25/02/2011 06:40 GMT+7

Kiềm chế lạm phát, lo an sinh xã hội

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 24-2, Chính phủ đã họp với các địa phương để triển khai nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nếu làm tốt sẽ vượt qua khó khăn.

* Không thả nổi, dùng mọi nguồn lực để ổn định tỉ giá

esvEB3LE.jpgPhóng to
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương phải tập trung quản lý không để đầu cơ đẩy giá, nhất là lương thực thực phẩm, sữa... - Ảnh: N.C.T.

“Trong hai tháng đầu năm 2011, giá cả tăng cao gần 3,8%. Vì vậy bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như trên tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh thành ngày 24-2.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Nếu làm tốt các giải pháp thì chúng ta sẽ vượt qua khó khăn”.

Rà soát lại đầu tư công

Trước đó, đề cập vấn đề vì sao đang chống lạm phát mà vẫn điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Do giá điện và giá xăng dầu hiện nay đều hạch toán dưới giá thành. Nguyên tắc điều chỉnh đối với giá xăng dầu lần này là điều chỉnh một bước, Chính phủ sẽ tính toán bước thứ hai vào thời điểm thích hợp, khi các biện pháp chống lạm phát có kết quả”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết cụ thể: “Ngành điện và xăng dầu đang lỗ lớn, nhưng việc điều chỉnh sẽ được thực hiện từng bước để không gây sốc cho nền kinh tế”. Theo ông Ninh, qua tính toán ban đầu việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu sẽ tác động vào chỉ số giá tiêu dùng khoảng 2%. Dự báo giá điện phải đến hết năm 2012 mới hoàn toàn theo thị trường, còn giá xăng dầu lẽ ra đến cuối năm 2009 phải theo thị trường nhưng đến cuối năm 2010 đã kìm lại, lần này tiếp tục đi theo thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết bộ đã có văn bản gửi đến các địa phương về việc rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Đối với vốn viện trợ phát triển và đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giải ngân tối đa vì đây là nguồn thu ngoại tệ, tuy nhiên đầu tư trực tiếp nước ngoài thì xem cụ thể đối với từng dự án, đối với các dự án bất động sản để bán nền nhà thì không khuyến khích mà khuyến khích những dự án thật sự đưa USD vào Việt Nam. Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ thành lập chín đoàn đi kiểm tra các vấn đề nêu trên, trong đó có hai đoàn kiểm tra khối doanh nghiệp nhà nước, đến ngày 31-3 sẽ có báo cáo kết quả rà soát.

Về đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết với việc Nhà nước cấp 30.000 đồng/tháng/hộ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo trong quyết định tăng giá điện, bộ này sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kịp thời chuyển tiền phân bổ về các địa phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Các cơ quan chức năng phải có cách làm thế nào để tiền hỗ trợ đến trước, chứ không để người dân đóng tiền điện rồi mà tiền hỗ trợ chưa xuống đến nơi”.

Lo lãi suất cao

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành đều thống nhất với những giải pháp được nêu trong nghị quyết của Chính phủ, đồng thời đóng góp thêm một số vấn đề từ thực tế địa phương. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là lãi suất, mặc dù lãi suất cao sẽ góp phần chống lạm phát nhưng lại đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nói tình hình trên địa bàn hiện nay có vấn đề khó nhất là chi phí đầu vào đối với sản xuất kinh doanh tăng, nguyên liệu chế biến xuất khẩu chưa ổn định, nhất là cá da trơn, “hiện giá cá tăng nhưng nguyên liệu thiếu”... Cần Thơ đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản, giúp tiêu thụ hàng hóa của nông dân tốt hơn.

Điều hành tỉ giá linh hoạt

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ phải đi liền với ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ... Thủ tướng cho rằng lạm phát cao nên lãi suất chưa thể giảm xuống ngay, nhưng cùng với việc kiềm chế lạm phát thì thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải điều hành giảm dần lãi suất, “lãi suất là công cụ kiềm chế lạm phát, cần thực hiện công cụ này có hiệu quả”. Thủ tướng nói ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp. “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét việc các nước đã đặt ra khống chế tiền lương, tiền thưởng của các ngân hàng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định việc điều hành tỉ giá ngoại hối linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, trong đó Chính phủ sẽ huy động và sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỉ giá theo quy định, dứt khoát không thả nổi tỉ giá, không để chợ đen chi phối thị trường ngoại hối, “chúng ta đủ nguồn lực, đủ giải pháp và đủ công cụ pháp luật để làm được điều này”. Chính phủ dứt khoát yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước phải bán ngoại tệ có được cho Ngân hàng Nhà nước .

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập việc Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc kiểm soát ngoại hối vì đây là an ninh kinh tế, “không để xảy ra việc mua bán công khai các hàng hóa trên thị trường Việt Nam, thậm chí tới thịt mà cũng tính bằng USD. Việc này đã có luật pháp quy định. Bên cạnh đó, những tổ chức, đại lý thu đổi ngoại tệ phải thực hiện theo đúng pháp luật, rút giấy phép đối với những nơi có vi phạm”.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng nói giảm bội chi chính là giảm tổng cầu để giảm lạm phát, từ đó giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Về phía UBND các địa phương phải tập trung quản lý không để đầu cơ đẩy giá lên, nhất là với các mặt hàng như lương thực, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa.

Số dư tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp còn 21 tỉ USD

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói các giải pháp đề ra trong nghị quyết cần 6-9 tháng để phát huy hiệu quả.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Phải làm cho đồng tiền thông thoáng, dùng các công cụ chính sách tiền tệ để tạo ra thanh khoản bình thường. Ví dụ hiện nay số dư tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại còn tới 21 tỉ USD, tại sao lại để tình hình ngoại tệ căng thẳng vì doanh nghiệp giữ không bán, sợ lại có sự điều chỉnh. Như vậy ngân hàng phải minh bạch để tạo ra sự bình ổn, tạo niềm tin, từ đó doanh nghiệp bán ngoại tệ và đồng tiền “chạy”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên