Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng độc giả Hà Nội ngày 5-12 - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngày 5-12, tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng họa sĩ minh họa bộ truyện Kính vạn hoa Đỗ Hoàng Tường và nhà văn Lê Phương Liên (biên tập viên từng biên tập Kính vạn hoa ở Nhà xuất bản Kim Đồng) đã có cuộc giao lưu với độc giả nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của bộ sách. Dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt bộ ấn phẩm Kính vạn hoa 45 tập theo bản in lần đầu tiên.
Là biên tập viên đã theo suốt 45 tập Kính vạn hoa trong 7 năm (1995 - 2002), nhà văn Lê Phương Liên coi bộ sách này là bộ sách quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất mà bà đã làm trong cuộc đời làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Kim Đồng của mình. Nhiều câu chuyện "bếp núc" của bộ sách Việt có lượng phát hành lớn nhất này được bà Liên kể khiến độc giả phải ngạc nhiên.
Những năm 1990, Nhà xuất bản Kim Đồng rất thành công về thị trường với bộ truyện tranh Doraemon của Nhật Bản. Nhưng giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thắng Vu chưa thể hài lòng bởi ông còn đau đáu suy tư với câu chuyện văn học thiếu nhi của các tác giả trong nước bị bạn đọc bỏ rơi.
Trưng bày bản thảo những tập đầu tiên của bộ Kính vạn hoa, máy chữ Nguyễn Nhật Ánh dùng viết Kính vạn hoa và bộ Kính vạn hoa đặc biệt được trưng bày tại buổi giao lưu - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông đặt quyết tâm phải làm sao có được những bộ truyện của Việt Nam cũng hút độc giả như Doraemon để làm đối trọng giữa văn học thiếu nhi trong nước và văn học dịch. Ngó quanh làng văn lúc bấy giờ, con mắt xanh của vị giám đốc nhiều kinh nghiệm phát hiện ra Nguyễn Nhật Ánh và đặt cược lòng tin của mình vào nhà văn trẻ mới xuất hiện trên văn đàn và chưa nổi tiếng này.
Sau những gặp gỡ, trao đổi, 5 tập bản thảo đầu tiên được đánh máy (chứ không phải viết tay như hầu hết các nhà văn lúc bấy giờ làm) của bộ Kính vạn hoa cuối cùng cũng đến tay biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng để năm 1995, 4 tập truyện đầu tiên chính thức ra mắt bạn đọc.
Nhiều câu chuyện bếp núc thú vị của bộ Kính vạn hoa được chia sẻ với độc giả tại buổi giao lưu ngày 5-12 - Ảnh: T.ĐIỂU
"Khi đó, rất nhiều người nghi ngờ sự thành công của bộ Kính vạn hoa trên thị trường. Họ nói rằng độc giả sẽ không quay lại đọc sách của các tác giả Việt Nam đâu, họ đã say sưa với truyện tranh Nhật Bản rồi. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm, tin tưởng lòng yêu quý sách Việt của độc giả", nhà văn Lê Phương Liên nói với Tuổi Trẻ Online.
Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng lúc bấy giờ đã liều lĩnh không chạy theo thị hiếu (truyện tranh Nhật Bản, Âu Mỹ) mà tự mình tạo ra thị hiếu, tạo ra giá trị thẩm mỹ trên thị trường bằng văn chương của một tác giả Việt. Và ông đã rất thành công với bộ Kính vạn hoa.
Còn bộ truyện dài ấy thì đã "hoàn thành sứ mệnh đổi mới văn học thiếu nhi" mà ông đã lặng lẽ khoác lên nó khi đặt hàng tác giả.
Bộ sách ‘hành hạ’ Nguyễn Nhật Ánh nhất
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Kính vạn hoa chính là bộ sách hành hạ người viết dữ dội nhất. Ông cho biết ban đầu ông nghĩ cũng viết bộ sách ngắn hạn thôi, không ngờ nó kéo dài tới 7 năm. Trong 7 năm ấy, nó trở thành gánh nặng, mối lo âu không dứt của ông.
Có lúc ông đã muốn dừng ở tập 21, tập 25 hay tập 32, đã chuẩn bị sẵn lời chia tay với bạn đọc để in ở bìa 4 của tập cuối nhưng rồi ông lại gỡ lời chia tay ấy mà thay bằng trang bìa giới thiệu tập tiếp theo sắp xuất bản như thường lệ vì bạn đọc quá háo hức chờ đợi.
Tại buổi giao lưu, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường cũng cho bạn đọc một câu chuyện thú vị: ông hầu như là họa sĩ vẽ minh họa độc quyền của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ một cuốn của Nguyễn Nhật Ánh mà họa sĩ này không vẽ là cuốn Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng.
Cũng từ bộ sách Kính vạn hoa mà tác giả viết truyện và họa sĩ minh họa trở thành đôi bạn thân thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận