28/11/2013 09:08 GMT+7

Kiên Giang từ chối cảng biển quốc tế An Thới

KHOA NAM
KHOA NAM

TT - Kiên Giang chưa chịu tiếp nhận cảng biển quốc tế An Thới (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) dù Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc để tính chuyện bàn giao cho địa phương quản lý.

Ngày 27-11, ông Phạm Vũ Hồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết mặc dù Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc để tính chuyện bàn giao cảng biển quốc tế An Thới (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cho địa phương quản lý, nhưng sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, địa phương xác định trước mắt chưa thể tiếp nhận cảng này.

TMfDhC42.jpgPhóng to
Đường vào cảng An Thới - Ảnh: K.Nam

Lý do: lo ngại khai thác không hiệu quả, dẫn đến thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng cảng.

Cảng biển quốc tế chủ yếu đón... tàu cá

Theo quyết định 633 ngày 11-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”, cảng An Thới được xác định là cảng tổng hợp quốc tế với quy mô hàng hóa thông qua cảng 500.000-700.000 tấn/năm, hành khách thông qua cảng 360.000 lượt khách/năm. Trong hệ thống cảng biển Phú Quốc theo quyết định 633, cảng An Thới được quy hoạch sớm nhất và triển khai xây dựng sớm nhất. Bên cạnh đó là cảng du lịch quốc tế nước sâu tại vịnh Đất Đỏ, cảng hàng hóa Vịnh Đầm công suất 1-1,5 triệu tấn hàng hóa/năm và các cảng du lịch tại Bãi Vòng, Hòn Thơm, Bãi Trường, mũi Móng Tay, Rạch Vẹm, Đá Chồng.

Báo cáo bàn giao của Cục Hàng hải Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) cho biết cảng An Thới có tổng mức đầu tư 157,92 tỉ đồng sử dụng vốn trái phiếu chính phủ theo chương trình biển Đông - hải đảo. Dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu xong vào tháng 8-2012 với hai hạng mục chính là bến cảng 3.000 DWT và bến phao, nạo vét, phao tiêu.

Ông Đỗ Hồng Thái, phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết đến nay Bộ GTVT đã phê duyệt phương án quản lý khai thác cảng An Thới, đồng thời Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn bên thuê khai thác cảng theo quy định, dự kiến kết quả đấu thầu sẽ xong trong tháng 11-2013.

“Chúng tôi dự kiến bàn giao nguyên trạng dự án cảng An Thới và nhà thầu trúng thầu khai thác về UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức quản lý. Sau đó địa phương sẽ trực tiếp ký hợp đồng cho thuê khai thác với nhà thầu. Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải” - ông Thái nói.

Trong khi đó, với tư cách là đại diện đơn vị tiếp nhận tạm thời cảng An Thới từ tháng 4-2011, ông Nguyễn Đình Việt - giám đốc Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) - lại than thở từ khi khai thác tới nay chỉ có các tàu nước ngoài chở nhựa đường và sà lan chuyên dụng phục vụ xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc.

“Gần đây mới có thêm một sà lan và ba tàu kéo nước ngoài vào làm thủ tục nhập cảnh để thi công dự án điện ngầm Hà Tiên - Phú Quốc. Tổng số phí cảng thu được từ 39 lượt tàu, 19 lượt sà lan và ba tàu kéo ra vào cảng chỉ vỏn vẹn trên 582,8 triệu đồng. Hiện tại gần như toàn bộ khu vực bến cảng 3.000 DWT chỉ có tàu cá và tàu hàng loại nhỏ của người dân địa phương neo đậu” - ông Việt cho hay.

W5LSZKIH.jpg
Hiện tại chủ yếu chỉ có tàu cá neo đậu tại cảng An Thới - Ảnh: K.Nam

Lo nhà thầu bỏ của chạy lấy người

Theo ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cái khó lớn nhất của cảng An Thới là thiếu đường kết nối với trục giao thông nam - bắc đảo. “Hiện tại muốn vào cảng phải len lỏi qua một khu chợ nhỏ giữa khu dân cư đông đúc, xe tải trọng trung bình đã đi không lọt chứ chưa nói tới xe tải trọng lớn chở hàng ra vào cảng” - ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, vị trí quy hoạch xây dựng cảng biển quốc tế An Thới cũng không ổn lắm, khi một bên là cảng quân sự của Hải quân vùng 5 và Vùng cảnh sát biển 4, phía còn lại là cảng cá truyền thống của người dân địa phương.

Chưa hết, ông Nguyễn Đình Việt còn nêu một loạt nguyên nhân khác khiến cảng An Thới bị... ế. Trên địa bàn Phú Quốc hiện còn một số cảng tạm đang hoạt động theo chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang. Hơn nữa, cảng An Thới ở phía nam đảo, trong khi các công trình xây dựng trọng điểm lại chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm và phía bắc đảo khiến đường sá vận chuyển xa, một số cầu tải trọng thấp không đáp ứng. Về mặt thời tiết, tàu bè chủ yếu ghé cảng Bãi Vòng, chỉ khi có gió mùa đông bắc hoặc cảng Bãi Vòng quá tải mới cần tới cảng An Thới.

Ông Lâm Minh Thành nhấn mạnh nếu không có đường đấu nối thì khó mong khai thác cảng có hiệu quả. “Vừa rồi chúng tôi nhờ ngành giao thông tạm tính chi phí đền bù, giải tỏa tuyến đường dẫn từ trục nam - bắc đảo vào tới cảng đã trên 1.000 tỉ đồng. Số tiền này ngân sách địa phương hoàn toàn không kham nổi. Trong khi quy hoạch ban đầu của cảng lại quên... phương án đấu nối giao thông. Giả sử tới đây giao cho nhà thầu khai thác, địa phương quản lý, nhưng lỡ như khai thác không hiệu quả nhà thầu... bỏ của chạy lấy người thì địa phương biết phải làm sao?” - ông Thành nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Hồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết trước mắt tỉnh đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam hoàn tất thủ tục chọn thầu, đồng thời hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật trước khi bàn giao. UBND tỉnh cũng đã giao các sở ngành và chính quyền huyện Phú Quốc tiếp tục cho ý kiến đóng góp, sau đó sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có tiếp nhận cảng An Thới hay không.

Yêu cầu Kiên Giang quy hoạch lại Phú Quốc

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng cùng đối tác Singapore rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc. Việc điều chỉnh quy hoạch phải xem lại quy mô các khu phức hợp chất lượng cao theo hướng hiệu quả, hướng tới đô thị đảo bền vững, giữ gìn tài nguyên môi trường.

Cùng đó, UBND tỉnh Kiên Giang được yêu cầu phải kiên quyết xử lý, thu hồi các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, kéo dài... Thủ tướng cho phép đẩy nhanh các dự án giao thông trục chính bắc - nam, đường vòng quanh đảo trên quy mô đã duyệt. Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cần khẩn trương xây dựng đề án xây dựng khu hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc, Kiên Giang theo hướng thu hút mạnh đầu tư để trình Bộ Chính trị. Việc xây Khu công nghiệp Singapore tại Phú Quốc, Thủ tướng giao phải tham khảo kinh nghiệm Bình Dương, tập trung vào công nghiệp sạch, gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định. Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý chủ trương chuyển khu vui chơi casino 135ha từ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm đến vị trí khác...

C.V.Kình - L.C.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên