30/05/2014 09:48 GMT+7

Kiến nghị lãi suất cho vay đóng tàu là 3%/năm

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Ngày 29-5, tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất với đề xuất có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là vốn rẻ cho ngư dân đóng tàu vỏ thép, phát triển đội tàu cá xa bờ và yên tâm bám biển.

VytY0swW.jpg
Ngư dân Bình Định trong ngày lễ phát động xuất hành ra khơi bám biển - Ảnh: Trường Đăng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã báo cáo với Chính phủ việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, dự thảo nghị định đã tập hợp, quy định rõ hơn các chính sách đầu tư quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Đơn cử như không khống chế mức trần kinh phí đầu tư các công trình hạ tầng cảng cá, khu tránh trú bão, đồng thời khẳng định việc Nhà nước đầu tư toàn bộ các công trình cảng cá, khu tránh trú bão, không phân biệt cảng cá loại 1 hay 2 và khu neo đậu tránh trú bão ở các đảo.

Đáng chú ý, chính sách tín dụng có một số nội dung mới so với trước đây, cụ thể là: giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần; đầu tư mới hạ tầng vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản; tạo cơ chế thông thoáng trong việc sử dụng tài sản là thủy sản nuôi, tàu cá để đảm bảo vốn vay, quy định rõ các điều kiện cho vay.

Dự thảo nghị định đưa ra các mức vay vốn khác nhau cho các dự án đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với chất liệu vỏ khác nhau đáp ứng mục tiêu khuyến khích đóng mới tàu vỏ thép và vật liệu mới nhằm hiện đại hóa đội tàu cá. “Đóng mới tàu vỏ thép thì cho vay tới 90% giá trị dự án, nếu tiếp tục đóng tàu vỏ gỗ thì cho vay 70%, thời hạn vay là 10 năm (ân hạn một năm), lãi suất là 3%/năm” - ông Phát nói.

Đối với chính sách bảo hiểm, dự thảo nghị định mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng so với chính sách bảo hiểm hiện được áp dụng có hiệu quả cho khai thác và dịch vụ khai thác hải sản ở vùng Trường Sa, Hoàng Sa, DK1. Chính sách này nhằm khuyến khích, giảm rủi ro cho ngư dân tham gia đánh cá xa bờ, tăng cường sự hiện diện dân sự trên các vùng biển chủ quyền.

Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Chính phủ thống nhất về chủ trương chính sách, giao Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ ban hành. Thủ tướng khẳng định cần có chính sách khuyến khích phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, tuy nhiên với từng chính sách cụ thể phải khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tổng cầu, dư nợ tín dụng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Lập quỹ quốc gia ủng hộ ngư dân bám biển

Sáng 29-5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên - môi trường, ông Vũ Sĩ Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, cho biết trước các hành động bành trướng, ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN, đặc biệt là các hành động gây hấn với ngư dân bám biển, chương trình Tuần lễ biển và hải đảo VN diễn ra từ ngày 1 đến 8-6 sẽ phát động, kêu gọi lập và ủng hộ cho quỹ quốc gia hỗ trợ ngư dân bám biển.

Cũng theo ông Tuấn, trong Tuần lễ biển và hải đảo VN, Bộ Tài nguyên - môi trường và Ủy ban MTTQ VN sẽ phát động lập quỹ và kêu gọi góp sức ủng hộ quỹ ngư dân bám biển. (XUÂN LONG)

Bình Định: hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển

UBND tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Ngân hàng BIDV tổ chức lễ phát động “Chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển” trên các vùng biển xa của Tổ quốc và ra mắt quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Bình Định. Hơn 1.000 ngư dân và 15 tàu cá đến tham gia lễ phát động và xuất hành ra khơi đánh bắt hải sản với tinh thần quyết tâm vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi được tuyên bố thành lập, Quỹ hỗ trợ ngư dân Bình Định đã nhận được sự hưởng ứng đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân gần 3 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro khi hành nghề trên biển. Ngoài ra, BIDV cũng công bố dành 25,7 tỉ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bà con ngư dân, đồng thời tặng một tàu vỏ thép công suất 1.000CV trị giá 5 tỉ đồng cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để trang bị cho đội thanh niên xung kích đánh bắt hải sản các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

TRƯỜNG ĐĂNG - HOA KHÁ

* Ông Phạm Quang Tùng (phó tổng giám đốc BIDV):

Vốn rẻ cho ngư dân đóng tàu lớn bám biển

Nếu đóng một tàu nhỏ chỉ cần khoảng 1 tỉ đồng, trong khi chi phí để đóng tàu lớn là 5 tỉ đồng mà không có cơ chế lãi suất, cơ chế tiếp cận tín dụng ưu đãi thì chắc chắn ngư dân sẽ khó có thể vươn được ra khơi xa, bám biển. Do vậy, Ngân hàng BIDV đã đưa ra gói tín dụng 3.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay là 2%/năm, thời hạn vay 10-12 năm, tập trung cho vay đối với những tàu đánh bắt xa bờ, vỏ thép, công suất lớn 900-1.000 mã lực có giá thành 5-6 tỉ đồng.

Theo tôi, với mức lãi suất cho vay 2%/năm, ngư dân mới có động lực vay vốn để chuyển đổi từ những tàu vỏ gỗ công suất nhỏ sang tàu vỏ thép công suất lớn, chứ lãi suất 5%/năm thì ngư dân sẽ không dám vay. Ngoài chuyện vốn, một khó khăn nữa của ngư dân là không có tài sản thế chấp, do đó BIDV dự kiến nhận tài sản đảm bảo chính là ngôi nhà của ngư dân và không bắt buộc có giá trị là bao nhiêu. Thật ra chúng tôi không có ý định yêu cầu ngư dân phải thế chấp ngôi nhà của mình khi đi vay. Tuy nhiên, BIDV chỉ muốn tăng trách nhiệm của ngư dân.

Vào đầu tuần tới, BIDV sẽ tổ chức tọa đàm lấy ý kiến ngư dân ở Bình Định và Quảng Ngãi để có thể đưa tín dụng nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với ngư dân. BIDV xác định đây là nhiệm vụ chính trị, chứ không đặt vấn đề lợi nhuận ở chương trình này.

L.THANH ghi

* Ông Phùng Đình Toàn (Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi):

Đóng tàu vỏ thép cho ngư dân thuê

Ngư dân nào cũng muốn đóng tàu vỏ thép bởi nó khắc phục được một số hạn chế của tàu vỏ gỗ như có thể ra khơi xa hơn, dài ngày hơn, chống chọi với thiên tai và “nhân tai” tốt hơn, trang bị máy móc thiết bị tốt hơn, nhờ đó giúp khai thác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đóng tàu vỏ thép đòi hỏi vốn lớn, ngay cả được cho vay đến 70-80% giá trị con tàu thì ngư dân cũng không có đủ vốn đối ứng còn lại, chưa kể tiền mua sắm ngư cụ cũng lên tới hàng tỉ đồng.

Trong khi chờ cơ chế tín dụng mới của Nhà nước, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã có kế hoạch đóng tàu vỏ thép rồi cho ngư dân thuê dài hạn, khi nào ngư dân trả tiền đủ thì con tàu đó sẽ thuộc ngư dân. Trước hết là hai tàu cá vỏ thép, công suất khoảng 700 CV/chiếc với tổng kinh phí 12-13 tỉ đồng. Tàu đóng xong sẽ giao cho ngư dân, mức tiền nộp lại hằng tháng, hằng năm đang được tính toán hợp lý và có lợi cho ngư dân nhất.

V.HÙNG ghi

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên