27/09/2010 06:30 GMT+7

Kỳ tích đê sông Hồng - Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử

THU HÀ - ĐỨC BÌNH
THU HÀ - ĐỨC BÌNH

TT - Từ cuối thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19, thống kê chưa đầy đủ cũng đã có 188 năm chính sử chép có thủy tai, kèm theo thảm họa lớn: vỡ đê. Đến thời Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên ghi nhận 82 năm đầu của triều Nguyễn đã có 52 năm lụt lội, vỡ đê.

SK4jF2lH.jpgPhóng to
Trong trận lũ năm 1971, ngành giao thông đã điều hẳn một đoàn tàu chở đầy đá hộc để ém trên cầu Long Biên vì sợ trôi cầu - Ảnh tư liệu TTXVN

Vỡ đê trong sử sách

Theo các chuyên gia về đê điều thì sử sách đã ghi lại hàng trăm vụ vỡ đê lớn nhỏ. Bắt đầu từ triều Lý (trở đi), quốc sử mới có những ghi chép liên tục về chuyện vỡ đê, nhưng cũng chỉ ghi lại những năm lụt lớn.

Đầu tiên, triều Lý Nhân Tông năm thứ 7, Mậu Ngọ, 1078, nước lụt tràn ngập trong thành. Cũng triều Lý Nhân Tông năm thứ 50, Tân Sửu 1121, mùa hạ tháng 5, nước to tràn vào đến ngoài cửa Đại Hưng. Hẳn đã vỡ thì nước mới tràn như vậy, dù đê Cơ Xá được đắp để bảo vệ kinh thành từ năm 1108.

Triều Trần, lụt lội hoành hành không kém. Năm Bính Thân 1236, triều Trần Thái Tông năm thứ 12, tháng 6, vỡ đê, nước ngập cung Lệ Thiên. Hai năm sau, năm Mậu Tuất 1238, mùa thu tháng 7, nước to, đê vỡ, ngập cung Thưởng Xuân. Đến năm Quý Mão 1243, nước lụt còn phá vỡ cả thành Đại La.

Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám đang diễn ra thì lũ trên các sông thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình lên rất cao. Khi lũ sông Hồng chưa lên đến đỉnh, chính quyền cách mạng đã cho mở đập Đáy (Đan Phượng-Hà Tây, nay là Hà Nội) để tiêu bớt lũ cho sông Hồng.

Bảy cửa đập Đáy (mở) được hạ thấp từ từ trong bảy giờ liền, đỉnh cửa đã từ 12,5m xuống 11,5m.

Dự định mở hết cỡ đưa mặt cửa đập nằm ngang ở 7m như thiết kế. Nhưng hạ xuống đến 10,5m thì tất cả các cửa không xuống được nữa mà có biểu hiện dập dềnh như đã gặp trong lần mở năm 1940.

Sáng 19-8 cửa số 1 phía Sơn Tây thình lình sập hẳn mặc dù đã dùng mọi biện pháp ép khí vào, cửa cũng không lên được tạo thành một thác nước khủng khiếp xoáy vào khoang số 1. Kết quả là khoang số 1 bị phá hủy hoàn toàn, phải lấp bỏ vĩnh viễn.

Đập Đáy vỡ, kéo theo 52 đoạn đê thuộc sông Hồng, sông Thái Bình và các con sông khác (trừ đoạn thuộc Hà Nội) bị vỡ. Tổng diện tích bị ngập lụt lên tới 321ha.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra đúng vào những ngày lũ lịch sử và việc hàn đê chống lụt trở thành công việc đầu tiên của nhà nước cách mạng. Tấm bằng khen đầu tiên được trao cho việc này.

Bác Hồ khi đó đi xuống tận Hưng Yên, Thái Bình để đôn đốc. Chính Hồ Chủ tịch là người ủng hộ sáng kiến đổi mới cho việc hộ đê bằng việc kêu gọi tư nhân “đầu tư” và chấp nhận “đấu thầu” trong các công trình củng cố đê điều...

Năm Canh Ngọ 1270, triều Trần Thánh Tông, mùa thu tháng 7 nước lũ to. Các đường phố và kinh thành đều phải đi lại bằng thuyền. Như vậy cũng có nghĩa là đê sông Hồng và hệ thống đê quanh kinh thành đã bị vỡ nhiều nơi.

Đến triều Lê, mặc dù đê điều đã được củng cố và có tổ chức hộ đê hẳn hoi, nhưng lụt lội vẫn là nỗi kinh hoàng. Năm 1445, triều Lê Nhân Tông, nước sông lên to, ngập vào trong thành sâu đến 3 thước, lúa mạ tổn hại đến 1/3 cả nước. Năm Đinh Hợi 1467, Lê Thánh Tông năm thứ 7, nước biển dâng cao, gió bão rất lớn, đê điều bị vỡ, thóc lúa bị ngập, nhiều người chết đói. Năm Tân Hợi 1491, tháng 8 mùa thu mưa rất to suốt ngày đêm không ngớt. Nước lũ lên dữ dội. Điện Kính Thiên nước ngập sâu 2 thước 2 tấc.

Năm Canh Ngọ 1630, triều Lê Thần Tông, mùa thu tháng 8 nước sông Nhị tràn vào, nước chảy trên đường phố Cửa Nam như thác, phố phường nhiều người chết đuối. Liên tiếp các năm Tân Mùi 1521, Nhâm Thân 1632, cung điện nhà vua đều bị ngập lụt.

Đến thời Gia Long, năm 1802, Bắc thành nước lớn, đê vỡ. Năm 1809, Bắc thành bão lụt tràn ngập. Năm Giáp Thìn 1844, nước sông Nhị lên đến hơn 10 thước, đồng ruộng Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Quảng Yên đều bị ngập.

Trong các triều vua Nguyễn thì triều Tự Đức có nhiều lũ lụt nhất, đồng bằng Bắc bộ vỡ đê liên miên vì đê điều ít được tu sửa. Đê Văn Giang (Hưng Yên giáp Hà Nội) vỡ 18 năm liền, từ 1863-1886 dân cư phiêu bạt, xóm làng trở thành đầm lầy.

Thời Pháp, cứ ba năm thì có một năm đê vỡ. Các trận lụt năm 1893, năm 1915 làm bốn tỉnh hữu ngạn sông Hồng ngập chìm trên ba tháng trời, tác động mạnh đến dư luận nước Pháp, buộc thực dân Pháp phải thực hiện một số kế hoạch củng cố đê điều.

Gần nữa, trận lũ năm 1969 và 1971 được các chuyên gia ghi vào “lịch sử” bởi vỡ đê hàng loạt, gần 100.000 dân đồng bằng sông Hồng đã chết vì trận lũ này...

Vỡ đê trong trận lũ lịch sử 1971

Cuốn sổ tay khá dày, cũ kỹ, sờn hết gáy của kỹ sư Nguyễn Gia Quang, nguyên cục phó Cục Đê điều (Bộ Thủy lợi), ghi lại chính xác đến từng giờ, từng phút về cơn lũ kinh hoàng và thảm họa vỡ đê năm 1971.

Vừa lật giở những trang giấy cũ nát tìm số liệu, ông Quang vừa kể: năm đó, từ nửa cuối tháng 8 mưa to, đều trên diện rộng khiến lũ sông Đà, sông Thao, sông Lô (ba nhánh chính của sông Hồng) đều lên. Gần chục ngày trời ngày nào cũng mưa, mưa lúc mau lúc thưa không ngớt, mây đen phủ kín cả bầu trời.

Dòng sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội nước chảy cuồn cuộn, những xoáy nước to bằng cái nong quay tít, xoáy hun hút xuống tận đáy, không một bóng con tàu, chiếc thuyền nào dám lai vãng. Vùng ngoài đê chìm trong biển nước, nhà cửa ở chỗ cao chỉ nhú lên cái nóc, các lùm cây thoi thóp trong nước lũ...

2 giờ đêm 21-8, lưu lượng nước sông Đà tại Hòa Bình đạt 16.100m3/giây, tại sông Thao (ở Yên Bái) là 10.500m3/giây, sông Lô (tại Phù Ninh, Phú Thọ) là 13.900m3/ giây. Sau khi hợp lưu, lưu lượng sông Hồng tại Sơn Tây là 34.250m3/giây làm cho nước các triền sông lên cao.

Ông Quang kể tiếp, Hà Nội lúc đó nước lên xấp xỉ mặt cầu Long Biên và ngành giao thông đã phải điều cả một đoàn tàu chở đá lên nằm yên trấn giữ mặt cầu, với hi vọng giảm thiểu tác động của nước xiết có thể cuốn phăng cả cây cầu huyết mạch này.

Sau khi lũ làm ngập vỡ hết các đê bối (đê nằm ngoài đê), lần lượt vỡ đê Lâm Thao, đê Lai Vu (Hải Dương), đê Nhất Trai (Thái Bình), đê Khê Thượng (Ba Vì-Hà Tây cũ). Riêng đê Cống Thôn thuộc Hà Nội vỡ lúc 20g30 tối 22-8. Đê phao Tấn Tả (Thái Bình) được phá để phân lũ lúc 9 giờ sáng 23-8. 11 giờ cùng ngày thì đê Thượng Vũ sông Kim Môn vỡ, đến 27-8 vỡ cả cống Chuốc do nước Khê Thượng dồn về...

“Mặc dù dùng cả xe tăng chặn lũ ở cống Khê Thượng nhưng lũ cuốn phăng cả xe tăng xuống phía hạ lưu hàng trăm mét” - ông Quang nhớ lại.

Theo ông Quang, mực nước đo được tại Hà Nội sau khi đã vỡ đê là 14,13m - theo nhiều chuyên gia là tương đương với mặt đồng hồ ở ga Hàng Cỏ.

Việc hàn khẩu các chỗ vỡ được thực hiện ngay nhưng do mưa to tiếp tục kéo dài, lũ lớn nên công việc kéo dài, chỉ kết thúc sau khi lũ rút, mặc dù đã sử dụng đến 10.000m3 đá hộc, 1,4 triệu bao tải đay, 34.000 rọ thép và đặc biệt đã phải đánh đắm 19 sà lan (riêng cho đê Nhất Trai).

______________________

Ngoài lũ lụt, cũng có nhiều đe dọa khác trên đê sông Hồng. Có một vị thủ tướng đã “dẹp loạn” chân đê Yên Phụ để “gia cố” lại kỷ cương phép nước.

Kỳ tới: Vụ án đê Yên Phụ

THU HÀ - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên