14/02/2013 15:00 GMT+7

Kiếm Tây Sơn về đất Tây Sơn

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTXuân - Trên căn gác đầy ắp những cổ vật sưu tầm được, ông Lâm Dũ Xênh (ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) dành hẳn một chiếc bàn lớn để bày biện lô kiếm Tây Sơn mà ông may mắn sưu tầm được cách nay không lâu.

V7g3h5oj.jpgPhóng to

Những thanh kiếm luôn làm ông Xênh hồi nhớ lịch sử Tây Sơn hào hùng một thuở

Trân trọng vật quý từ một triều đại chống ngoại xâm hiển hách trong lịch sử dân tộc, ông Xênh bó kiếm thành nhiều bó bằng vải đỏ, đặt lư hương, giá đèn ngay trên bàn kiếm để hương khói mỗi tháng đôi ba lần...

Hiến tặng kiếm cho các bảo tàng

“Tui mới đi tặng kiếm Tây Sơn cho các bảo tàng ở tám tỉnh miền Tây Nam bộ một tuần, mới về ba hôm nay. Đi dài ngày cực, tốn kém nhưng thỏa lòng. Đem được những cây kiếm này tặng các bảo tàng trưng bày để nhiều người thấy được, biết được quân Tây Sơn ngày trước đã dùng khí giới nào để chống giặc ngoại xâm đem lại thắng lợi cho dân tộc mình, mình sướng lòng lắm”- ông Xênh hồ hởi.

Việc hiến tặng kiếm Tây Sơn cho các bảo tàng đã được ông Lâm Dũ Xênh nghĩ đến sau ngày ông sưu tầm được lô kiếm quý này. “Phải đưa kiếm nhà Tây Sơn về cho đất Tây Sơn” - ông Xênh quyết tâm như vậy. Mở đầu cho việc hiến tặng kiếm Tây Sơn, cuối tháng 11-2011, ông Xênh đã tặng Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) 21 thanh kiếm.

“Tui thật thỏa lòng thỏa dạ khi Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức lễ tiếp nhận kiếm Tây Sơn thật long trọng. Ngoài các cán bộ chuyên ngành còn có ông bí thư tỉnh ủy đến dự. Họ trân trọng lịch sử đến mức đó hỏi mình không cảm động sao được. Tui nghĩ người dân quanh đó thấy vậy sau này có đào được vật gì của nhà Tây Sơn chắc họ cũng đem đến hiến cho bảo tàng thôi” - ông Xênh kể.

Sau đó, ông Xênh lần lượt tặng kiếm Tây Sơn cho bảo tàng quân đội, bảo tàng các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế. Để một số bảo tàng ở ba miền đất nước đều có kiếm Tây Sơn trưng bày cho nhiều người ngắm xem, nghiên cứu, ông Xênh lên kế hoạch hiến tặng thêm cho một số bảo tàng nữa. Chỉ trừ Bảo tàng Quang Trung - mảnh đất nhau rốn, nơi phát tích của nhà Tây Sơn - được ông tặng 21 thanh kiếm, những bảo tàng khác đều được ông tặng 9 thanh kiếm bởi theo ông, “số 21 là con số giềng mối, còn số 9 là con số tốt”.

“Được tin nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh có nhã ý hiến tặng Bảo tàng Quang Trung một số kiếm được cho là của quân Tây Sơn, bộ phận nghiệp vụ của bảo tàng chúng tôi đã tiến hành xem xét và xác định đây chính là kiếm của quân Tây Sơn. Về cơ bản, số kiếm này giống với những thanh kiếm Tây Sơn mà Công ty xây dựng Minh Đức đã tặng Bảo tàng Quang Trung năm 2007.

Địa điểm tìm thấy lô kiếm là An Khê (tỉnh Gia Lai) - vùng cư dân Ba Na chủ yếu lúc bấy giờ, được gọi là vùng Tây Sơn thượng đạo, cũng là yếu tố cho thấy đây là kiếm Tây Sơn. 21 thanh kiếm Tây Sơn này là những hiện vật lịch sử quý báu, bổ sung cho bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Quang Trung, phục vụ việc tham quan, nghiên cứu” - ông Châu Kinh Tú, giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết.

FGOzcGCb.jpgPhóng to

Dù bị chôn vùi dưới đất hơn 200 năm, lô kiếm 250 thanh được ông Xênh sưu tập vẫn còn dễ nhìn, phần chuôi bằng đồng còn khá chắc - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Không bán, không giữ cho riêng mình

“Một cơ duyên hiếm có” - ông Xênh nói đi nói lại nhiều lần về việc ông được thông tin có người bán lại lô kiếm Tây Sơn 250 thanh này cách nay gần năm năm. “Tui dông tuốt vô tận Bình Định một hơi. Họ hô bao nhiêu tui rút tiền đưa bấy nhiêu. Cũng không rẻ, nhưng cũng không đắt khi mình biết giá trị lịch sử của hiện vật. Nói thật, lúc đó họ có đòi cao hơn nữa tui cũng mua. Ngay trong lúc nhìn nhận ra hiện vật tại nhà chủ bán, tui đã nghĩ ngay đến việc mua để hiến tặng chứ không buôn bán, không giữ riêng cho mình lô kiếm này” - ông Xênh tâm sự.

Với am hiểu của người sưu tầm cổ vật, ông Xênh kể khi nghe người bán nói lô kiếm này được một người rà tìm phế liệu đào được ở vùng An Khê, ông đã tự tin đây là khí giới của quân Tây Sơn. 250 thanh kiếm với 98% là kiếm ngắn, dài từ 30 - 50cm tính cả chuôi (cán), còn lại chỉ dăm bảy thanh kiếm dài có thể gọi là giáo, mác. Hơn 200 năm nằm dưới đất, lưỡi kiếm sắt dù bị han gỉ vẫn chưa bị hư hại nhiều, chưa bị biến dạng, phần chuôi bằng đồng bị ten xanh nhưng cả đến lỗ nhỏ để buộc dây ở cuối chuôi vẫn còn nguyên, phần đầu chuôi đều được tạo hình hoa mai tám cánh.

Với chủ trương xóa sạch mọi dấu tích nhà Tây Sơn của triều Nguyễn, lại thêm thời gian trôi qua khá dài, binh khí Tây Sơn, nhất là kiếm, là những vật hiếm hoi được tìm thấy. Ở vườn Dinh - nơi luyện voi và tượng binh của nữ tướng Bùi Thị Xuân, ở bên dưới Bảo tàng Quang Trung, người dân đã tìm thấy một thanh trường kiếm.

Còn ở thành Hoàng Đế (huyện An Nhơn, Bình Định) cũng đã phát hiện được những lò rèn binh khí của quân Tây Sơn. “Nay với lô kiếm Tây Sơn mà nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh sưu tầm được từ An Khê, có thể nói tại những di chỉ nhà Tây Sơn có thể còn tiềm ẩn nhiều di vật của triều đại này” - bà Nguyễn Thị Thìn, phó giám đốc Bảo tàng Quang Trung, nhận xét.

“Tui đã xúc động khi nhìn từng thanh kiếm, nghĩ đến những dân binh đã rèn, đã cầm nó để hành quân, để đánh giặc ngoại xâm. Cũng vì vậy nên tui mới dự tính tặng một số bảo tàng ở ba miền để người dân ở mỗi nơi, nhất là lớp trẻ, có thể thấy binh khí Tây Sơn, cách chiến đấu để thắng giặc của quân Tây Sơn...” - ông Xênh giãi bày. Chính cái tâm cảm đó đã khiến ông khước từ sự chào mua giá cao của vài người sưu tầm đồ cổ nước ngoài muốn “sở hữu trọn gói” lô kiếm này.

Với dự tính sẽ lập bảo tàng tư nhân, ông Xênh nói ông cũng chỉ giữ lại cho bảo tàng tương lai của mình 9 thanh kiếm - bằng số kiếm mà ông đã hiến tặng các bảo tàng.

Kiếm là loại binh khí chủ yếu của quân Tây Sơn, trong đó kiếm ngắn - đoản kiếm - chiếm đa số, tiện dụng cho quân binh đánh cận chiến. Trong khi kiếm của người Lào cùng thời - thế kỷ thứ 18 - có lưỡi cong, có bao đậy, thì kiếm Tây Sơn phần lớn có lưỡi thẳng, không có bao đậy, có chuôi (cán) bằng đồng, đầu chuôi có hình hoa mai, cuối chuôi có lỗ để buộc dây. Đây là loại khí giới thông dụng, dễ chế tác, gần gũi với tầng lớp nông dân tham gia nghĩa binh, trở nên là loại binh khí lợi hại, góp phần làm nên những chiến công lớn của quân Tây Sơn.
HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên