Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: T.HUỲNH
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức 2 đợt thi, thu hút tổng số hơn 92.000 thí sinh. Các đơn vị trong hệ thống đại học này dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022.
Điểm thi giảm nhưng điểm chuẩn tăng
So với năm ngoái, điểm chuẩn đánh giá năng lực các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay có sự điều chỉnh mạnh ở việc có ngành giảm, một số ngành không thay đổi nhưng cũng có hàng chục ngành điểm tăng.
Đáng chú ý, lần đầu tiên điểm chuẩn xuất hiện ở mức 1.001 điểm (tổng điểm bài thi 1.200 điểm) ở ngành khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Năm 2022, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức đánh giá năng lực.
Trong đó, ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất với 1.001 điểm. ThS Trần Vũ, trưởng phòng thông tin - truyền thông nhà trường, cho hay: "Đây là lần đầu tiên trường có ngành xét tuyển đạt ngưỡng điểm chuẩn trên 1.000 điểm.
Điều này cho thấy sức hút của chương trình này đối với các học sinh ưu tú trên cả nước, vì chỉ có khoảng 80 thí sinh có số điểm từ 1.001 trong cả 2 đợt thi năm nay. Về chênh lệch điểm so với năm 2021, có 9 ngành giảm điểm, 3 ngành không thay đổi, còn lại 14 ngành tăng.
Việc một số ngành giảm điểm có thể lý giải thông qua phổ điểm đánh giá năng lực năm nay có phần thấp hơn so với các năm trước, đồng thời các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sự sống thường ít được thí sinh lựa chọn".
Cũng tại trường này, điểm tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành toán học, toán ứng dụng, toán tin (tăng 80 điểm, tương đương 11%), còn lại đều tăng nhẹ từ 10 - 30 điểm.
Theo các chuyên gia, việc này do kỳ thi đánh giá năng lực năm nay có lượng thí sinh đăng ký đông, nhóm thí sinh được phân loại khá rõ rệt. Đa số các ngành tăng điểm thuộc nhóm điểm chuẩn cao (từ 700 - 900 điểm).
Nhìn vào điểm chuẩn năm nay, có thể thấy xu thế thí sinh vẫn lựa chọn số đông theo các khối ngành về toán, máy tính, kỹ thuật, công nghệ khiến cho việc cạnh tranh vào các ngành này càng "khốc liệt".
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2022 dao động từ 610 đến 900 điểm. TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Điểm chuẩn năm nay so với năm ngoái một số ngành giảm nhẹ ở nhóm ngành có điểm cao (như ngành truyền thông đa phương tiện, báo chí, tâm lý...), do điểm thi năm nay thấp và trường dành chỉ tiêu nhiều hơn cho phương thức này.
Tuy nhiên, những ngành có điểm thuộc nhóm giữa và nhóm cuối của năm trước thì điểm năm nay lại tăng, do số lượng thí sinh đăng ký tăng (tổng số nguyện vọng năm nay gần 32.000, tăng gấp đôi so với năm trước). Số ngành điểm chuẩn tăng nhiều hơn số ngành điểm giảm".
Điểm chuẩn giảm do chỉ tiêu tăng
ThS Nguyễn Hải Trường An, giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay năm nay trường này tăng tỉ lệ chỉ tiêu cho phương thức đánh giá năng lực từ tối đa 40% lên khoảng 50% - 60%.
Ở phương thức này, trường nhận được 29.115 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 55.889 nguyện vọng. Điểm trung bình năm 2022 là 853 (tính theo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển), trong đó điểm trung bình khối ngành kinh tế là 843 điểm, khối ngành kinh doanh và quản lý là 872 điểm và khối ngành luật là 819 điểm.
"Do phân bổ chỉ tiêu nhiều hơn nên điểm chuẩn một số ngành có giảm hơn năm trước nhưng không nhiều, chỉ vài điểm.
Trong 48 chương trình đào tạo của trường, có 4 ngành điểm chuẩn trên 900 điểm. Chương trình đào tạo có điểm chuẩn cao nhất năm nay của trường vẫn là kinh doanh quốc tế với mức 928 điểm (năm ngoái 931 điểm).
Đối với 2 chương trình đào tạo mới, điểm chuẩn ngành luật thương mại quốc tế chất lượng cao bằng tiếng Anh là 706 điểm và ngành luật và chính sách công là 708 điểm. Cũng như năm ngoái, điểm chuẩn phương thức này năm nay của trường đều trên 700 điểm" - bà An nói.
Ở phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn từ 657 đến 950 điểm, trong đó ngành y khoa chất lượng cao cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất. Hai ngành đào tạo chương trình chuẩn có điểm chuẩn thấp hơn các ngành chất lượng cao là y học cổ truyền (748 điểm) và điều dưỡng (657 điểm).
Trong khi điểm chuẩn đánh giá năng lực tại Trường ĐH Quốc tế có mức từ 630 điểm (với 5 ngành) đến 870 điểm (ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng). Còn Khoa chính trị - hành chính (ĐH Quốc gia TP.HCM) có điểm chuẩn ngành quản lý công là 620 điểm.
Điểm giảm do không tuyển chương trình chất lượng cao
Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn chung điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2022 của trường này giảm nhẹ so với năm 2021 (trừ chương trình tiên tiến).
Mức điểm chuẩn năm nay của trường ngành thấp nhất là 800 điểm và cao nhất là 940 điểm. "Điểm chuẩn nhiều ngành thấp hơn năm ngoái do điểm thi năm nay thấp hơn. Bên cạnh đó, năm nay trường không còn tuyển sinh đào tạo chương trình chất lượng cao nên toàn bộ chỉ tiêu đưa vào chương trình chuẩn" - ông Khang nói.
Ngành truyền thông đa phương tiện tiếp tục đứng đầu
Theo TS Phạm Tấn Hạ, năm nay ngành truyền thông đa phương tiện tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn do có rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển ngành này.
"Trong số thí sinh đăng ký vào ngành này, phần lớn đều có điểm thi khá cao. Chỉ cần hạ vài điểm là số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành tăng lên rất nhiều. Chúng tôi cũng rất tiếc với các thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển...
Đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, năm nay trường dành tối đa đến 50% chỉ tiêu. Những ngành có đông thí sinh trường sẽ lấy tối đa số chỉ tiêu này" - ông Hạ cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận