21/08/2009 07:25 GMT+7

Kỳ án xứ dừa - Kỳ 1: Ba người ở Quới Sơn

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Đó là những hồ sơ điệp viên ngụy tạo mà mãi 30 năm sau cuộc chiến người ta mới tìm ra sự thật. Một số chiến sĩ cách mạng kiên trung ở Bến Tre bị chính đồng đội không tin tưởng, bắt giam và trở thành tù nhân trong chiến tranh và hòa bình.

XXoZN5vp.jpgPhóng to

Ông Ba Hải-Ảnh: T.Hùng

TT - Đó là những hồ sơ điệp viên ngụy tạo mà mãi 30 năm sau cuộc chiến người ta mới tìm ra sự thật. Một số chiến sĩ cách mạng kiên trung ở Bến Tre bị chính đồng đội không tin tưởng, bắt giam và trở thành tù nhân trong chiến tranh và hòa bình.

Đêm 6-2-1974, Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) thực hiện lệnh phá một vụ án gián điệp hết sức quan trọng do chính bí thư huyện ủy mang bí danh A2 chỉ đạo. Người bị bắt là bí thư đảng ủy và hai đảng ủy viên xã Quới Sơn, huyện Châu Thành. Họ bị bắt giam, khai thác và tám tháng sau đó bị đưa về trại cải tạo Châu Bình giam giữ đến tháng 2-1977 mới được trả tự do với lý do không rõ ràng. Cơ quan chức năng thời đó từng có công văn gửi lên ty công an với nội dung “chưa chịu nhận tội nhưng chúng tôi không có điều kiện xác minh”.

Án tại hồ sơ

Ba người bị bắt trong vụ án gián điệp này là ông Ba Hải (tức Huỳnh Văn Hùng) - bí thư xã ủy Quới Sơn, ông Bảy Sơn (Lê Văn Tim) - xã ủy viên và ông Thiện Chí (Nguyễn Văn Trâm) - xã ủy viên. Về vụ án này, trong hồ sơ lưu lại, người ta thấy một báo cáo kết luận do phó Công an huyện Châu Thành lập ngày 26-12-1973 với nội dung: “Lê Văn Tim (Bảy Sơn) là thành phần trí thức, trước là giáo viên, bản thân rượu chè be bét, tình tự lả lơi..., chi bộ phân công công tác ấp không muốn mà muốn ở gần Ba Hải và Thiện Chí.

Nhận xét thấy rằng ba tên Bảy Sơn, Ba Hải, Thiện Chí không thể tách rời nhau, trong đó Ba Hải là tên cố vấn cho Bảy Sơn và Thiện Chí nhằm mai phục lâu dài, nắm tình hình chủ trương, kế hoạch để phá hoại chính sách, gây lũng đoạn nội bộ, làm rã về tổ chức, làm quần chúng thiếu tin và xa rời cách mạng. Căn cứ những bất minh trên, quả quyết tên Bảy Sơn là kẻ địch đang núp ẩn trong Đảng để hoạt động. Mong sự cứu xét của huyện ủy và an ninh trên quyết định thi hành”.

Cũng trong hồ sơ vụ này, người ta còn tìm thấy ba tài liệu khác của một tình báo viên ngoại vi vùng 4 (chính quyền Sài Gòn) gửi báo cáo về cho một cán bộ Thành ủy Mỹ Tho tên T. với nội dung nhắc về những cuộc họp phía cách mạng: “đang triển khai kế hoạch cho các lực lượng chuẩn bị diệt ác, phá kềm nhằm hạ uy thế bọn ngụy, tìm cách tiêu diệt những tên ác ôn...”. Nội dung báo cáo này được một tình báo viên khác của chính quyền Sài Gòn tên là Tám Tú bảo rằng ông ta thu nhận từ ông Ba Hải ở xã Quới Sơn gửi ra. Hồ sơ để bắt giữ ba người hình thành trên chính những báo cáo này.

Ptt3a4A1.jpgPhóng to

Chiếc xe đạp này đã theo ông Ba Hải suốt những năm dài đi tìm sự thật để minh oan cho mình-Ảnh: T.Hùng

Những chuyện đau lòng

35 năm sau, ngồi trong ngôi nhà ở giữa vườn cây ca cao đầy trái, ông Ba Hải, giờ đã 68 tuổi, kể về bước ngoặt kỳ lạ trong cuộc đời mình và những đồng đội. Khi đó ông là bí thư xã ủy 33 tuổi, đang bám trụ trong vùng lõm của Quới Sơn vốn bị bình định tan nát. Ông kể: “Người ta bắt tôi đưa về trại giam Châu Bình, tôi hỏi tội gì, người ta bảo tôi là nội gián. Tôi chết đứng, nói mình vô tội. Bắt làm kiểm điểm, tôi cứ một mực nhắc đi nhắc lại rằng tôi oan. Chẳng lẽ thân thế tôi, gia đình tôi từ ông nội tới cha và em là liệt sĩ mà tôi phản bội hay sao!”.

Từ khi thành lập năm 1995 đến nay, Ban bảo vệ chính trị nội bộ (bây giờ là phòng bảo vệ nội bộ chính trị thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre) đã giải oan, phục hồi chế độ chính sách cho gần 20 trường hợp liệt sĩ, thương binh... trong kháng chiến. Trong ngành bảo vệ chính trị nội bộ, Bến Tre được ghi nhận là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong sưu tra hồ sơ những “vụ án” thời chiến. Người tham gia từ đầu quá trình này là ông Lê Hoàng Tuấn, nguyên là một cán bộ công an, hiện là phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre.

Câu chuyện ông Ba Hải bị bắt quả là “chuyện động trời” bởi ông nội ông là liệt sĩ, 10 tuổi ông đã theo cha đi kháng chiến, làm liên lạc rồi thoát ly. Năm 1966 người em ruột ông Ba Hải hi sinh ở tuổi 21 trong một trận đánh đồn. Hai năm sau cha ruột hi sinh.

Ông Ba Hải làm trưởng công an xã, rồi chuyển lên làm cán bộ an ninh huyện, đắc cử vào bí thư xã ủy Quới Sơn... Cuộc đời với những ngày dài trung kiên theo cách mạng, ông đâu ngờ tới một ngày chính ông lại rơi vào vòng lao lý tại vùng giải phóng mà không rõ nguyên do.

Còn ông Bảy Sơn trong nhiều bản kiểm điểm lưu lại ở hồ sơ đã một mực kêu oan, cho rằng vì lý do va chạm cá nhân với vài cán bộ ở Thành ủy Mỹ Tho mà đã gây nên chuyện này.

Trong tù, họ không biết gì về ngày giải phóng. Ông Ba Hải đếm đúng ba năm cộng hai ngày thì ông được gọi lên, chuyển về thị xã và một cán bộ chấp pháp nói: “Các anh được trả quyền công dân, ba anh trở về nhà và ở yên đó, Đảng sau này sẽ giải quyết mọi thứ!”. Về nhà họ đi khiếu nại, gửi thư cho chính quyền, công an, ban tổ chức tỉnh ủy rồi gửi tận Ban tổ chức Trung ương, đài phát thanh...

Lâu ngày, ông Bảy Sơn và ông Thiện Chí bỏ cuộc. Cuộc đời hai người kết thúc trong những bi kịch riêng. Ông Bảy Sơn về nhà làm ruộng vườn, những người con khi đi học bị địa phương chứng vào lý lịch: “Có cha là nội gián”. Ông Thiện Chí trở về ngôi nhà mà gia cảnh tan nát từ lâu, sống trong cảnh nghèo với cô con gái tật nguyền. Rồi một đêm căn bệnh tim hành hạ, ông ra đi trong thinh lặng.

Ông Ba Hải thì về với vợ con, ráng cày cấy trên mảnh ruộng ngày xưa để tái lập cuộc đời. Rồi ông trúng cử vào HĐND xã, làm chủ tịch hội nông dân. Nhưng gia đình bắt đầu lục đục. Ly dị, cuộc đời ông Ba Hải trở về con số không. Mất gia đình, minh oan không được. “Tôi từng mấy lần muốn tự tử trong trại giam Châu Bình, nhưng nghĩ lại nếu mình chết thì ai giải quyết cho mình. Chết tức là để tiếng xấu đến cả dòng họ, gia đình, đến ông nội, cha và em nữa. Tôi phải sống để có ngày ngẩng mặt với đời!” - ông Ba Hải nhớ lại.

________________________

Luôn ghi trong mình niềm tin vào sự thật, niềm tin vào Đảng, ông Ba Hải quyết tâm “phải tìm ra sự thật”. Cho đến một ngày ông gặp lại một nữ đồng chí năm xưa. Chồng cũ của chị chính là người đã ký lệnh bắt ông.

Kỳ tới: Sự thật sau 30 năm

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên