Công trình số 8B Lê Trực Hà Nội với chiều cao xây vượt mức cho phép là 16m đã phải cắt bỏ chiều cao vi phạm - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Khiển liên quan vấn đề thực thi công vụ hiện nay ở nước ta.
* Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi công vụ ở nước ta hiện nay?
- Kết quả của việc thực thi công vụ thể hiện ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này khó mà đánh giá ngắn gọn. Theo tôi, trong nhiều năm qua, cùng với quá trình cải cách nền hành chính quốc gia, có thể khẳng định việc thực thi công vụ nói chung đã có nhiều bước đột phá tích cực.
Ví dụ như thực thi công vụ trong lĩnh vực thuế, hải quan được cải thiện nhiều so với trước đây, thái độ thực thi tốt hơn, thủ tục ít hơn, thời gian thực thi ngắn hơn.
Nhưng cần nói thẳng là chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề nổi lên lâu nay là tình trạng tham nhũng vặt.
Theo phản ánh của dư luận thì hầu như tất cả giao dịch liên quan đến hệ thống công vụ đều có cơ chế tiền nong. Dư luận thì có thể không hoàn toàn đúng, hỏi chứng cứ đâu thì dư luận không có, nhưng cũng nên hỏi ngược lại là tại sao dư luận này tồn tại.
Một vấn đề được ghi vào văn kiện của Đảng là “chạy chức, chạy quyền”. Chỗ nào có “chạy” thì khó mà đảm bảo chất lượng thực thi công vụ được, vì nguyên tắc quan trọng nhất trong thực thi công vụ là tính liêm chính bị gác sang một bên.
Đây là môi trường hình thành loại cán bộ “năng lực thì hạn chế nhưng mưu kế thì vô biên”.
* Vào đầu năm sau Tết Nguyên đán, các cấp có thẩm quyền thường phải yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động. Ông nghĩ sao?
- Tôi không dám nói tất cả, nhưng quan sát xã hội hiện nay tôi thấy sự duy tâm trong đầu óc một bộ phận cán bộ, công chức là rất lớn, họ tham gia rất sâu vào các sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Tất nhiên đây là quyền của mỗi người. Nhưng nên nhớ là người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao cán bộ, công chức đó phải cầu xin, có biểu hiện dựa vào thần thánh. Trong khi lễ hội ăn thề chống tham nhũng không thấy quan chức nào đến thì những lễ hội khác lại thấy quan chức đến rất nhiều.
Có thể khẳng định kỷ cương phép nước mờ nhạt ở nhiều nơi. Rất nhiều vụ việc xảy ra, cuối cùng người dân không thấy ai bị kỷ luật hoặc chỉ kỷ luật cấp dưới một cách sơ sài.
Ví dụ như vụ tòa nhà 8B Lê Trực, xử lý cắt ngọn tòa nhà này là một chuyện, chuyện khác là kỷ luật những cán bộ, công chức để xảy ra vụ việc này thì dư luận cho là chưa tương xứng.
Bối cảnh chung như vậy, nên việc lãnh đạo nào đó có thái độ nghiêm túc trong xử lý trách nhiệm cấp dưới mà chúng ta hay gọi là “trảm tướng” đều được dư luận rất ủng hộ.
* Vậy theo ông, cần làm gì để cải thiện chất lượng thực thi công vụ?
- Chất lượng thực thi công vụ là vấn đề then chốt của cải cách hành chính. Muốn cải thiện thì phải tiến hành đồng bộ nhiều việc. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hai việc là mạnh dạn tinh giản biên chế và kỷ luật nghiêm minh để siết chặt đội ngũ.
Với bộ máy cồng kềnh như hiện nay mà mỗi năm giảm vài nghìn biên chế thì chỉ như muối bỏ biển. Chúng ta cũng phải mạnh dạn nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo, sáp nhập các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước có chức năng giống nhau, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp.
Trao quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, anh được quyền chọn bộ máy, nhưng hiệu quả công việc sẽ quyết định cái ghế của anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận