Toàn cảnh khu phố đêm Kabukicho ở Tokyo ngày 14-7. Ảnh: tokyocheapo.com
Trong bối cảnh một số thị trường gần đây mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế sau 3 năm trì trệ do đại dịch COVID-19, các thành phố châu Á đang tìm cách khôi phục sức hấp dẫn và kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Cụm từ được quan tâm nhất hiện nay là "kinh tế đêm" (NTE) – được hiểu là những hoạt động kinh tế gắn liền với vui chơi giải trí, ăn uống dành cho du khách và người dân bắt đầu từ 18h hàng ngày đến 6h sáng hôm sau.
Thực tế từ quá trình phát triển kinh tế đêm tại nhiều thành phố trên thế giới cho thấy mỗi thành phố đều có cơ chế, chính sách kèm theo kế hoạch quản lý riêng để áp dụng trong việc vận hành kinh tế đêm, dựa trên cơ sở các đặc điểm, yếu tố kinh tế - xã hội, nền tảng văn hóa của thành phố đó.
Nhật Bản – lời giải cho bài toán du lịch
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã triển khai nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế ban đêm, không chỉ để tăng nguồn thu quốc gia mà còn nhằm thúc đẩy ngành du lịch tại đây.
Với việc đặt mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu và chào đón 40 triệu du khách nước ngoài mỗi năm và tăng chi tiêu của khách du lịch lên tầm 8.000 tỷ yên vào năm 2020, chính quyền Nhật Bản đã quyết định xây dựng và áp dụng các chính sách, biện pháp khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển kinh tế ban đêm.
Junichi Kumada, Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn về du lịch JTB Tourism Research & Consulting cho biết: "Nhật Bản có thể mang đến những trải nghiệm đặc biệt về đêm như ngắm hoa và thưởng thức pháo hoa mà không nơi nào có được".
Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Thành phố Shibuya đã bổ nhiệm "đại sứ ban đêm" đầu tiên, học tập "thị trưởng ban đêm" tại các thành phố châu Âu. Công việc của chức vụ này là quảng bá văn hóa ban đêm của Shibuya, bao gồm các câu lạc bộ khiêu vũ và quán bar. Cũng trong năm đó, hiệp hội đã phát động các tour tham quan buổi tối đến các nhà hàng ít được biết đến nhưng có chất lượng cao trong khu vực.
Để du khách nước ngoài biết rõ hơn về những hoạt động giải trí đêm tại địa phương, hiệp hội du lịch Shibuya đã tạo ra một bản đồ bằng tiếng Anh, miêu tả cuộc sống về đêm của khu vực và hy vọng những người tham gia chuyến tham quan ban đêm sẽ phổ biến thông tin này trên mạng xã hội. Không chỉ vậy, tổ chức này còn hợp tác với các viện bảo tàng và các cơ sở công cộng khác kéo dài thời gian mở cửa.
Một ví dụ điển hình khác của Nhật Bản trong việc chú trọng phát triển kinh tế đêm tại địa phương là thủ đô Tokyo. Năm 2018, chính quyền thành phố Tokyo và Hiệp hội Du lịch Tokyo đã công bố kế hoạch hỗ trợ cuộc sống về đêm của địa phương dưới hình thức trợ cấp.
Chương trình "Trợ cấp xúc tiến du lịch cuộc sống về đêm" này đảm bảo khách du lịch không bao giờ thiếu các hoạt động, cả ngày lẫn đêm tại một thành phố đậm chất phương Đông, vốn dĩ khác biệt về văn hóa và phong tục so với các thành phố lớn của phương Tây như London và New York.
Trung Quốc – đảo ngược nền kinh tế tăng trưởng chậm
Nền kinh tế ban đêm hiện là một phần quan trọng của thương mại đô thị Trung Quốc. Theo một báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hồi tháng 7/2021, 60% nhu cầu chi tiêu của khách hàng xảy ra vào ban đêm. Doanh thu của một số trung tâm mua sắm lớn trong khoảng thời gian từ 6h tối đến 10h tối chiếm hơn một nửa doanh số bán hàng hàng ngày của họ.
Thống kê cho thấy nền kinh tế ban đêm của Trung Quốc đã vượt quá 30.000 tỷ và 36.000 tỷ NDT lần lượt trong hai năm 2020-2021.
Trước đó, vào tháng 8/2019, trước thách thức tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, chính phủ Trung Quốc đã đề xuất nhiều sáng kiến khuyến khích các doanh nghiệp và các quận địa phương phát triển "kinh tế đêm", nhằm thúc đẩy mọi người tiêu nhiều hơn vào các hoạt động về tối.
Một số chuỗi thương hiệu bán lẻ và các trung tâm mua sắm kéo dài thời gian hoạt động, trong khi các thành phố cũng chi tiền cho các buổi trình diễn ánh sáng công phu. Nhiều địa phương như Thanh Đảo, Yên Đài, Hàng Châu đã chi hơn 100 triệu nhân dân tệ cho các màn trình diễn ánh sáng tại các địa danh nổi tiếng.
Các trung tâm thương mại bổ sung ban nhạc sống, nhà hàng bia, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao, nơi vui chơi giải trí điện tử. Theo Ellen Wei, người đứng đầu bộ phận bán lẻ của JLL Trung Quốc, giờ cao điểm tiêu thụ của nhiều hoạt động này là vào buổi tối tới tận 12h đêm.
Tháng 5/2019, Hopson One - một trong những trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất tại Bắc Kinh - đã thông báo chính thức khai trương "căn tin đêm muộn" mở cửa đến nửa đêm. Đây là một khu vực ăn uống dưới lòng đất rộng gần 20.000 m2 được xây dựng giống như một khu phố cổ. Tại đây, khách hàng đến có thể thưởng thức các màn trình diễn khiêu vũ đường phố, DJ âm nhạc. Phần còn lại của trung tâm mua sắm đóng cửa vào thời gian đóng cửa thông thường vào khoảng 10 giờ tối.
Các nhà bán lẻ không phải là những doanh nghiệp duy nhất kéo dài thời gian hoạt động. Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cũng không tránh phát triển theo xu hướng này. Meituan Dianping - một trong những công ty lớn trong ngành tiết lộ nửa đầu năm 2019, các đơn hàng được đặt ở Thượng Hải từ 9 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Đơn đặt hàng trong khung giờ 9-11 giờ tối chiếm 2/3 số đơn đặt hàng trong ngày. Tại các thành phố khác như Hàng Châu và Thiệu Hưng, mức tăng trưởng cùng thời kỳ cũng tăng hơn 40% trong các đơn đặt hàng vào ban đêm.
Không chỉ các hoạt động giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng rất được các địa phương chú trọng. Một bệnh viện ở ngoại ô phía Đông Bắc Kinh thông báo mở một phòng khám ban đêm vào các ngày trong tuần từ 5h chiều đến 8h30 tối.
Thái Lan – nỗ lực lấy lại phong độ đã mất
Bangkok từ lâu đã nổi tiếng là một trong những trung tâm sôi động nhất châu Á. Trước đại dịch COVID-19, nền kinh tế ban đêm của thủ đô Thái Lan trị giá khoảng 5 tỷ USD, đóng góp khoảng trên 1% GDP vào nền kinh tế xử sở chùa vàng. Tuy nhiên, sau 3 năm lao đao vì các biện pháp kiểm dịch, vị thế của thành phố với tư cách là thủ phủ tiệc tùng đang bị đe dọa.
Tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn đã trình bày một đề xuất kéo dài thời gian mở cửa cho các câu lạc bộ đêm tại các điểm nóng du lịch trọng điểm trên khắp đất nước, đặc biệt là ở Bangkok, Pattaya, Phuket, Phang-nga và Krabi đến 4 giờ sáng, thay vì giờ đóng cửa hiện tại là 2 giờ.
Bên cạnh các loại hình về đêm truyền thống tại Bangkok như các câu lạc bộ đêm, các chợ ẩm thực về đêm, trong những năm gần đây, thành phố Bangkok còn nỗ lực phát triển những chương trình mới về đêm với sự kết hợp giữa hoạt động bán lẻ với văn hoá, tính sáng tạo, tổ chức các sự kiện triển lãm quốc tế. Con đường Ratchada được mở cửa từ năm 2015 tại Bangkok, được coi là trung tâm mua sắm quy mô lớn kèm theo các dịch vụ ăn uống, dược phẩm, bưu điện mở cửa 24/24. Bangkok cũng đầu tư vào nghệ thuật đường phố, thiết kế được lồng ghép với các không gian của các trung tâm mua sắm, sự kết nối các trung tâm mua sắm với các ga tàu điện trên tạo điểm nhấn và thu hút khách thăm quan chụp ảnh./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận