
Hai cô gái gặp tai nạn khi đổ đèo bằng xe tay ga - Ảnh cắt từ video: QUYẾT PHAN
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra ở Tam Đảo trong một khoảng thời gian không quá dài đã đặt câu hỏi về khả năng lái xe, đặc biệt là kỹ năng đổ đèo, của nhiều tài xế.
Ngày 20-4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại khoảnh khắc hai cô gái di chuyển bằng xe tay ga, khi đổ đèo ở Tam Đảo đã mất kiểm soát, đâm vào hộ lan khiến cả hai bay ra khỏi xe.
Tháng 6-2024, một gia đình bốn người (vợ, chồng và hai con gái) đi xe máy từ đỉnh núi xuống và không may lao xuống vực. Bé gái bị thương nhẹ, trong khi người bố bị chấn thương vùng bụng.
Tháng 2-2024, xe khách 29 chỗ mất lái, đâm gãy hàng rào hộ lan, lao xuống dưới ta luy âm khoảng 5m, khiến sáu người trên xe bị choáng và một người bị gãy tay.
Gần đây nhất, ngày 26-4-2025, một chiếc xe khách bị lật về phía phần ta luy âm của đường. Vụ tai nạn khiến bốn nạn nhân quê Hải Dương tử vong, trong đó có hai trẻ em.
Các vụ tai nạn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự hiểm nguy khi di chuyển trên các cung đường đèo dốc như Tam Đảo.
Thực tế, những cung đường như thế này là địa điểm di chuyển được nhiều người yêu thích do khung cảnh đẹp, hùng vĩ, thỏa mãn đam mê của những người thích xê dịch hoặc đơn giản tìm một địa điểm du lịch trong những ngày nghỉ lễ. Chính vì lẽ đó, vấn đề an toàn lại càng trở nên nhức nhối.
Những nguyên tắc chung khi đổ đèo
Quãng đường từ chân núi lên trung tâm khu du lịch Tam Đảo chỉ dài khoảng 13-14km nhưng lòng đường nhỏ, nhiều khúc cua tay áo nên tiềm ẩn mối nguy hiểm.


Hướng dẫn của cảnh sát giao thông khi điều khiển xe đổ đèo Tam Đảo - Ảnh: CSGT tỉnh Vĩnh Phúc
Theo hướng dẫn của Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc, "tuyệt đối không được tắt máy thả trôi xe, mà phải nổ máy để sử dụng lực hãm của động cơ kết hợp với phanh khi đổ đèo". Luôn ghi nhớ áp dụng nguyên tắc "lên đèo bằng số nào thì đổ đèo bằng số đó". Khi tốc độ xe trở nên nhanh hơn mức cần kiểm soát, phải điều chỉnh về số thấp hơn để giảm tốc độ.
Ngoài ra, việc kiểm tra xe trước khi lên đường, cũng như chú ý quan sát, không nghe nhạc, giải trí trong lúc lái xe, mở cửa kính để lắng nghe tiếng động rõ ràng hơn cũng là những lưu ý quan trọng.
"Lên số nào, xuống số đó"
Trong chương trình Trên ghế, anh Đoàn Kiều Dũng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỷ Nguyên, admin nhóm Phê Phượt, cũng đã tiết lộ những điểm quan trọng mà bất cứ ai đi đường đèo cũng cần nhớ.

Đầu tiên, tương tự hướng dẫn của cảnh sát giao thông, chính là "lên số nào, xuống số đó". Khi lên dốc cao bằng số 1-2, lúc đi xuống cũng cần phải đi số 1-2.
"Xe mới hiện nay phần lớn trang bị hộp số tự động, nhưng khi đi đường đèo dốc cần chuyển sang chế độ số tay, lúc đó các bạn cần chuyển về số 1-2. Lúc đó, chiếc xe mà bạn đang đi sẽ đảm bảo an toàn, chúng ta có thể kiểm soát được tốc độ khi lên xuống dốc", anh Dũng đưa ra lời khuyên cho những người di chuyển bằng ô tô.
Kỹ năng vào cua và sử dụng phanh
Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là phanh quá nhiều do lo sợ mất kiểm soát tốc độ. Tuy nhiên, theo anh Dũng, thực tế là không nên phanh nhiều quá, "vì nếu má phanh bị ép liên tục (thường gọi là “miết phanh”) sẽ dẫn đến việc má phanh bị nóng, nếu quá lâu sẽ bị “cháy má phanh” nên không còn độ bám, hay nhiều người thường gọi là mất phanh.
Với điều kiện đường đèo dốc liên tục ở vùng núi phía Bắc, đi xe phanh liên tục như thế rất nguy hiểm. Vì thế, các bạn lưu ý khi cần nên nhấp nhả phanh, nhưng không nên đạp phanh quá mạnh mà chỉ nhẹ nhàng để giảm tốc từ từ".

Kỹ năng sử dụng phanh đặc biệt quan trọng - Ảnh minh họa: Visit Carinthia
Tam Đảo là một nơi có nhiều khúc cua tay áo nguy hiểm. Anh Dũng cho biết khi xe vào cua, "tuyệt đối không tăng ga nhưng cũng không đạp phanh đột ngột. Thay vào đó, chúng ta rà phanh nhẹ nhàng để giảm tốc. Không bao giờ một vận động viên đua xe chuyên nghiệp đạp ga khi chạy vào khúc cua. Đấy là việc làm rất không nên vì không an toàn".
Nắm được ta luy dương - ta luy âm
Một kỹ năng quan trọng khác khi đi đường đèo núi là phải biết bên phải xe là ta luy dương hay âm. Ta luy dương là phía vách núi hoặc lan can, hoặc những vật cản đủ lớn giúp giữ chiếc xe lại nếu lỡ gặp sự cố.
"Khi đã xác định được ta luy dương, các bạn nên chuẩn bị tinh thần nếu xe mất phanh thì sẵn sàng lao xe về phía đó, chúng tôi hay gọi là “vả” xe vào đó. Lúc đó, vách núi sẽ giữ xe lại", anh Dũng tiết lộ bí quyết.

Điều quan trọng là người điều khiển phương tiện đừng sợ hư xe.
"Khi xe đâm vào vách núi, dù có bị móp méo, hư hỏng cũng không sao. Vì quan trọng nhất là sự an toàn của người ngồi trên xe. Nếu chẳng may bị gãy chân, gãy tay, chúng ta vẫn không bị lăn xuống vực.
Điều này đặc biệt quan trọng khi đi trời tối gặp đường sương mù, các bạn phải xác định được bên nào là ta luy dương để đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Có lần, tôi chạy lên Sin Suối Hồ (Lai Châu) trong đêm, đường nguy hiểm và xe bị mất phanh, những kinh nghiệm này đã cứu sống cả đoàn", anh Dũng chia sẻ.
Xe tay ga không thực sự phù hợp để đi đường đèo
Lựa chọn phương tiện để đi đường đèo cũng là một yếu tố quan trọng. Với ô tô, những phương tiện có hỗ trợ an toàn khi đi đèo là lựa chọn tốt nhất. Với xe máy, việc sử dụng xe số, xe côn tay được ưu tiên hơn cả, trong khi xe tay ga thường dành cho những người có kinh nghiệm.

Nên dừng nghỉ làm mát phanh sau khi di chuyển một quãng đường nhất định, tuy nhiên cần chọn vị trí an toàn - Ảnh minh họa: Biker Journal
CSGT tỉnh Vĩnh Phúc cũng khuyến cáo không nên sử dụng xe tay ga. Nhưng nếu quyết định sử dụng, thì cần vừa rà phanh để giữ tốc độ ổn định 15-20km/h vừa mớm nhẹ ga để ly hợp côn bám rồi nhả ga hoàn toàn. Xe sẽ được động cơ kéo giật lại tức là đang phanh bằng số. Khi xe chạy quá tốc độ kiểm soát thì lặp lại các bước này.
Với xe máy số, cảnh sát giao thông tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo nên sử dụng số 1-2. Khi đi những đoạn không quá dốc có thể sử dụng số 3-4, nhưng nếu thấy tốc độ có dấu hiệu mất kiểm soát cần chuyển nhanh về số 1-2.
Để an toàn hơn, khi đi được 1-2km thì dừng lại, tưới nước vào phanh chờ khoảng 10 phút rồi tiếp tục di chuyển.
Tuy nhiên, không đậu xe trên các cung đường hẹp. "Có thể các bạn nghĩ rằng đậu xe sát bên phải đường là an toàn nhưng không phải, các xe khi đổ đèo quán tính lớn, tốc độ khá nhanh, nếu bị khuất tầm nhìn họ sẽ rất khó để xử lý nếu gặp tình huống bất ngờ", anh Dũng cho hay.

Nguyễn Thị Tuyết Minh, nổi tiếng là nữ biker Việt đầu tiên tự điều khiển xe máy chinh phục Umling La - con đèo cao nhất có thể đi qua bằng xe trên thế giới, cho biết: "Tôi thích xe phân khối lớn, xe côn tay vì tính an toàn và độ tăng tốc, đặc biệt khi muốn vượt chướng ngại vật hay đi đường đèo. Chẳng hạn, khi đổ đèo mà rơi vào trường hợp mất thắng, số sẽ giúp ghìm lại, cho tôi có thời gian phán đoán tình hình và xử lý tốt hơn.
Nếu sử dụng xe tay ga đi xa, đặc biệt là đường đèo, nếu gặp trục trặc về vấn đề thắng sẽ khá nguy hiểm, dễ bị trôi xe, khiến mình dễ bị hoảng, không định hình được tình huống để xử lý chính xác".
Nhưng dù là lựa chọn xe nào, thì "điều quan trọng là tập luyện", ngoài ra cũng cần "trang bị kiến thức về chiếc xe của mình cũng như cách xử lý những tình huống dễ gặp phải", nữ biker cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận