Lynk Lee nhận hàng nghìn bình luận miệt thị khi lần đầu diện váy gợi cảm đi hát - Ảnh: 1900/NVCC
Lynk Lee bị miệt thị bằng những từ tục tĩu, còn J.K. Rowling cho rằng người chuyển giới không phải là phụ nữ và không thuộc nhóm hành kinh.
Về việc Lynk Lee bị miệt thị cơ thể, Nguyễn Tuấn - một người làm truyền thông - cho rằng cách dùng mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ đang quá "độc hại". Họ tấn công một người bằng từ ngữ rất ác ý mà không quan tâm những tổn thương mình gây ra.
Miệt thị cơ thể hay chửi bằng ngôn từ rất khó nghe, không thể nào chấp nhận được, đó là một dạng tư duy nguyên thuỷ có phần bản năng và không có nền tảng văn hoá.
Người ta không nói lý lẽ, thay vào đó là sử dụng những ngôn từ khiêu khích nhất để được hả hê thoả mãn cái dục vọng tồi tệ: thể hiện quan điểm dị hợm và kệch cỡm.
Nguyễn Tuấn
Điều đáng buồn là thói kỳ thị không chỉ xảy ra ở những người có nền tảng giáo dục thấp.
Là nhà văn, tỷ phú và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, Rowling vẫn giữ quan điểm "phụ nữ chuyển giới không phải là phụ nữ".
Hôm 6-6, trang Devex đăng bài báo với tiêu đề: Tạo ra thế giới hậu COVID-19 bình đẳng hơn cho những người có kỳ kinh nguyệt. Cụm từ "những người có kỳ kinh nguyệt" ở đây rất đa dạng, có thể là phụ nữ, phụ nữ chuyển giới, liên giới tính, phi giới tính... nhưng vẫn có kinh nguyệt.
Chẳng hạn, trong nhóm người chuyển giới từ nữ sang nam, khá nhiều người vẫn còn kỳ kinh nguyệt và họ rõ ràng không phải phụ nữ.
Nhưng Rowling có cái nhìn hẹp hơn thế. Dẫn lại bài báo của Devex, bà cho rằng cụm từ "những người có kỳ kinh nguyệt" nên được thay bằng "phụ nữ". Bà đề xuất những từ nói lái của "phụ nữ" theo phong cách phù thủy như "Wumben", "Wimpund", "Woomud".
Ý kiến này của tác giả Harry Potter bị giới nghệ sĩ quốc tế phản đối dữ dội. Sự phản đối đến từ chính những diễn viên của Harry Potter và phim tiền truyện Fantastic Beasts. Đó là Daniel Radcliffe, Emma Watson, Eddie Redmayne, Katie Leung, Noma Dumezweni và Evanna Lynch.
Đặc biệt, Daniel Radcliffe tỏ ra chín chắn khi cho rằng: "Người chuyển giới cũng là phụ nữ. Mọi quan điểm đối lập đều là xóa bỏ nhận diện và lòng tự trọng của họ. Điều đó đi ngược lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe, những người có nhiều hiểu biết về chủ đề này hơn cả tôi và Rowling".
Daniel Radcliffe phản bác phát ngôn của J.K. Rowling về vấn đề giới - Ảnh: VARIETY
Trong phát ngôn của nam diễn viên có một ý quan trọng, đó là nhiều khi, các chủ đề giới quá phức tạp và vượt ngoài tầm hiểu biết của bản thân người phát ngôn. Chuyển giới là một chủ đề như vậy, không phải ai cũng đủ kiến thức y khoa và xã hội để phát ngôn.
Thay vào đó, chúng ta chỉ cần đơn giản chấp nhận và không phát ngôn nếu không đủ hiểu biết. Còn chuyển hóa sự kỳ thị thành ngôn từ và tấn công tàn nhẫn người chuyển giới thì rõ ràng là sai trái.
Lynk Lee là nạn nhân kỳ thị của ngày hôm nay nhưng không phải là duy nhất. Cũng Daniel Radcliffe, trong bài đăng của mình, dẫn số liệu của Dự án Trevor (dự án nhằm ngăn nguy cơ tự tử trong cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới, phi giới tính...) cho thấy: "76% người chuyển giới và không phân biệt giới từng bị kỳ thị do giới tính".
Tối 15-6, Lynk Lee đăng ảnh trước và sau phẫu thuật tại Hàn Quốc - Ảnh: NVCC
Lynk Lee không chùn bước khi bị kỳ thị
Tối 15-6, ngay khi bị miệt thị cơ thể, Lynk Lee công khai hình ảnh trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ sau chuyển giới. Trong các bức ảnh, nữ ca sĩ ghi lại hành trình hồi phục hậu phẫu tại một bệnh viện thẩm mỹ xương hàm mặt ở Hàn Quốc hồi sau Tết Nguyên đán 2020.
Việc công khai ảnh, với ngoại hình nữ giới chưa hoàn thiện, là cách Lynk Lee đáp trả những lời miệt thị cơ thể. Cô cho biết không chùn bước khi bị miệt thị và sẽ yêu thương bản thân nhiều hơn.
"Trên 30 tuổi không còn là trẻ. Các đường nét mềm mại và nữ tính cần thời gian lâu hơn. Nhưng với Linh, mọi thứ không còn là muộn nữa rồi. Cuộc sống với Linh bây giờ mới đang bắt đầu và còn cả chặng đường dài phía trước để hoàn thiện" - cô chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận