18/05/2013 06:18 GMT+7

Ký sự pháp đình: Chiếc áo trái

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Đến dự phiên tòa phúc thẩm do TAND TP Hà Nội xét xử vụ kiện hành chính ngày 8-5 có một phụ nữ mặc áo trái. Khi cán bộ công an đến nhắc nhở, bà nói bà cố tình mặc như vậy để tham dự phiên tòa.

BHin908O.jpgPhóng to
Người dân nằm ngồi ở phòng xử trong giờ nghỉ trưa - Ảnh: T.L.

Phiên tòa lưu động tại trụ sở TAND huyện Mỹ Đức ngày 8-5 là phiên phúc thẩm đầu tiên, tiếp theo sẽ còn có 127 phiên tòa với 127 nguyên đơn khác.

Sự việc bắt đầu từ năm 2008, chính quyền huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn thu hồi đất nông nghiệp của dân để thực hiện sáu dự án: tuyến đường số 2, trường mầm non, Trường tiểu học Hương Sơn B, sân vận động, đường vào Trường tiểu học Hương Sơn B và đường Đục Khê - Tiên Sơn. Việc thu hồi đất này không đúng trình tự, không họp dân, không kê khai kiểm đếm diện tích đất bị thu hồi... Hàng trăm người dân đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi lên cấp trên.

Những chuyện ngược đời

Khi đi ruộng tốt, khi về ruộng mất

Giờ nghị án cũng là giờ nghỉ trưa. Chị Trịnh Thị Nhung (dân xóm 12, cũng là một trong số 128 nguyên đơn) nghẹn ngào khóc: “Tôi đi Đài Loan làm thuê, chồng gọi về giữ con cho anh đi làm thuê, vì chính quyền lấy mất đất rồi. Tôi vội vàng về quê mà thấy đau xót quá. Khi đi, ngoài đồng trên ruộng khoai lúa tốt tươi, giờ về ruộng mất, đất mất. Nhà tôi có sáu khẩu. Đợt thu hồi đất vừa rồi được hỗ trợ 80 triệu đồng, giá 108.000 đồng/m2. Số tiền ấy giờ không làm được gì. Giờ gia đình tôi không có đất để gieo mạ, không biết làm thuê ở đâu mà sống”.

Ngày 22-7-2011, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận, theo đó chỉ một dự án đường Đục Khê - Tiên Mai là có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tây năm 2008, năm dự án còn lại mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Ngay cả trong dự án đã được phê duyệt này cũng có hàng loạt sai phạm, như chủ đầu tư không làm thủ tục thu hồi đất, không lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã tổ chức thi công. Người dân tố cáo nhưng UBND huyện Mỹ Đức giải quyết không thỏa đáng. Bản kết luận còn xác định hàng loạt sai phạm của xã Hương Sơn trong việc dồn điền đổi thửa, giao đất không đúng đối tượng...

Người phụ nữ bước vào phòng xử với chiếc áo trái là bà Vương Thị Thảo, 58 tuổi, cũng là một trong số 127 nguyên đơn. Hai miếng bông đệm trên vai của chiếc áo được bà dựng ngược lên trên như để thu hút sự chú ý của mọi người. Khi một cán bộ công an đến nhắc nhở, bà nói: “Tôi mặc chiếc áo trái này để tham dự tòa. Nếu tòa xử đúng, xử nghiêm minh thì khi ra về tôi sẽ lộn áo sang phải để mặc. Còn nếu tòa không xử đúng thì người ta sẽ mãi chỉ nhìn thấy mặt trái của chiếc áo”.

Hai nhân vật chính của phiên tòa ngày 8-5 là bà Đinh Thị Thanh và đại diện UBND huyện Mỹ Đức. Năm 2009, bà Thanh bị UBND xã Hương Sơn thu hồi 22,7m2 đất để làm sân vận động xã. Nhưng điều ngược đời là bà nhận được tiền bồi thường trước khi nhận được quyết định thu hồi đất, bà cũng không biết, không được tham gia góp ý kiến về phương án bồi thường. Bà yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức lập lại phương án bồi thường vào thời điểm có quyết định thu hồi đất để áp dụng giá đất bồi thường cho gia đình bà theo quy định của pháp luật.

Bà Thanh bảo mình chỉ là người quét rác, không hiểu luật nên đã ủy quyền cho ông Đinh Văn Chính (em họ của bà) làm đại diện để tham gia phiên tòa. Vừa vào đầu phiên tòa, không khí đã căng thẳng bởi hàng trăm người dân ngồi phía dưới không ngừng yêu cầu hội đồng xét xử phải “xử cho đúng”. Chủ tọa lúc đầu cũng gay gắt yêu cầu lực lượng công an đuổi ra ngoài những ai làm ồn, nhưng người dân cứ bức xúc và công an không nỡ đuổi. Đó là một phiên tòa “kỳ lạ” khi bị đơn toàn nhận sai, người dự khán quá mất trật tự nhưng chủ tọa để họ phát biểu tự do mà không ngắt lời.

Chủ tọa hỏi đại diện của UBND huyện Mỹ Đức:

- Có đúng là chính quyền bồi thường trước, sau đó mới ra quyết định thu hồi đất không?

- Dạ đúng, dự án xây dựng sân vận động do UBND xã Hương Sơn làm chủ đầu tư, quá trình thực hiện đã có nhiều thiếu sót. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kết luận về vấn đề này.

Tòa tiếp tục hỏi: Ngày 11-10-2011 có quyết định thu hồi đất nhưng hộ bà Thanh đã nhận tiền từ 4-10-2010 có đúng không?

- Đúng - bị đơn trả lời.

- Lý do tại sao bồi thường xong mới ban hành quyết định? - tòa hỏi.

- Do chúng tôi thấy cần thiết phải ban hành.

Tòa tiếp tục hỏi: Quyết định thu hồi đất tổng thể do UBND TP Hà Nội có trước hay có sau quyết định thu hồi đất của UBND huyện Mỹ Đức?

- Có sau.

Những câu trả lời thể hiện sự ngược đời, sai trái ấy của UBND huyện làm người dân liên tiếp có những tràng cười chua xót.

bliFyTw3.jpgPhóng to
Bà Vương Thị Thảo (trái) với chiếc áo trái trong phòng xử - Ảnh: T.L.

“Cho chúng tôi một con đường sống”

Tòa tiếp tục phần xét hỏi đại diện UBND xã Hương Sơn. Ông thừa nhận việc thu hồi đất không lên phương án bồi thường nhưng đã nhận được sự đồng thuận của người dân thông qua các văn bản và cuộc họp. Nghe vị đại diện UBND nói thế, nhiều người dân đứng phắt dậy phản đối, bảo cán bộ “lừa dối, nói láo”. Ông Nguyễn Văn Hải (người dân xóm 11) đứng dậy nói to giữa tòa: “Văn bản xác nhận dân đồng thuận đâu thì đưa ra cho tòa coi”. Đại diện UBND xã Hương Sơn chỉ im lặng. Chủ tọa cũng không hỏi gì thêm.

Phiên tòa nhiều lần bị ngắt quãng do người dân quá phẫn nộ. Họ gắt gỏng mỗi lần đại diện bị đơn trả lời sai. Vị chủ tọa lúc đầu còn cao giọng yêu cầu mọi người trật tự nhưng cuối cùng ông cũng phải nhẹ nhàng trước sự phẫn nộ của người dân.

Vào lúc quá trưa, ông Đinh Văn Chính xin phát biểu. Ông bảo ông và mọi người chỉ là người dân không hiểu luật, Nhà nước giao đất để dân sản xuất, giờ không có đất, ông rất đau xót. “Đất đai thu hồi để làm sáu dự án, giờ đa số bỏ hoang. Cho đến ngày hôm nay chúng tôi đã khổ lắm rồi! Nếu tòa không chấp nhận kháng cáo thì hãy xem xét tăng tiền bồi thường cho chúng tôi, coi như cho dân có một con đường sống” - ông nói.

Buổi trưa, hàng trăm người dân mang theo bánh mì, ngô, khoai luộc ăn xong rồi nằm vạ vật trong phòng xử. Mỹ Đức ngày nắng, ai cũng rịn mồ hôi.

Tòa tuyên án vào lúc 2g chiều. Phòng chật đông người, dân nôn nóng nghe tuyên án làm không khí thêm căng thẳng. Nhiều người vì buổi sáng quá mệt nên ngồi bệt ra nền gạch vừa nghe tuyên án vừa ngủ gật. Khi tòa tuyên bác kháng cáo của bà Thanh, đám đông lại chợt tỉnh và phản ứng dữ dội. Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng tuy có một số sai phạm trong việc thu hồi đất nhưng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân. Giá đất từ năm 2009 đến bây giờ không thay đổi nên không ảnh hưởng đến lợi ích của dân. Chính quyền đã ban hành quyết định thu hồi đất là để hoàn thiện thủ tục chứ không phải là cơ sở để lập phương án bồi thường, vì thế nên không cần thiết phải lập phương án bồi thường với hộ bà Thanh.

Hội đồng xét xử tuyên án xong thì vội vàng vào trong, đại diện chính quyền cũng nhanh chân về mất, chỉ còn hàng trăm người dân đứng với nhau giữa phòng xử. Buổi chiều lại tiếp tục với phiên tòa phúc thẩm thứ hai mà nguyên đơn là ông Trịnh Duy Tạ, bị thu hồi 69m2 đất nông nghiệp. Phiên tòa diễn ra chỉ chưa đầy một giờ, bởi ai cũng biết trước kết quả nên không tranh luận nhiều. Phiên tòa thứ ba của buổi chiều vừa diễn ra thì dân lục tục kéo nhau ra về.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên