![]() |
Muốn tìm nhà số 119B/... Nguyễn Thị Tần, phải đi từ hẻm 100 này - Ảnh: N.TRIỀU |
Đổ dốc cầu Chữ Y là gặp ngay đường Nguyễn Thị Tần, tôi dáo dác nhìn bên trái tìm dãy số lẻ. Ban đầu là những con số đều đặn theo thứ tự nối tiếp nhau. Nhưng đến gần chợ Rạch Ông thì số nhà bắt đầu “biến tấu”. Cách chợ vài chục mét, ngay bên dãy số lẻ xuất hiện một con hẻm mà cổng chào dẫn vào khu phố 3 đề là “Hẻm 100 Nguyễn Thị Tần”. Đi tiếp một đoạn, bên hông chợ là con hẻm với tên trên tấm biển dựng ở đầu hẻm là “hẻm 119H”. Tôi mừng thầm trong bụng vì nghĩ chắc hẻm 119B nằm đâu đó gần đây, thế nhưng đi ráng đến hết con đường cũng chẳng thấy con hẻm cần tìm.
Hẻm nào cũng là 119
“Có lẽ phải lần từ hẻm 119H”, tôi nhủ thầm rồi vòng xe trở lại. Con hẻm này nằm bên hông chợ, số nhà ở đây cũng xô bồ như cái chợ, chỗ lấy số theo lô O, chỗ lại lô N, lác đác vài nhà có số bắt đầu bằng “119H/…”. Cá biệt, có một căn nhà mà lý lịch của nó được chủ nhân công khai luôn trên biển số: “198B/28A D.B.T - số chờ cấp - 19 lô O Nguyễn-T-Tần”. Chủ nhà đi vắng và qua “phiên dịch” của những người xung quanh tôi được biết căn nhà này trước đây lấy số theo đường Dương Bá Trạc. Sau khi xây mới chợ Rạch Ông, hai dãy nhà dọc hẻm được xây thành lô và “chuyển hộ khẩu” qua đường Nguyễn Thị Tần nên theo thứ tự căn nhà này có số 19 lô O Nguyễn Thị Tần. Tính toán là vậy, nhưng để biết chính thức nhà này số mấy, đường gì thì ngay chính chủ nhân của nó cũng còn phải… chờ cấp!
Loay hoay đến vã mồ hôi, hỏi thăm gần mười người trong hẻm vẫn chưa tìm được địa chỉ cần đến, tôi bèn quay ngược ra đường Nguyễn Thị Tần cầu cứu một anh xe ôm. Xem qua mảnh giấy ghi địa chỉ, anh này lại hỏi với sang mấy bác tài gần đó: “Ê, nhà 119 có hai cái xuyệc ở hẻm nào mấy ông?”. Ba cánh tay nhiệt tình giơ ra nhưng mỗi người chỉ một hướng, người bảo sang trái, người khuyên lùi lại và một người chỉ sang con hẻm đối diện - phía dãy số chẵn. Có lẽ thấy tôi bị “choáng”, một bác xe ôm đứng tuổi giải thích: “Ở đây bốn phía hẻm nào cũng có số 119 hết em ơi, đi vô trong hỏi người ta thì dễ hơn”.
Đúng số nhưng lộn nhà!
Cổng chào khu phố đề hẻm 90 Nguyễn Thị Tần hẳn hoi nhưng vừa rẽ vào đã gặp ngay nhà số 119/81B Phạm Thế Hiển, vào sâu chút nữa là một căn nhà biển số “2 trong 1”: bên trên là số 119/83, và bên dưới là tên hai con đường Nguyễn Thị Tần - Phạm Thế Hiển. Hỏi thăm thì được một người trong nhà giải thích trước đây ngôi nhà được đánh số theo đường Phạm Thế Hiển, nay chuyển sang đường Nguyễn Thị Tần, số nhà giữ nguyên không thay đổi. Người này không thể trả lời được câu hỏi vì sao cùng con hẻm mà căn nhà đối diện lại mang số 24E Nguyễn Thị Tần và cũng chẳng dính dáng gì tới cái hẻm 90 này.
Dọ dẫm mãi, tôi lạc về hẻm 100 nằm ở dãy số lẻ đường Nguyễn Thị Tần. Bỏ qua căn nhà số 101/1 ở đầu hẻm, tôi quá mừng vì phát hiện một biển số nhà bắt đầu bằng 119B với đằng sau nó là hai cái xuyệc: 119B/32/42. Liền sau đó tôi phải thừa nhận mình mừng hụt, vì trước mặt là số 100A/91 và 100A/89 Dương Bá Trạc nối tiếp nhau. Chỉ mấy bước chân mà đã lạc từ “bà Tần” sang “ông Trạc”.
Lại quay đầu xe, lại hỏi thăm, rốt cuộc tôi cũng đứng trước căn nhà 119B/68/12 Nguyễn Thị Tần nằm trong cái hẻm cụt bé tẹo. “Chủ nhà ơi, làm ơn cho hỏi thăm!”- tôi lên tiếng gọi. Một phụ nữ đứng tuổi bước ra: “Chú tìm ai?”. Tôi nói tên chị Thanh, người phụ nữ này mau mắn: “Thanh hả? Lộn nhà rồi, chú ra hết hẻm này, quẹo phải tới cái hẻm bên trái, người chú tìm bên đó!”. “Nhưng đây đúng là số 119B/68/12…”. Tôi chưa kịp thắc mắc thì chị này nói luôn: “Nhà này với nhà bên đó trùng số, tui là Lê Thị Ba, chị Thanh ở bên kia”.
Số nhà ở đâu ra?
Chị Huỳnh Thị Kiều Thanh cho biết khi chị mua lại cách đây vài năm thì căn nhà này đã mang số 119B/68/12 Nguyễn Thị Tần, trùng địa chỉ với nhà bà Ba. Vì cùng địa chỉ, cùng chung một phường nên thỉnh thoảng nhà chị lại nhận được thư, có lúc là cả hoa và quà sinh nhật nhưng tên người gửi lẫn người nhận đều lạ hoắc. Cũng không ít lần thư từ lẽ ra gửi đến nhà chị lại lạc sang nhà bà Ba.
Năm 2007, khi làm hồ sơ sang tên trên giấy chủ quyền, chị được UBND quận 8 đề nghị làm đơn xin cấp lại số nhà để khỏi trùng với nhà của bà Ba. Sau đó, UBND phường 2, quận 8 cấp cho chị một số nhà tạm là 47/36/3/9 Nguyễn Thị Tần trong khi những nhà khác trong hẻm đều có số bắt đầu bằng 119B. Chị Thanh bức xúc: “Tôi cũng chẳng biết số nhà mới của mình ở đâu ra, tự dưng cấp một số lạ hoắc với xung quanh. Số nhà cũ dễ lạc nhưng còn có thể tìm ra, chứ số mới này có cho địa chỉ người khác cũng vô phương tìm thấy”. Chị Thanh cho biết chị thắc mắc thì được cán bộ phường giải thích rằng từ hẻm 47 có thể đi vào nhà chị được nên lấy số theo hẻm 47. Kết quả là sổ hồng được cấp với địa chỉ 47/36/3/9 Nguyễn Thị Tần, nhưng theo chị Thanh, tất cả mọi giao dịch gia đình chị đều phải dùng theo số cũ.
Đem câu chuyện này kể với ông Đỗ Sơn Lâm, trưởng Phòng quản lý đô thị quận 8, ông cười méo xẹo. Theo ông Lâm, đặc trưng đô thị của quận 8 là ít đường, nhiều hẻm, lắm sông nên chuyện tên đường, số nhà xưa nay cứ rối như canh hẹ. Hơn mười năm nay, việc chỉnh sửa tên đường, số nhà theo quyết định 1958 của UBND TP (năm 1998) chỉ kết hợp khi thay tên đổi chủ hoặc cải tạo nhà lụp xụp, vì sợ xáo trộn sinh hoạt của người dân nên không chỉnh sửa đại trà.
Ngay cả con đường mà hai cơ quan quan trọng nhất của quận 8 là Quận ủy và UBND tọa lạc trên đó - đường 1011 Phạm Thế Hiển, theo ông Lâm, đến nay cũng chưa có quyết định đặt tên của UBND TP, tức cũng mang tên “lụi”!
Có mấy ông Bùi Thế Mỹ?
Ngày 29-10-2008, UBND TP ra quyết định đặt tên mới cho 16 tuyến đường ở quận Tân Bình. Trong đó, đường Trước Trường Mầm Non (từ đường Hồng Lạc đến đường Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10) được đặt tên là Bùi Thế Mỹ. Thế nhưng ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú từ lâu đã có một con đường nối từ đường Lũy Bán Bích đến đường Tô Hiệu cũng mang tên Bùi Thế Mỹ. Quỹ 200 tên đường đã được HĐND TP thông qua dùng chưa hết, sao lại đặt tên đường trùng lặp thế này, hay là do có tới hai ông Bùi Thế Mỹ? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận