12/10/2020 22:06 GMT+7

Kinh tế số nóng lên sau dịch COVID-19

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Hàng loạt vấn đề liên quan đến kinh tế số, công nghệ tài chính (fintech) đã được nêu ra trong buổi làm việc giữa Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và ví điện tử MoMo được tổ chức cuối hôm nay, 12-10.

Kinh tế số nóng lên sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trải nghiệm mua hàng thanh toán bằng ví điện tử - Ảnh: A.H.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập, phó chủ tịch Ví MoMo - cho biết đơn vị này đang đi theo hướng phát triển thành siêu ứng dụng và xây dựng hệ thống dữ liệu lớn. Thông qua đó sẽ hỗ trợ các đối tác có thể tiếp cận được tập quán người dùng, hiểu được khách hàng của mình là ai ngay trên ứng dụng.

Theo đại diện Ví MoMo, bản chất của fintech là "tạo nên những cái chưa có", do vậy rất cần cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Song song đó là tinh thần khuyến khích các fintech phát triển thông qua các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, thu hút nhân tài...

"Vì vậy, tinh thần pháp lý dành cho các fintech mà ví MoMo nói riêng và các đơn vị khác nói chung mong muốn là có sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro nhất định.

Nếu như đổi mới đem lại lợi ích đến 99% thì cũng cần có quan điểm khoan dung hơn với 1 - 2% rủi ro có thể tăng lên khi mà chúng ta khuyến khích và cho phép các hình thái mới phát triển", ông Nguyễn Bá Diệp bày tỏ.

Ông Trương Văn Phước - thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng hiện có va đập giữa quan niệm truyến thống về dịch vụ tài chính và quan điểm rất mới, rất cởi mở do công nghệ mang lại.

Ông Phước cũng gợi ý hiện nay ở Việt Nam mô hình tín dụng vi mô kết hợp với ví điện tử vẫn là mảng tiềm năng vì các công ty tài chính cho vay lãi suất rất cao. Do vậy cần có hành lang pháp để các công ty fintech có thể tham gia lĩnh vực này.

Về ý kiến cần có cái nhìn thoáng hơn với lĩnh vực fintech, các thành viên tổ tư vấn khẳng định mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường fintech vẫn phải lấy sự an toàn của người dân và nền tài chính quốc gia làm trọng. Nhưng chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

"Chúng tôi hứa sẽ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ không chỉ với ví MoMo mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực fintech để chúng ta hình thành môi trường kinh doanh hợp lý, hài hòa" - ông Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói.

Trước đó, tại hội thảo quốc gia "Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam" do Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức cùng ngày, bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia quản trị công cao cấp, World Bank - cho biết hiện 6/10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay là doanh nghiệp chuyên công nghệ số, dữ liệu. Con số trên cho thấy cơ hội, tiềm năng rất lớn với doanh nghiệp fintech.

Theo các dự báo, kinh tế số tại Việt Nam có khả năng bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Hà Nội và TP.HCM đang nằm trong số 7 thành phố lớn phát triển kinh tế số nhanh trong khu vực.

Nhìn vào nền kinh tế vé số Nhìn vào nền kinh tế vé số

TTO - Những con số đó cho thấy quy mô của nền kinh tế vé số ở Việt Nam lớn tới mức nào. Thực tế đó phát đi những tín hiệu gì? Vai trò của nền kinh tế vé số ở Việt Nam ra sao? Và kinh tế học cho ta biết gì về cuộc chơi xổ số?

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên