Mảnh vải nhuộm chàm 6.200 năm tuổi tại một ngôi đền ở Peru - Ảnh: Lauren Urana |
CS Monitor cho biết nhóm các nhà khảo cổ học đã phát hiện một mảnh vải bằng sợi bông nhuộm chàm 6.200 năm tuổi. Điều này có nghĩa là người Peru cổ xưa đã biết đến kỹ thuật nhuộm vải trước cả người Ai Cập.
Phát hiện công bố trên tạp chí Science Advances tuần rồi cho biết các nhà khảo cổ đã phát hiện mảnh quần áo cổ xưa trên tại khu vực vùng núi linh thiêng Huaca Prieta của Peru.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng mảnh vải này có tuổi đời "già" hơn mảnh vải nhuộm lâu đời nhất trên thế giới được phát hiện tại Ai Cập 1.800 năm tuổi.
"Sợi bông (hay cotton) từng được sử dụng để dệt vải ở Huaca Prieta cùng một mẫu với loại sợi cotton ngày nay tại Ai Cập" - trưởng nhóm nghiên cứu Jeffrey Splitstoser cho biết.
Theo trưởng nhóm Splitstoser, có thể ví von thú vị rằng nhờ những người cổ xưa tại Nam Mỹ, mà cụ thể là tại Peru, nên chúng ta mới có quần jean xanh mặc ngày hôm nay.
Peru nổi tiếng với cây bông (hay còn gọi là cotton). Cây bông ở nước này có khả năng kháng côn trùng. Do đó đến ngày nay người dân trồng cây bông tại Peru cũng thường không dùng thuốc trừ sâu hoặc phân bón.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng người châu Mỹ biết nhuộm chàm ít nhất 2.500 năm trước trong khi người Ai Cập biết về nhuộm chàm ít nhất 4.400 năm trước.
Tuy nhiên, với phát hiện tại Peru thì các nhà khoa học đã có bằng chứng mới về ông tổ của nghề nhuộm chàm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận