26/06/2018 14:55 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi ích môi trường

TRƯỜNG TRUNG thực hiện
TRƯỜNG TRUNG thực hiện

TTO - Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) đang diễn ra tại Đà Nẵng đã phát đi thông điệp kêu gọi các quốc gia cần thay đổi hệ thống sản xuất lương thực, phát triển đô thị, năng lượng và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi ích môi trường - Ảnh 1.

Bà Trần Thanh Phương chia sẻ cùng các đại biểu bên lề GEF6 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với bà bên lề kỳ họp với bà Trần Thanh Phương - quản lý Dự án Quốc gia, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) - liên quan đến các hoạt động kinh tế tuần hoàn với phát triển bền vững trong khu công nghiệp.

* Thưa bà, GEF6 nhiều lần kêu gọi tiếp cận mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn để tạo ra lợi ích môi trường toàn cầu. Điều này có liên quan trực tiếp đến các sáng kiến sinh thái trong công nghiệp?

- Bà Trần Thanh Phương: Có thể hiểu đó là quá trình cộng sinh công nghiệp. Trong đó có tổ chức cung cấp các dịch vụ hướng đến chu trình khép kín dành cho sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng nhằm đảm bảo rằng các tài nguyên được sử dụng liên tục tuần hoàn tạo ra lợi ích môi trường.

 Khái niệm này xuất hiện trên thế giới khi một nhà máy ở Đan Mạch chuyển tải sự dư thừa trong sử dụng nhiệt năng của mình cho các nhà máy khác trong khu công nghiệp, đến lượt nhà máy này khi dư thừa tài nguyên nước lại chuyển cho các nhà máy có nhu cầu...

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam điều này này còn rất mới mẻ. 

Cách đây ba năm nay, chúng tôi đã đưa ra thí điểm "sáng kiến khu công nghiệp sinh thái" áp dụng việc tiếp cận tuần hoàn cho quá trình sản xuất tại ba khu công nghiệp ở các địa phương Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Ninh Bình.

Kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi ích môi trường - Ảnh 2.

Các đại biểu GEF6 chia sẻ nhiều khái niệm về kinh tế tuần hoàn trong kỳ họp toàn thể lần này - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

* Sáng kiến tiếp cận ở lĩnh vực nào thưa bà? Đã có khu công nghiệp nào ở Việt Nam đạt chuẩn khu công nghiệp sinh thái hay chưa?

Đến thời điểm này vẫn chưa thể tuyên bố có khu công nghiệp nào thành khu công nghiệp sinh thái hay không. Chúng tôi thực hiện sáng kiến sinh thái trên nền tảng có sẵn ở các khu công nghiệp như: cộng sinh, hiệu quả tài nguyên sản xuất, dịch vụ tập trung. 

Tùy theo từng khu công nghiệp mà chúng tôi sẽ thực hiện để chuyển đổi khác nhau. 

Như tại Đà Nẵng chúng tôi tiếp cận vấn đề nước thải. Chúng ta biết rằng tất cả khu công nghiệp đều buộc phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên quy định thì mới chỉ quan tâm chất lượng đầu ra chứ không quan tâm đầu vào của nhà máy.

Trong khi các kinh nghiệm của thế giới thì xử lý nước thải phải tính toán từ nguồn nước thải thứ cấp đầu vào trước khi đến một nhà máy xử lý chung. Nhà máy hoạt động tốt là phải đưa ra các giải pháp theo biến động lượng và chất từ nguồn nước đầu vào thay vì một công thức duy nhất. 

Chúng tôi giúp quan trắc đầu vào để đưa ra dự báo chính xác tránh lãng phí. 

Ngoài ra chúng tôi cũng nghiên cứu đường cộng sinh về rác trong khu công nghiệp. 

 Hỗ trợ đào tạo cho các khu công nghiệp về việc sử dụng nguồn lực cộng sinh ở các lĩnh vực khác nhau để sử dụng tốt tài nguyên.

* Thái độ của các doanh nghiệp khi nghe đến khái niệm cộng sinh?

Cộng sinh công nghiệp thông thường áp dụng ở các khu công nghiệp đa lĩnh vực. Khi thực hiện chúng tôi xác định ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước bởi họ ít có đủ năng lực tài chính để thực hiện các giải pháp môi trường. 

Tuy nhiên khi tiến hành tiếp cận thì rất tiếc chưa được như ý muốn. 

Kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi ích môi trường - Ảnh 3.

Hội thảo bên lề chia sẽ các sáng kiến về môi trường- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Có thể so sánh doanh nghiệp trong và ngoài nước về thái độ tiếp cận kiến thức mới. Khi mình nói với doanh nghiệp nước ngoài rằng bạn có thể tiết kiệm được một khoản chi phí thì họ sẽ bám chặt lấy mình để hỏi phải làm thế nào.

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì rất hoài nghi, thậm chí họ đóng cửa với chúng tôi. Trong những hội thảo tôi đều lấy ví dụ về việc doanh nghiệp việc dựng "hàng rào" về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bởi trong vấn đề này, muốn hai doanh nghiệp cộng sinh với nhau thì ngoài việc phải xóa bỏ hàng rào về tư tưởng. Bản thân doanh nghiệp không nên đóng hộp sản xuất của mình trong 4 bức tường.

*Như bà nói đây mới là quá trình thí điểm, vậy có còn những "trúc trắc" nào trong quá trình thực hiện? 

- Một số điểm dễ thấy như hiện nay luật quy định tất cả rác thải trong khu công nghiệp thải ra đều được xem rác thải công nghiệp, chưa cho phép các doanh nghiệp mua bán, trao đổi các rác thải không nguy hại, có thể tái chế. Nhiều doanh nghiệp biết là hàng xóm của mình có thể tái chế rác thải của mình rất tốt nhưng không thể giao được nên rất phí phạm.

Hay như quy định tất cả nước thải trong khu công nghiệp phải đấu nối vào nhà máy xử lý tập trung. Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp có công nghệ hiện đại xử lý nước bước một đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường nhưng vẫn phải quay lại nhà máy nước tập trung để xử lý lần nữa. 

Có một số doanh nghiệp xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn, muốn bán hoặc tặng nước các nhà máy bên cạnh sử dụng cũng không được phép.

 Chúng tôi vẫn đang chờ Nghị định 82 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn có có hiệu lực trong thời gian tới đây.

* Xin cảm ơn bà!

Tiết kiệm được cho 72 doanh nghiệp hơn 70 tỉ đồng

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, 72 doanh nghiệp tại 3 địa phương được áp dụng các sáng kiến giải pháp mang lại hiệu quả tiết kiệm mỗi năm khoảng: 17,8 triệu kW điện, 430.000 m3 nước, hơn 20.000 tấn CO2 với tổng số tiền hơn 70 tỉ đồng.

TRƯỜNG TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên