13/12/2020 09:44 GMT+7

Kim Ki Duk: Ngôn ngữ tối giản, dị biệt kiệt cùng

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Trong hơn hai thập niên phát triển rực rỡ của điện ảnh Hàn Quốc, Kim Ki Duk - đạo diễn vừa bất ngờ qua đời vì Covid-19 - là một trường hợp đặc biệt và khác hẳn những đạo diễn tài danh còn lại.

Kim Ki Duk: Ngôn ngữ tối giản, dị biệt kiệt cùng - Ảnh 1.

Đạo diễn Kim Ki Duk

Ông là người đi đầu trong Làn sóng mới của điện ảnh Hàn Quốc, luôn theo đuổi những chủ đề dị biệt, táo bạo, gây sốc và thậm chí là kỳ quái.

Một người đạo diễn không nên cố định nghĩa mọi thứ. Đối với tôi, mỗi bộ phim là một dạng câu hỏi mà tôi đặt ra cho người khác hoặc cho khán giả. Tôi muốn hỏi ý kiến của họ về quan điểm của tôi và cùng thảo luận với họ.

Đạo diễn Kim Ki Duk

Ngôn ngữ điện ảnh trong phim ông thường tối giản, giàu chất thơ, gây ám ảnh và tiết chế thoại nhất có thể, nhưng lại tràn ngập những hình ảnh bạo lực rùng rợn. Kết hợp giữa những thứ kỳ lạ đó, thế giới điện ảnh của Kim Ki Duk thường thôi miên khán giả và không ngừng thách thức giới hạn của tư duy, đạo đức và thẩm mỹ của người xem, đặc biệt là với các chủ đề như bạo lực, cái ác và hành trình cứu rỗi, chuộc tội của con người.

Được ngợi khen lẫn bị phản ứng

Sau khi học hội họa ở Pháp với mong muốn trở thành một họa sĩ, Kim Ki Duk lại chuyển hướng sự nghiệp sang điện ảnh và tạo ra một thế giới điện ảnh riêng biệt, nơi ông có thể kiêm hầu hết các vị trí sáng tạo trong việc làm phim như đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên, quay phim, dựng phim, thiết kế bối cảnh, chỉ đạo nghệ thuật, âm thanh.

Phim của ông điển hình cho phong cách phim độc lập, kinh phí rất thấp, không chịu tác động hay bó buộc sáng tạo của các hãng phim lớn, thường tối giản về bối cảnh để ông có thể thỏa sức thể hiện những chủ đề khác lạ và phá vỡ các giới hạn của mình.

Mở đầu sự nghiệp điện ảnh với bộ phim The Crocodile (1996) - Kim Ki Duk đã bắt đầu xây dựng nên thế giới riêng của mình, nơi ông thể hiện chủ đề bạo lực trong xã hội Hàn Quốc đương đại, đặc biệt là mô tả mối quan hệ áp chế giữa nam giới và phụ nữ. Nhân vật chính trong bộ phim này cũng mang tính đặc trưng và thường gặp trong các bộ phim về sau của ông: tính cách và hành xử kỳ quặc, hung bạo, vô đạo và thiếu tính người.

Bắt đầu từ đó, Kim Ki Duk trở thành một nhà đạo diễn tiên phong trong làng điện ảnh Hàn Quốc với sức sáng tạo đáng nể, đều đặn ra mắt một, thậm chí là hai tác phẩm mới một năm trong liên tục hơn 20 năm qua. Trong khi mang đến một tư duy thẩm mỹ mới và mang về một kệ giải thưởng các liên hoan phim, một số bộ phim của Kim Ki Duk lại gặp phản ứng dữ dội tại quê nhà. Ông bị chỉ trích hành xử tàn ác với động vật hoặc mô tả sự tàn ác tột độ của con người.

Sau khi đạt đến đỉnh cao nhất của sự nghiệp (về mặt giải thưởng) với Pieta - giải Sư tử vàng tại LHP Venice, vầng hào quang của Kim Ki Duk bắt đầu mờ dần. Phim của ông không còn được đón nhận nồng nhiệt. Trong khi đó, những bê bối kiện tụng về đời sống tình dục sau vụ #MeToo và hành xử thô bạo với diễn viên khiến các tác phẩm mới của ông bị tẩy chay ngay tại quê nhà. Sự nghiệp của ông tại Hàn Quốc dường như chấm hết sau đó.

Năm 2018, ông đem đến LHP Berlin (từng trao giải Đạo diễn xuất sắc cho ông vào năm 2004 với bộ phim Samaria) tác phẩm mới nhất có tên Human, Space, Time and Human nhưng bị giới phê bình cho là tác phẩm yếu nhất trong sự nghiệp của ông.

Kim Ki Duk: Ngôn ngữ tối giản, dị biệt kiệt cùng - Ảnh 3.

Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân - tác phẩm dễ cảm nhất của Kim Ki Duk

Vòng trầm luân của đời người

Trong những tác phẩm nổi bật nhất cho phong cách và chủ đề nhưng đồng thời cũng khác biệt nhất của Kim Ki Duk, Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân, 2003) là bộ phim được yêu thích hơn cả. Đây là bộ phim mang màu sắc ngụ ngôn độc đáo về sự trầm luân của đời người, hành trình hướng tới sự giác ngộ đầy khó khăn, đồng thời là một tác phẩm dễ cảm và hấp dẫn nhất của ông, cho dù bộ phim chỉ có một bối cảnh duy nhất và hạn chế tối đa thoại.

Bộ phim kể về một vị cao tăng và một chú tiểu sống thanh bần trong một ngôi chùa nhỏ nằm giữa lòng hồ, được bao quanh bởi những ngọn núi mù sương và cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tác phẩm tràn ngập các chi tiết mang tính ẩn dụ, đặc biệt là hình ảnh hai cánh cửa chùa, một vẽ mặt thiện, một vẽ mặt ác mở ra với thế giới bên ngoài được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim khi kết thúc và mở ra một chu kỳ mới trong một đời người - được thể hiện bằng các mùa trong năm.

Đây là ẩn ý của Kim khi cho rằng thế giới bên ngoài là nơi con người chìm trong cõi tục lụy, không ngừng gặp những sai lầm vì tham sân si, gieo nghiệp ác chồng chất và cuối cùng chìm trong bể khổ.

Còn thế giới biệt lập bên trong ngôi chùa nhỏ là nơi mà những bậc chân tu đã trút được mọi ưu phiền của đời sống để sống một cuộc đời giác ngộ theo triết lý của nhà Phật. Nhưng để đạt đến được cảnh giới đó không hề đơn giản. Ở đó, vị cao tăng đã dạy chú tiểu những bài học để cậu diệt được cái ác hồn nhiên và lòng tham sân si của mình, trong đó có bài học lớn: "khao khát sở hữu là nguồn gốc của cái ác".

Ông muốn nhấn mạnh một điều khác thường: "nhân chi sơ tính bản ác" và cho rằng chỉ có tu tập, buông bỏ mới diệt được khổ và đạt đến sự thanh tịnh của đời người.

3-Iron là một bộ phim độc đáo và được yêu thích khác của Kim Ki Duk. Đây là bộ phim mà Kim thử nghiệm một thứ ngôn ngữ điện ảnh kỳ lạ, triệt tiêu tối đa mọi đối thoại, chỉ dùng hình ảnh để diễn tả câu chuyện mà vẫn thôi miên và mê hoặc người xem. 3-Iron xây dựng nên thế giới của những con người tổn thương, trầm cảm hay phải chịu đựng một sự hành hạ tâm lý nào đó, buộc họ phải có những hành xử không theo chuẩn mực thông thường. Kết lại câu chuyện độc đáo là một lời đề từ của Kim: "Thật khó để nhận biết thế giới của con người là thực tại hay ảo mộng". Thế giới là hiện thực hay ảo mộng? Câu hỏi đầy tính triết lý đó dành cho mọi khán giả.

Sức sáng tạo đáng nể

Trong số lượng khoảng 25 bộ phim mà ông đã đạo diễn, có những tác phẩm nổi bật định hình cho phong cách cá nhân và gây tiếng vang quốc tế, đoạt nhiều giải thưởng quan trọng tại các LHP hàng đầu ở châu Âu như The Isle (2000), Bad Guy (2001), Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003), Samaria (2004), 3-Iron (2004) và Pieta (2012) - bộ phim đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice.

Trong một, hai năm gần đây, Kim Ki Duk phát triển sự nghiệp tại châu Âu. Ông đang đến Latvia mua một căn nhà bên bờ biển và chuẩn bị đạo diễn bộ phim mới có tên Rain, Snow, Cloud and Fog với bốn mảnh ghép độc lập dệt nên một câu chuyện kỳ dị với bối cảnh ở châu Âu. Dường như ông đang lấy lại được đam mê sau thời gian dài chìm trong khổ não. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đặt một dấu chấm hết...

Đạo diễn Kim Ki Duk qua đời vì COVID-19 Đạo diễn Kim Ki Duk qua đời vì COVID-19

TTO - Kim Ki Duk, đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng với nhiều phim đoạt giải thưởng lớn, đã qua đời vì biến chứng của COVID-19 tại Latvia, theo truyền thông Hàn Quốc. Gia đình của ông Kim đã lên tiếng xác nhận sự việc.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên