Các diễn biến kinh tế sắp tới có thể tác động tiêu cực lên người tiêu dùng thế giới - Ảnh: REUTERS
Nền kinh tế châu Á 2019 sẽ nằm trong tay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump
Nhà kinh tế Nhật Bản Takahide Kiuchi
"Bất cứ sự can thiệp nào vào thương mại cũng sẽ đè nặng lên nền kinh tế. Và kết quả là kinh tế thế giới sẽ giảm tốc" - giám đốc điều hành Hamid Moghadam của Công ty hậu cần Prologis nhận định về căng thẳng thương mại toàn cầu.
Nguy cơ suy thoái
Dù Mỹ và Trung Quốc mới đây đã nhất trí tạm ngưng đợt 3 thương chiến 90 ngày để tìm giải pháp cho vấn đề thương mại, thiệt hại từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu gây nhiều tổn thất. Mới nhất, GoPro cho biết sẽ chuyển dây chuyền sản xuất camera khỏi Trung Quốc vào hè năm sau trong khi FedEx dự báo giảm lợi nhuận.
Thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngân hàng Mỹ Meryll Lynch cho rằng cuộc chiến thương mại khiến chỉ số S&P của Mỹ giảm 6% trong năm qua trong khi thị trường Trung Quốc mất 2.000 tỉ USD. Giới kinh tế không mấy kỳ vọng vòng đàm phán 90 ngày Mỹ - Trung sẽ tạo ra được đột phá. Cuộc chiến có thể khiến tăng trưởng của Mỹ giảm 0,9% và Trung Quốc giảm 0,6% trong thời gian tới, theo IMF.
Trong khi đó, các số liệu gần đây càng gây lo ngại rằng thương mại sẽ kéo tụt tăng trưởng của Mỹ năm tới. Người tiêu dùng Mỹ đang kém lạc quan nhất về tương lai nền kinh tế trong một năm qua. Trong khi đó, mức lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ về khả năng cải thiện kinh tế đã xuống thấp nhất trong hai năm và các công ty dự báo lợi nhuận sẽ giảm trong năm 2019.
"Từ góc độ doanh nghiệp, câu hỏi là tình hình này sẽ kéo dài bao lâu. Thật khó để lên kế hoạch kinh doanh trong môi trường này" - lãnh đạo Scott Fischer của công ty sản xuất kem của Mỹ Dippin’ Dots nói.
Châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi tăng trưởng của khu vực sẽ giảm còn 2% trong năm sau. Chưa kể nguy cơ Mỹ đánh thuế lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu và Nhật cũng sẽ tổn hại đến quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vụ bắt giữ "công chúa" Huawei của Trung Quốc là ví dụ cho thấy căng thẳng thương mại có thể bị thổi bùng bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó là lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Anh rời Liên minh châu Âu, bất đồng ngân sách của các nước châu Âu, các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc... "Bức tranh toàn cảnh 2019 vẫn còn mờ mịt, các diễn biến kinh tế - nếu đi sai - có thể chấm dứt 10 năm chạy đua kinh tế" - tờ Deutsche Welle bình luận.
Rủi ro của châu Á
Châu Á cũng đứng trước những rủi ro lớn với tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại trong năm sau. Nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc, được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất trong ba thập kỷ vào 2019 bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế.
Nikkei Asian Review dẫn lời các nhà kinh tế ước tính kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,2% năm sau, cho rằng Bắc Kinh đang mất đi các thuận lợi từ WTO, sự cạnh tranh về chi phí. Mặc dù việc di chuyển chuỗi cung cấp không phải là điều dễ dàng, nhiều doanh nghiệp sẽ nghiêm túc cân nhắc rời Trung Quốc nếu các khoản thuế trừng phạt kéo dài hơn dự kiến. Các đòn thuế của Mỹ dành cho Trung Quốc nếu tiếp tục trong 2019 có thể kéo tăng trưởng GDP của Bắc Kinh xuống từ 1 đến 1,5%.
Nhật Bản cũng không tránh khỏi vòng xoáy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. GDP Nhật Bản được dự báo sẽ giảm còn 0,6% đến 0,8% trong năm tới. 2019 cũng là năm Tokyo bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ nhưng nếu các tranh cãi không được giải quyết, tình hình có thể trở nên tồi tệ và đẩy kinh tế Nhật vào suy thoái.
Tuy nhiên, mọi thứ còn đang chờ Trump. Nhà kinh tế Nhật Takahide Kiuchi nói: "Nền kinh tế châu Á 2019 sẽ nằm trong tay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump"!
Lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng
Lãi suất của Mỹ được dự báo tiếp tục tăng và sẽ là đòn giáng xuống các nền kinh tế mới nổi trong năm 2019, đặc biệt là những nước có nợ chủ yếu là đồng USD. "Những nước phụ thuộc nhiều vào tài chính nước ngoài và nợ ngoại tệ nhiều sẽ là những nước đầu tiên bị ảnh hưởng" - chuyên gia về nợ Ricardo Adrogue nói.
"Nó cũng sẽ làm giá cả leo thang tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Các quỹ đầu tư cũng sẽ chuyển về Mỹ, làm tăng sự bất ổn trên thị trường tài chính các nền kinh tế mới nổi" - nhà kinh tế Takahide Kiuchi của Nhật Bản phân tích trên Nikkei Asian Review.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận