18/12/2019 10:30 GMT+7

Kiến nghị công bố tình trạng hạn hán

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ điện quốc gia tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa; phối hợp chặt chẽ UBND các tỉnh, thành phố đề xuất với Sở NN&PTNT, công ty thủy nông địa phương có kế hoạch tưới tiêu phù hợp.

Kiến nghị công bố tình trạng hạn hán - Ảnh 1.

Hồ thủy điện Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ gần với mực nước chết. Trong ảnh: hồ Hòa Bình phía thượng lưu trước cửa xả tràn vận hành (ảnh chụp lúc 17h ngày 17-12) - Ảnh: EVN

Tình trạng khô hạn nghiêm trọng đang diễn ra tại nhiều hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La… không những ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân mà còn làm sụt giảm hàng tỉ kWh điện, đặt ra nguy cơ thiếu điện cũng như ảnh hưởng cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương - cho biết năm 2019 nước về các hồ thấp hơn nhiều so với dự kiến, như hồ Hòa Bình nước tích thấp hơn 15m, Sơn La 13m... Do đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN phải có phương thức vận hành hợp lý để đảm bảo vận hành điện năm 2020.

Theo EVN, sau đổ ải, mực nước hồ Hòa Bình sụt giảm xuống 84,5m, việc nâng mức nước hồ Hòa Bình phụ thuộc vào vận hành hồ Sơn La. Dự kiến hồ Sơn La sẽ điều tiết xuống mực nước chết vào thời điểm giữa tháng 5, nhưng ở thời điểm đó hồ Hòa Bình sẽ không còn đảm bảo để vừa phục vụ nông nghiệp vừa cấp nước cho Hà Nội. 

Do đó, sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 dự kiến so với nhu cầu là 100 triệu kWh. Tình hình này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6, do hồ Sơn La đã về mực nước chết và không thể hỗ trợ điều tiết cho hồ Hòa Bình. Lượng điện dự kiến thiếu hụt trong tháng 6 là 300 triệu kWh.

Để khắc phục tình trạng trên, EVN cho biết đã có văn bản kiến nghị gửi các bộ ngành liên quan để cân đối đủ nguồn nước, cấp nước hạ du và cấp điện. Trong đó, EVN đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang vận hành đúng quy định, lưu lượng xả xuống nhỏ hơn quy trình và duy trì mực nước thấp hơn. 

Bộ NN&PTNT giảm số ngày xả lấy nước cho vụ đông xuân, đồng thời cần công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước và có giải pháp khắc phục như lắp đặt trạm bơm dã chiến để lấy nước từ sông Hồng; Bộ Công thương ban hành chỉ thị về tiết kiệm điện trong tình huống đặc biệt của mùa khô.

Ông Tuấn cho biết đã đề nghị các bên phối hợp, như Bộ NN&PTNT có các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm nhất, ví dụ nâng công suất các trạm bơm. Các tỉnh tính toán ngày giờ để xả nước tiết kiệm tối đa; bằng nhiều giải pháp kỹ thuật giảm thiểu thời gian xả nước đổ ải xuống hạ du; đôn đốc tuyên truyền sử dụng nước hiệu quả, có giải pháp nạo vét kênh mương, tận dụng nguồn nước.

Đối với ngành điện, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0) tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố đề xuất với sở NN&PTNT, công ty thủy nông địa phương có kế hoạch tưới tiêu phù hợp. Trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền ban bố tình huống đặc biệt.

"Phương thức vận hành điện phải hết sức linh hoạt, tình huống xấu thì phải có giải pháp thay thế các nguồn nhà máy thủy điện. Hiện nước về các hồ không đồng đều. Năm 2020 cũng gặp khó khăn khi nguyên liệu đầu vào như than, khí khó khăn. Bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho năm sau" - ông Tuấn cho biết tới đây sẽ ban hành chỉ thị mới về tiết kiệm điện. 

Quảng Nam hụt thu ngân sách vì ô tô bán chậm, thủy điện thiếu nước Quảng Nam hụt thu ngân sách vì ôtô bán chậm, thủy điện thiếu nước

TTO - Hai nguồn thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước trung ương đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nguồn thu ngân sách của Quảng Nam giảm so với năm 2018.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên