chúng tôi, nguyên bí thư, chủ tịch UBND huyện Núi Thành những năm KKT mở Chu Lai bắt đầu hình hài, ông Nguyễn Tiến tâm sự, năm 2003, thời cuộc đất nước lại đặt trên vai Núi Thành một thử thách khác. Nhân dân vùng đất dạn dày truyền thống đấu tranh cách mạng này lại nhận lãnh trọng trách "xây dựng kinh tế mới" - xây dựng KKT mở đầu tiên đất nước. Ông nói, vinh dự được trao này đã tạo cho địa phương vốn có xuất phát thấp nhiều lĩnh vực, đời sống khó khăn thực sự. Nhưng cái nghèo, khó khăn mưu sinh thôi thúc người Chu Lai, Núi Thành quyết tâm bằng ý chí, tinh thần tự lực bền bỉ và sự đồng thuận từ các cấp chính quyền, nhất là sự hi sinh của nhân dân ở 12 xã, thị trấn nằm trong vùng quy hoạch KKT mở Chu Lai để hi vọng một sự thay đổi lớn, tốt đẹp hơn cho mảnh đất quê hương.

Tỉnh muốn xây dựng một mô hình kinh tế mở để thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo ra một cơ chế kinh tế vượt trội, tạo cho Quảng Nam sức bật, thế và lực mới. Đánh giá lại 15 năm phát triển KKT mở Chu Lai, con đường và quyết định lựa chọn của Quảng Nam thời điểm khó khăn như vậy là đúng đắn. KKT mở Chu Lai được trung ương đánh giá là 1 trong 28 khu kinh tế ven biển có hiệu quả tốt
Ông NGUYỄN NGỌC QUANG - Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam

Cả vùng Chu Lai, Núi Thành sau thời khắc 2003 nhộn nhịp như một đại công trường, với hơn 17.000 hộ dân của huyện trong diện giải tỏa, ổn định cuộc sống mới. Ông Tiến kể, sự may mắn của Núi Thành chính là tất cả cùng đồng cam cộng khổ, gánh chịu khó nhọc trên tinh thần luôn vượt khó để làm nên một cuộc "cách mạng" thời bình, xây dựng kinh tế, tìm con đường giàu sang hơn cho tương lai. Như ở xã Tam Hiệp, nhân dân đã sẵn sàng nhường đất hết cả làng để hình thành nên những nhà máy, hay như ở Tam Quang, Tam Hải,...những mảnh đất đắc địa nhất được dành cho các nhà đầu tư xây dựng dự án. Và quả thật, từ những định hướng, chủ trương và đầu tư lớn của Nhà nước cộng với sự nhiệt tâm, đầy trách nhiệm đầu tư của doanh nghiệp và sự tận lực từ khối óc, bàn tay của mọi người đã tạo nên một diện mạo tươi mới, hiện đại cho vùng đất Chu Lai hôm nay.

Vùng đất nghèo trỗi dậy

Hành trình 15 năm

KKT mở Chu Lai diện tích tự nhiên 27.040 ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng Đông ven biển huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, gồm nhiều khu chức năng như Khu thương mại tự do, các khu công nghiệp, các khu du lịch và khu đô thị, dân cư.

Qua 15 năm thực hiện, phần lớn các khu chức năng đã hoàn thiện. Khu thương mại tự do quy mô 1.656,7 ha gồm các ngành công nghiệp chế xuất, công nghiệp phục vụ, hàng không, cảng du lịch, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí.

info trang 1

Sau 15 năm xây dựng, hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội KKT mở Chu Lai phát triển vượt bậc. Từ Quốc lộ 1 xuyên qua các đường vào các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm xã là đường nhựa lớn. Con đường ven biển nối từ đô thị cổ du lịch Hội An đến Chu Lai đánh thức một vùng tiềm năng Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành trỗi dậy. Đường trục chính các khu công nghiệp, khu tái định cư đô thị được đầu tư hoàn chỉnh, nối với cảng biển Kỳ Hà cho tàu trọng tải lớn cập bến. Điều rất bất ngờ và được mọi người Núi Thành mong đợi là sự phục hồi Sân bay thời chiến Chu Lai phục vụ sự phát triển kinh tế, dân sinh thời bình. Vòng quanh Chu Lai, Núi Thành ngày nay, cạnh nhà máy san sát nhau là khu dân cư ngăn nắp, khu du lịch ven biển thay nhau được đầu tư, bệnh viện đa khoa, trường học, trường nghề đã và đang được đầu tư xây dựng đã đáp ứng tốt nhu cầu người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, cách đây 21 năm mới tái lập là tỉnh nghèo thứ nhì cả nước, một tỉnh thuần nông, thu nhập thấp nhất nước, tỉ lệ nghèo đói vào loại gần cao nhất nước. Song hiện nay, Quảng Nam phát triển công nghiệp rất tốt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch với công nghiệp, dịch vụ, thương mại chiếm gần 90%, chỉ hơn 10% nông nghiệp, thu ngân sách đạt hơn 21.000 tỉ đồng/năm.

Phát triển đô thị công nghiệp hiện đại

Từ trong gian khó những ngày đầu thành lập, KKT mở Chu Lai là con đẻ của cơ chế mới, có tính chất vượt trội, được Bộ Chính trị, Chính phủ đồng ý, Quảng Nam đã tự lực cánh sinh, tìm mọi cách phát triển. Đến nay, với hạt nhân là các khu công nghiệp, công nghiệp cơ khí ôtô, cảng biển, logistics, các nhà máy,... tạo cho vùng Chu Lai sản lượng công nghiệp lớn. KKT mở Chu Lai đã đóng góp hơn 2/3 tổng thu ngân sách Quảng Nam. Theo ông Quang, điều đặc biệt là công nghiệp ở Chu Lai phát triển không phải mang tính chất chế xuất, gia công mà là công nghiệp chế tạo, với hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Ngày nay, nói đến KKT mở Chu Lai mọi người đều hình dung ngay là vùng đất công nghiệp phát triển, nơi hiện diện những nhà máy sản xuất ôtô hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á, gắn liền với cái tên rất quen thuộc và là niềm tự hào người dân Quảng Nam, một biểu tượng công nghiệp của tỉnh và của ngành ôtô đất nước, đó là ôtô Trường Hải (Thaco). Mười lăm năm qua, Thaco từng ngày âm thầm đầu tư để xây dựng nên một vị thế cho nền công nghiệp ôtô Việt Nam. Ông Quang cho rằng, chính sự quyết tâm của chính quyền cùng làm với doanh nghiệp, cùng đi với doanh nghiệp như một đội, thì mới có thể tạo được niềm tin của nhà đầu tư để họ bỏ ra khoản tiền lớn, sự nghiệp vào Chu Lai. Ông kể, lúc đầu việc kêu gọi cũng khó, nhưng dần dần le lói được dự án chỗ Thaco, từ đó trở đi gần như cả tỉnh dồn hết cho Thaco, vướng mắc gì là tập trung giải quyết ngay. "Tôi vẫn nói, Chu Lai có được ngày hôm nay nhờ Thaco, ngược lại Thaco có ngày hôm nay cũng nhờ Chu Lai, giống như 2 mặt tương thích với nhau", ông Quang khẳng định.

Dấu ấn quan trọng nhất của thu hút đầu tư vào KKT mở Chu Lai, Quảng Nam chính là cơ chế. Đó là một cơ chế tốt, đủ khuyến khích, rõ ràng, minh bạch, có sự quyết tâm của địa phương, sẵn sàng tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Các điều kiện đó làm cho nhà đầu tư cảm nhận được từ Chu Lai là nơi đất lành chim đậu. Dấu ấn thứ hai là đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, từ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc đó là anh Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc), bằng tấm lòng của mình, thu phục được các nhà đầu tư còn băn khoăn với sự khó khăn ban đầu từ cơ sở hạ tầng của tỉnh.

V.HÙNG-L.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên