10/02/2015 12:42 GMT+7

"Kỳ tích" người mang 95% gen đàn ông sinh đôi

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Một phụ nữ Ấn Độ mang 95% nhiễm sắc thể nam vừa cho ra đời cặp song sinh khỏe mạnh, trường hợp được mô tả là hiếm nhất từng được ghi nhận trong lịch sử y khoa.

Theo các bác sĩ, ngay ở phụ nữ bình thường việc hỗ trợ sinh sản chỉ đạt tỉ lệ thành công 35-40% - Ảnh: newzstreet.tv

"Điều này cũng giống như một người đàn ông mang song thai" - chuyên gia vô sinh Sunil Jindal nói, RT ngày 10-2 trích đăng. "Đó là một phép mầu y học. Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi làm được điều này".

Người mẹ trong sự kiện hi hữu trên là cô Maya Sharma, 32 tuổi. Các bác sĩ nói cô bị loạn sản tuyến sinh dục XY, với nhiễm sắc thể XY (hướng nam) chiếm ưu thế. Cô có vẻ bề ngoài là nữ nhưng buồng trứng không hoạt động, do đó không thể có con.

"Cô ấy không trải qua tuổi dậy thì và cũng không có kinh nguyệt. Khi kiểm tra chúng tôi phát hiện cô có âm đạo rất nhỏ và tử cung trẻ con" - Jindal nói.

"Cô ấy thậm chí không biết về tình trạng của mình và đã rất sửng sốt khi nghe chúng tôi nói. Nhưng chồng cô rất ủng hộ và bảo cô: "Không có vấn đề gì khi em tiếp tục làm vợ anh" - Jindal kể.

Theo các bác sĩ, ngay ở phụ nữ bình thường việc hỗ trợ sinh sản chỉ đạt tỉ lệ thành công 35-40%, do đó việc Maya mang thai và sinh con có thể coi là "phép mầu trong y học"

Để có con, Maya được điều trị suốt ba năm và trải qua hơn 12 tháng điều trị nội tiết để tử cung phát triển đến một mức độ có thể mang được thai.

Các bác sĩ sau đó lấy tinh trùng của chồng cô cho thụ tinh với trứng hiến tặng rồi cấy phôi vào tử cung mới phát triển này.

Tiếp đó họ tìm mọi cách giữ cái thai - điều mà các bác sĩ mô tả là "thách thức lớn nhất" do cơ thể Maya vốn không có chức năng mang thai. Và họ đã làm được.

Cuối tuần qua, Maya hạ sinh một bé trai nặng 2,25kg và một bé gái nặng 2,50kg, cả hai đều khỏe mạnh. Các bác sĩ nói cô rất quyết tâm và đây là yếu tố quan trọng giúp việc điều trị thành công.

"Hiện cả thế giới chỉ có 4-5 trường hợp phụ nữ mắc hội chứng loạn sản tuyến sinh dục XY có thể sinh con. Vì vậy, đây thật sự là một thành tựu to lớn" - tiến sĩ KD Nayyar thuộc Hiệp hội Sinh sản Ấn Độ nói.

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên