26/03/2005 13:43 GMT+7

Kinh doanh "Osin"

HOÀNG DIỆP
HOÀNG DIỆP

TTCN - Không chỉ Bến oshin của nhà văn Hồ Anh Thái đã được đạo diễn tài ba Lê Hùng chuyển thành hài kịch Đời cười 5 đang “sốt” tại Nhà hát Tuổi Trẻ mà ở Hà Nội hiện nay, nguồn cung cấp người giúp việc gia đình cũng đang sốt.

5JLrkzVP.jpgPhóng to
Một trung tâm môi giới ở 30 ngõ Nam Ngư - đường Lê Duẩn, Hà Nội, không chỉ giới thiệu việc làm thông thường mà gần đây còn có thêm cả dịch vụ chỉ trỏ oshin
TTCN - Không chỉ Bến oshin của nhà văn Hồ Anh Thái đã được đạo diễn tài ba Lê Hùng chuyển thành hài kịch Đời cười 5 đang “sốt” tại Nhà hát Tuổi Trẻ mà ở Hà Nội hiện nay, nguồn cung cấp người giúp việc gia đình cũng đang sốt.

Chị Khiêm, 31 tuổi, sống tại khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) vừa sinh đôi hai bé trai. Ngay khi lũ trẻ sắp chào đời, vợ chồng chị cuống cuồng nhờ người về quê tuyển người giúp việc nhà. Mất cả tháng chị mới tuyển được một oshin 21 tuổi, trả lương 400.000 đồng/tháng, bao ăn, ngủ tại nhà, chu cấp áo quần, thuốc men… để giúp chị chăm hai trẻ.

Nhưng rồi nàng oshin này chỉ nán lại giúp việc được đúng hai tháng lại chuồn mất về Hưng Yên. Chồng chị lại lên Phúc Yên tìm được một oshin 52 tuổi, nâng lương lên 500.000 đồng/tháng… nhưng cũng chỉ được một tháng, người này “xin phép về quê hai tuần, cấy xong mẫu ruộng lại lên ngay” rồi biệt tăm. Một ngày không có oshin, chị Khiêm như gà mẹ vỡ ổ!

Cơn sốt oshin

Suốt mấy tháng nay, cả Hà Nội nhao cả lên vì thiếu oshin. Trong các quán nước, hiệu tạp hóa, ngoài chợ các bà nội trợ râm ran chuyện oshin bỏ về quê không chịu lên, chuyện oshin cực hiếm. Chưa bao giờ tình trạng người giúp việc gia đình lại “sốt” như thời điểm này. “Giá thuê oshin cũng bị ảnh hưởng theo đà tăng giá”- bà Vũ Thị Hồng, một chủ hộ ở nhà CT1 khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai), tâm sự.

GxtEiLRZ.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Tri, 52 tuổi, quê xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Tây), vừa được nhận vào làm oshin cho một gia đình ở ngõ 25 Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, Hà Nội với mức lương 400.000 đồng/tháng
Ba tuần qua, bà Hồng lang thang đến các mối chuyên cung cấp oshin quen ở chợ Đồng Xuân, đường Láng, Cầu Giấy… nhưng ở đâu oshin cũng đòi phải trả công 450.000-600.000 đồng/tháng (chưa kể ăn, ngủ tại nhà) và chỉ làm những việc được ghi rõ trong hợp đồng! Trong khi năm 2004, oshin được trả 300.000-400.000 đồng/tháng đã “cao giá”. Tuy nhiên, “chấp nhận bỏ ra 600.000 đồng/tháng vẫn chưa chắc tìm được oshin, chưa tính chuyện chất lượng oshin thế nào”- chị Liên, sống ở ngách 235/25 Bùi Xương Trạch (Ngã Tư Sở), giãi bày.

Chị Liên bảo trong các trung tâm môi giới ở Hà Nội, lượng chủ hộ đi tìm oshin đông kín. Theo chân mấy chủ hộ, chúng tôi tìm vào trung tâm giới thiệu việc làm ở 25, ngách 48, ngõ Linh Quang (Khâm Thiên). Bên trong, bốn ghế dài dành cho chủ và oshin ngồi mặc cả. Anh Phạm Xuân Đăng, 42 tuổi, sống tại ngõ 31 Xuân Diệu (quận Tây Hồ), thổ lộ: suốt tháng nay chủ đến tìm oshin xếp hàng rồng rắn mà oshin tìm chủ thì mỗi ngày chỉ được dăm mống! Tuyển được oshin, trung tâm chưa kịp đào tạo thì đã có 3-4 chủ hộ giành nhau đón rước, chưa kịp hỏi dăm câu “quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, có biết trông trẻ, chăm người già ốm, nuôi chó, lau nhà cửa không?”…

Hàng loạt văn phòng dịch vụ việc làm 20-10, trung tâm giới thiệu việc làm 35 ngõ Giếng, trung tâm dịch vụ việc làm 347 Đội Cấn, Công ty dịch vụ Hoàng Anh (Thụỵ Khuê), Trung tâm Tư vấn việc làm thanh niên Hà Nội… cũng xảy ra cảnh chủ hộ rầm rập kéo đến săn tìm oshin nhưng trung tâm không “bói” ra người để cung ứng.

Có chủ hộ tìm oshin từ gần nửa năm nay mà chưa có. Từ mẩu rao vặt dán cột điện ở Ngã Tư Sở đã ố vàng, tôi gọi cho một nữ chủ hộ tên Trâm ở ngõ 1 Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân) để xin cho đứa em đến làm oshin. Bà Trâm sướng như bắt được vàng, vồn vã mời chúng tôi đến ngay. “Cô sẽ tuyển nó vào làm ngay, trả lương 600.000 đồng/tháng, ăn ở tại nhà luôn, nếu các cháu cần thêm (tiền) thì có thể cùng thỏa thuận”. Theo bà Trâm, đứa em tôi sẽ đi ở cho một cụ già 70 tuổi, hiện sống một mình ở căn hộ tập thể. Từ nhiều tháng qua bà đã rao tìm oshin nhưng vẫn chẳng ai màng.

Oshin khan thiếu vì nhiều lý do. Theo các trung tâm môi giới, do công việc của oshin quá vất vả, nhiều người lại không có “năng khiếu” giúp việc gia đình, trong khi nhu cầu sử dụng oshin ngày càng gia tăng; còn theo oshin thì “với mức tiền công 400.000 - 500.000 chúng tôi không đủ sống”, trong khi “các chủ nhà mướn oshin thường bóc lột sức khỏe oshin quá mức”… Tuy nhiên, ba lý do chính khiến thị trường oshin đắt giá là hiện ở nhiều làng quê cũng đang có nhu cầu mướn người giúp việc, và dòng oshin bỏ Hà Nội kéo sang Đài Loan giúp việc ngày càng đông hơn. Cùng thân phận “kẻ hầu hạ” nhưng ở Đài Loan họ được trả lương gấp 7-8 lần ở VN. Nhiều oshin chỉ coi giúp việc là “bến tạm” trước khi chuyển sang một nghề chính thức. Lợi dụng thị trường oshin nóng sốt, những “cotylua” (công ty lừa) bắt đầu tái xuất...

Kinh doanh oshin

oemc5STL.jpgPhóng to
Một trung tâm môi giới việc làm kiểu “cửa đóng cửa mở” trên đường Đại Cồ Việt (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Trong vai người tìm oshin chăm sóc ông già, chúng tôi tìm đến văn phòng môi giới oshin trong một ngõ nhỏ trên đường Láng, gần Ngã Tư Sở. Trong gian nhà 30m2 đặt dãy bàn dài. Trên tường treo hai tấm bảng gỗ lớn, dán chi chít các mẩu giấy “cần tuyển lao động”, “việc chờ người”, “người chờ việc”. Một cô gái trạc 30 tuổi, đôi mắt giảo hoạt, rút tờ giấy trắng đặt lên mặt bàn, hỏi tôi cần tìm gì rồi hỏi ngay số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, bảo: “Từ sau tết đến giờ oshin hiếm lắm. Chính người nhà tôi cũng đang đi tìm oshin cả tháng nay mà chưa được. Bởi giá oshin bây giờ tăng cao, tối thiểu cũng 600.000 đồng/tháng”. Tuy nhiên, cô lại đính chính: “Nhưng mức “sáu trăm” hiện tại chúng tôi không có ai, chỉ có hai người (đòi) “bảy trăm”, còn trên “tám trăm” thì tha hồ”. “Liệu có oshin đưa về làm ngay được không?”- tôi hỏi.

Cô ta cam đoan: “Cứ làm xong thủ tục là có. Trước tiên, bạn phải làm hợp đồng với văn phòng, lệ phí 250.000 đồng, còn mức lương trả cho oshin thì để gia đình bạn và oshin tự thỏa thuận. Số tiền 250.000 đồng lệ phí, chúng tôi cho bạn thời hạn một tháng, nếu không ưng, oshin không làm được việc bạn cứ gọi điện đổi lại”. Tôi ký hợp đồng, nộp 250.000 đồng, nhận tấm danh thiếp ra về. Một tuần sau chẳng thấy oshin nào gõ cửa, tôi gọi cho văn phòng môi giới. Cô ta bảo gắng chờ dăm bữa nữa bởi đứa oshin tôi yêu cầu bố vừa mất! Một tuần sau tôi lại gọi, cô ta lại “xin lỗi, vì đứa oshin lại đổi ý định, không ra Hà Nội mà đi Đài Loan”. Rồi lại một tuần, tôi gọi, máy chỉ tít tít, tìm đến tận nơi mới biết… văn phòng trên đã “dọn bãi”.

Chị Tuyết Ly, ở khu Kim Mã Thượng, vừa sinh bé trai thứ hai, bất bình kể: Chị đến một trung tâm môi giới lao động bên đường Đội Cấn tìm một oshin khỏe mạnh, biết trông trẻ. Chị nộp 300.000 đồng lệ phí, đòi nhận oshin về ngay. Nhân viên thơn thớt “O.K”, nhưng chị giục suốt một tháng họ mới dẫn đến một bà oshin ngoài 50 tuổi. Hợp đồng trả 400.000 đồng/tháng, ăn, ngủ tại nhà. Nhưng làm được hơn tháng, bà oshin trốn mất, chẳng biết đi tìm ở đâu, cũng chẳng có thời gian đâu đi tìm. Gọi môi giới, họ lạnh lùng bảo lỗi của chị để oshin trốn, song chị dọa kiện họ mới hứa đổi một đứa oshin khác.

Một tuần sau, nhân viên môi giới lại dẫn đến cô gái 16 tuổi, nhưng đòi trả lương 1,2 triệu đồng/tháng vì “con bé này làm rất được việc”. Chị giãy nảy. Anh nhân viên bảo chị không thuê mau con bé thì chờ đến tết sang năm cũng chẳng tìm nổi oshin. Thương con, chị đành cắn răng thuê mức 1,2 triệu đồng. “Thật ra giá thuê oshin chung ở Hà Nội chỉ có 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Phần chênh lệch giá cả, môi giới và oshin đã bàn bạc chia phần trăm rồi”- chị bức xúc.

“Ở làng em, thi thoảng lại có những anh lên tận làng tìm oshin, bảo xuôi Hà Nội giúp việc gia đình. Được trả lương tới 300.000 - 400.000 đồng/tháng, gần đây mới tăng lên 500.000 - 600.000 đồng. Ai chấp nhận thì theo về Hà Nội. Nhưng họ cũng chỉ làm trung gian, trước khi cử chúng em đến từng gia đình, họ giao kèo rất kỹ rằng khoản hợp đồng trả công sẽ do chủ nhà và chúng em thỏa thuận, nhưng chúng em phải đòi đúng hoặc hơn mức tiền mà trung tâm đã thỏa thuận trước với chủ.

Thực tế chúng em chỉ được 400.000 - 600.000 đồng trung tâm thỏa thuận lúc đầu, số dư ra chúng em sẽ được hưởng 20-30%”- Phùng Thị Biên, 19 tuổi, quê xã Liễn Sơn (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), hiện làm oshin ở khu tập thể Nghĩa Tân, tiêt lộ. Phùng Thị Hiên, 21 tuổi, chị gái của Biên, cũng cho biêt: “Thường vào nhà chủ làm một vài tháng, nhân viên trung tâm lại đến bảo em bỏ chỗ cũ sang chỗ mới, lương cao hơn lại nhàn hơn, nên em mới phá hợp đồng”…

Trốn, cáo về quê, tìm cách để… bị chủ đuổi… là một trong nhiều mánh khóe của oshin và các văn phòng môi giới để moi tiền gia chủ. Muốn bị đuổi? Đơn giản, chỉ cần oshin cố tình ăn cắp, đánh vỡ đồ của chủ… Sau khi oshin bị thải, các trung tâm lại “quay vòng” họ để cả hai cùng chia tỉ lệ môi giới. Năm 2004, phí “chỉ trỏ” của trung tâm chỉ 150.000 - 200.000 đồng, nay tăng lên 250.000 - 400.000 đồng, thời hạn từ một tháng rút ngắn còn 15 ngày. Nhân viên các trung tâm thường rao rất ngọt với mức phí 250.000-300.000 đồng/lần khách được chọn, đổi oshin trong 15-30 ngày, nếu oshin trốn, không làm được việc sẽ được đổi lại ba lần, nhưng… thường sau 30 ngày oshin mới trốn! Muốn tìm nữa? Lại làm hợp đồng, nộp lệ phí!

Ăn theo trung tâm môi giới hiện có hàng trăm cô, bà bán cá, buôn rau xanh, đồng nát ở chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Mơ, Ngã Tư Sở… chuyên về làng ở Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... gom oshin đưa về Hà Nội. Một số “đầu mối” còn tự tách ra đánh lẻ, tự dẫn oshin đến từng chủ hộ; và chính họ cũng không bỏ qua mánh khóe khi thị trường oshin sốt: cứ vài tháng lại “xui” oshin về quê rồi “bán” oshin này cho nhà kia để ăn được nhiều hoa hồng (100.000 đồng/lần).

Thị trường oshin lên cơn sốt khiến số “công ty oshin” mọc nhan nhản khắp Hà Nội. Bên cạnh một số trung tâm môi giới oshin chuyên nghiệp, hàng ngàn trung tâm, văn phòng môi giới, cung ứng lao động, tạo việc làm và nhà đất cả có giấy phép và “chui” đang đua nhau mở thêm dịch vụ oshin.

Nhưng sau thời kỳ “hoàng kim”, nhiều oshin dần nhận ra giúp việc nhà không phải một nghề nhàn nhã, dễ thở… nên theo nhau cáo về quê, khiến người Hà Nội, nhất là đám môi giới, “ăn ngủ không yên”. Bởi vậy, chiêu cạnh tranh đầu tiên của các trung tâm môi giới hiện nay là rao tuyển thật nhiều oshin với những khoản lương “chảy nước miếng”: tuyển nữ giúp việc gia đình, làm 8-17g, nghỉ CN + lễ, tết, lương 800.000 - 1,5 triệu đồng + ăn trưa...

Đó là những lời rao có cạm bẫy! Song đám môi giới cáo già ở chỗ: nếu oshin tìm tới xin việc, trước tiên họ ăn tiền cọc (khoảng 300.000-500.000 đồng), lệ phí môi giới (50.000 đồng) của chính oshin. Không có việc thì tìm cách “chây”, “chuồn”! Có việc sẽ ép oshin chấp nhận mức lương chỉ 400.000 - 600.000 đồng, nhưng trong hợp đồng với chủ (do văn phòng lập) vẫn ghi 700.000 - 800.000 đồng. Chủ một trung tâm môi giới oshin đã giải nghệ bình luận: “Làm gì có thứ oshin được trả lương 0,8 - 1 triệu đồng. Cử nhân đại học ra trường làm gù lưng cũng chỉ được 700.000 - 800.000 đồng/tháng. Toàn lừa đảo!”.

HOÀNG DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên