10/05/2014 05:05 GMT+7

Kiện ra tòa quốc tế, Việt Nam sẽ thắng

C.V.KÌNH - TÂM LỤA thực hiện
C.V.KÌNH - TÂM LỤA thực hiện

TT - Ngày 9-5, Hội Luật gia gặp gỡ báo chí ra “Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam”.

Hội Luật gia Việt Nam phản bác hành động phi pháp của Trung Quốc

F0cfpz5L.jpg
Ông Lê Minh Tâm - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam - đọc tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Ng.Khánh

Hội khẳng định Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế và sẽ lập quỹ để thưởng cho người có đóng góp về biển Đông.

Giới thiệu tuyên bố của Hội Luật gia, ông Lê Minh Tâm - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội - dẫn điều 58, điều 77 Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 khẳng định “Khu vực giàn khoan HD981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” và Trung Quốc thực tế đã vi phạm công ước quốc tế mà chính họ là thành viên.

Bản tuyên bố của Hội Luật gia cũng cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự...

Tuổi Trẻ phỏng vấn luật gia Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, thành viên Hội Luật gia Việt Nam:

* Trung Quốc vừa đề cập đàm phán, nhưng lại yêu sách Việt Nam rút tàu, các ông có bình luận gì?

- Đây là đề nghị không bình thường nếu không muốn nói là buồn cười. Vị trí giàn khoan HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo (Tri Tôn - PV) mà họ chiếm của Việt Nam.

Vùng này hoàn toàn của Việt Nam nên lực lượng của Việt Nam hoạt động thực thi luật pháp là bình thường.

Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán. Việc đưa ra đòi hỏi này, theo tôi, là thái độ mang tính gây sức ép, nó không bình thường.

* Việt Nam nên có hành động quốc tế nào để luật pháp quốc tế có thể phân xử?

- Công ước đã đề ra chế tài, thủ tục, chế định để các bên có thể đưa vấn đề lên cơ quan tài phán quốc tế về luật biển.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa với hồ sơ rất đầy đủ đưa lên hội đồng trọng tài. Hội đồng đã được thành lập với năm thành viên.

Việc làm trên đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực. Việc làm của Trung Quốc với Việt Nam có yếu tố tương tự như đã làm với Philippines.

Việt Nam là thành viên công ước Luật biển 1982, ta hoàn toàn có thể làm điều chính đáng, một biện pháp hòa bình, đó là kiện Trung Quốc ra tòa.

w81UF3si.jpg
Ông Trần Công Trục - Ảnh: Ng.Khánh

* Theo ông, Việt Nam có cần kiện Trung Quốc ngay chưa hay cần đợi gì khác?

- Các cơ quan chức năng Việt Nam theo tôi đã chuẩn bị rồi, chuẩn bị từ rất lâu rồi, giờ ta cần hoàn thiện thêm tài liệu.

Việc kiện nói cần nhưng theo tôi không nên sốt ruột. Việc này không thể nói là làm ngay. Dù ta có đủ chứng cứ cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng.

Ngay cả lực lượng luật sư cũng phải sẵn sàng. Tôi nghĩ không sớm thì muộn việc Việt Nam kiện sẽ xảy ra. Bởi hiện nay thế mạnh của Việt Nam là lẽ phải và pháp lý.

* Khi Việt Nam kiện Trung Quốc, Hội Luật gia có tin là thắng không? Thủ tục có thể dài, các ông nghĩ Việt Nam cần chuẩn bị gì trong thời điểm trước mắt?

- Nói thật khách quan, với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi tin rằng nếu ta đưa vụ kiện lên tòa án, các cơ quan tài phán quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi.

Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở để kiện. Tuy nhiên, đúng là các bạn cũng nên nhớ, kiện lên cơ quan tài phán có cả một quá trình với các thủ tục.

Lúc này ta cũng đừng nghĩ sẽ kiện bất cứ nội dung gì. Có thể kiện về việc giải thích và áp dụng Luật biển của Trung Quốc là sai.

Khi kiện ra tòa, vấn đề không chỉ ở pháp lý, chân lý mà còn thái độ ủy viên tham gia hội đồng xét xử, có cả vận động hành lang (lobby).

Nên ta phải chuẩn bị rất nhiều biện pháp để tiếng nói chân lý trở thành hiện thực. Cũng không phải ta kiện tòa sẽ có phán quyết ngay. Philippines kiện cách đây đã lâu, nhưng giờ vẫn trong giai đoạn thụ lý.

Tuy nhiên, ít nhất khi Việt Nam kiện cũng thể hiện sự kiên quyết, tinh thần dựa theo luật pháp quốc tế, vì sự hòa bình, ổn định...

* Các ông có dự báo bước đi tiếp theo của Trung Quốc?

- Đúng là trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan ra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần này, họ đã có rất nhiều hoạt động trên các mặt.

Họ thăm dò, đe dọa, cắt cáp, cấm đánh bắt cá rồi bây giờ là đặt giàn khoan. Hành động này là bước đi mới rất nguy hiểm. Đây là kết quả tất yếu mà Trung Quốc đã bài binh bố trận từ lâu.

Trước tình hình này, Trung Quốc sẽ tiến thêm để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố, là đường “lưỡi bò”, chiếm gần hết biển Đông. Nhưng họ có làm được hay không còn phụ thuộc cách làm của chúng ta.

* Theo ông, Việt Nam nên ứng phó thế nào?

- Khi họ tính bước mới, họ đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine.

Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra. Nên có thể biển Đông không phải quan tâm số 1 nữa. Trung Quốc lợi dụng thời điểm này nhảy vào.

Họ lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, họ dựa vào thái độ của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò. Đó là sự nham hiểm, tính toán của Trung Quốc mà ta phải lưu ý.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giàn khoan Trung Quốc hoạt động tại biển VN là bất hợp phápTrung Quốc phải đưa giàn khoan ra khỏi Việt NamTàu Trung Quốc 3 lần tấn công tàu Việt NamBáo chí quốc tế chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến“Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”Tàu Trung Quốc hung hăng đâm rách tàu Việt NamĐừng đặt hòa bình vào tình trạng nguy hiểmXem video clip tàu Trung Quốc hung hăng đâm rách tàu Việt NamTàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại khu vực giàn khoan HD 981Ngư dân Lý Sơn mittinh phản đối hành động của Trung Quốc

C.V.KÌNH - TÂM LỤA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên