28/12/2019 09:23 GMT+7

Kỷ lục xuất nhập khẩu 517 tỉ USD, người dân được gì?

T.V.NGHI - L.THANH - N.BÌNH ghi
T.V.NGHI - L.THANH - N.BÌNH ghi

TTO - Theo các chuyên gia, giá cả không quá biến động, thêm nhiều việc làm, doanh nghiệp ăn nên làm ra là những lợi ích đem lại từ kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ở mức kỷ lục 517 tỉ USD.


Kỷ lục xuất nhập khẩu 517 tỉ USD,  người dân được gì? - Ảnh 1.

Xuất khẩu tăng cao mở ra cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Trong ảnh: sản xuất linh kiện cho hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước - Ảnh: NGỌC AN

Ông Huỳnh Thanh Điền (giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành):

Thêm nhiều việc làm cho người dân

Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại đã mở ra cơ hội đưa hàng hóa đến nhiều thị trường khác nhau. Một Việt Nam ổn định đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tạo thêm việc làm, đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước. Con số xuất khẩu khoảng 264 tỉ USD của năm 2019 đã phản ánh mức độ hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Việt Nam trở thành nơi trung chuyển dịch vụ hàng hóa của thế giới, có tên trong bản đồ thế giới về chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hằng ngày là dệt may, da giày, đồ gỗ...

Tuy nhiên, cần phải khắc phục những tồn tại như chưa có nhiều doanh nghiệp đủ lớn, đủ sức mạnh, có tiềm lực công nghệ, tự chủ nguồn vốn để có thế mạnh cạnh tranh. Rất ít doanh nghiệp lấy ngành công nghiệp sản xuất làm trọng để tự tin gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vào đó chỉ tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ thuần túy mà doanh nghiệp FDI không còn thấy "mặn mà".

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam):

Bạn hàng phải nể doanh nghiệp Việt

Hiện ngành dệt may Việt Nam đã có những bước tiến phát triển không ngừng qua thời gian, trong đó một số lĩnh vực đã được các tổ chức, bạn hàng quốc tế phải "nể" vì mức độ đầu tư cho máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Như ngành sợi, không ít nhà máy sản xuất sợi của Việt Nam được đánh giá là hàng đầu trong khu vực về mức độ hiện đại, trong đó có thể kể đến Nhà máy Vinatex Phú Cường trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, như máy để xé bông từ các kiện bông xơ nhập về trước khi đưa vào sản xuất, tất cả nhập khẩu từ châu Âu.

Ở lĩnh vực sản xuất vải, các tên tuổi Liên Phương, Phong Phú, Bảo Minh, Tường Long, Việt Hồng... đều đầu tư các nhà máy sản xuất vải với suất đầu tư rất lớn, toàn bộ sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến. Còn ở ngành may, phần lớn các doanh nghiệp có thương hiệu của Việt Nam đều hiện đại hóa máy móc trên từng khâu sản xuất, từ cắt vải, rập mẫu, dập khuy - nút cho đến cả các chuyền tự động đều đã được đầu tư mạnh trong thời gian qua.

Có doanh nghiệp việc gì tự động hóa được, họ đầu tư để robot làm hết. Chỉ việc nào cần đến bàn tay con người họ mới lưu dụng nhân công vì ai cũng thấy viễn cảnh tương lai nguồn lao động thiếu hụt trầm trọng thế nào, áp lực nâng cao lao động lại vô cùng căng thẳng.

PGS.TS Lê Hoài Quốc (chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM):

Cơ hội tăng thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp

Trong tương lai gần, ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có triển vọng phát triển lớn bởi Việt Nam có cơ hội tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia.

Gần đây lại có sự thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Đây là một quá trình sắp xếp lại các nguồn lực và quá trình tái cơ cấu chuỗi ngành nghề trên toàn cầu. Cần lưu ý nhiều nước cũng muốn tham gia gần vào chuỗi giá trị, từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết đến lắp ráp và phân phối. Vì thế Việt Nam cần sớm nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, sớm thoát ra khỏi tình trạng tham gia ở khâu thấp nhất của chuỗi giá trị. Có sớm tham gia vào khâu có giá trị cao của chuỗi cung ứng mới tạo ra nhiều lợi nhuận, đó là cơ sở để tăng thu nhập cho người lao động, thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp...

Ông Đinh Ngọc Thắng (cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM):

Giúp hàng hóa ở Việt Nam có giá tốt hơn

Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng đều qua các năm, ngành hải quan đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn Đề án tạo thuận lợi, thủ tục hải quan trong hoạt động logistics, giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính từ 5.000-7.000 tỉ đồng. Cùng với hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết của Việt Nam với các nước, các thủ tục thông quan thuận lợi cũng là điều kiện để hàng hóa nhập khẩu dồi dào, giá tốt hơn. Đây là điều kiện để cho người dân có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn hàng hóa chất lượng, giúp bình ổn giá cả hàng hóa trong nước.

Ông Bùi Đức Thụ (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia):

Phúc lợi cho người dân được đảm bảo

Nhìn vào con số xuất siêu gần 10 tỉ USD trong năm 2019, cao nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền kinh tế của Việt Nam. Xuất siêu cũng là động lực quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam năm 2019 tăng trưởng 7%, xếp top đầu những nước tăng trưởng cao trên thế giới.

Có xuất siêu, chúng ta đã mua được lượng lớn ngoại tệ, giúp tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước cao chưa từng thấy với 73 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối cao là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỉ giá chắc tay hơn, giữ được sức mua đối ngoại của VND. Đây cũng là điều kiện để điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, người dân không phải trả giá cao cho hàng hóa. Mặt khác, khi ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế tăng trưởng, sản xuất kinh doanh phát triển, phúc lợi cho người dân cũng được đảm bảo tốt hơn.

Khác với mọi quốc gia, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỉ USD, gấp 2 lần GDP. Điều này có tác động tốt là chúng ta tranh thủ được nguồn lực bên ngoài, tiêu thụ hàng hóa, nhập khẩu được công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, mặt trái là với những biến động của nền kinh tế thế giới, từ giá cả, cung cầu đều dội đập vào kinh tế Việt Nam. Để chống chịu với biến động từ bên ngoài, Việt Nam cần tăng cường thực lực của nền kinh tế. Chính xuất siêu, gia tăng ngoại tệ, tăng tiềm lực kinh tế nhà nước là nền tảng để điều hành nền kinh tế vững chắc hơn.

Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng trên 7%, xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng trên 7%, xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD

TTO - Tổng cục Thống kê công bố đây là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.


T.V.NGHI - L.THANH - N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên