18/04/2018 12:51 GMT+7

Khủng hoảng Syria: các nước dàn xếp hậu không kích

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Sau màn không kích rồi khẩu chiến, các nước ngày 17-4 đang ra sức đẩy nhanh các động thái bố trí lại lực lượng, dàn xếp tiến trình chính trị tại Syria.

Khủng hoảng Syria: các nước dàn xếp hậu không kích - Ảnh 1.

Một đứa trẻ Syria nhận bánh mì ở thị trấn Douma, tâm điểm của cuộc khủng hoảng gần đây - Ảnh: REUTERS

Khẩu chiến vẫn tiếp diễn trong ngày 17-4 khi Nga cảnh báo Mỹ không nên vượt qua lằn ranh đỏ, trong khi phương Tây cân nhắc trừng phạt Matxcơva, Damascus, hay các thông tin gây nhiễu về một đợt tấn công mới ở Syria, cản trở cuộc điều tra vũ khí hóa học ở Damascus... 

Nhưng đằng sau đó, Nga tiết lộ kế hoạch "củng cố an ninh" cho Syria bằng tên lửa S-300, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mời lực lượng Ả Rập thay Mỹ bình ổn đông bắc Syria.

Tên lửa S-300

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev tuyên bố Nga sẽ thể hiện lập trường cứng rắn nếu Washington vượt "lằn ranh đỏ" trong vấn đề Syria, cho rằng cuộc khủng hoảng tại Syria hiện đang làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga - Mỹ.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 17-4 cho biết Nga sẵn sàng xem xét tất cả các phương án "củng cố an ninh" của Syria, kể cả việc cung cấp tên lửa đất đối không S-300. "Vài năm trước, chúng tôi quyết định không cung cấp hệ thống S-300 cho Syria. Bây giờ chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn để đảm bảo an ninh cho Syria sau hành động công kích thái quá của Mỹ, Pháp và Anh" - ông Lavrov trả lời Đài BBC. 

Phát biểu này xác nhận lại một tuyên bố của cục trưởng Cục chỉ huy tác chiến Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga về việc chuyển tên lửa S-300 cho Syria và một số nước khác.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 có tầm bắn trung bình có khả năng đánh bại những mục tiêu khác nhau ở khoảng cách 200km, có thể sử dụng chống lại các mục tiêu khí động lực học và đạn đạo. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chính hệ thống phòng không do Nga sản xuất đã giúp Syria bắn rụng 71 trên 103 tên lửa của Mỹ.

Liên quan đến việc Anh chỉ trích Nga ngăn cản cuộc điều tra vũ khí hóa học ở Syria, Matxcơva tuyên bố các điều tra viên quốc tế của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học sẽ được tiếp cận hiện trường tại Douma ngày 18-4. 

Tuy nhiên, giữa lúc niềm tin bị tổn hại nghiêm trọng, Mỹ vẫn lo ngại Nga can thiệp vào các bằng chứng dù Matxcơva đến nay giữ vững lập trường rằng không có vụ tấn công hóa học nào. Bộ Quốc phòng Nga ngày 16-4 cho rằng mục đích của phương Tây là các cơ sở quân sự của Syria chứ không phải phản ứng với vụ tấn công.

Khủng hoảng Syria: các nước dàn xếp hậu không kích - Ảnh 2.

Ông Bashar Jaafari (trái), đại diện thường trực của Syria ở LHQ, cùng Đại sứ Nga Vasily Nebenzya, trong phiên họp của HĐBA LHQ tại trụ sở LHQ ở New York, (Mỹ) ngày 17-4 - Ảnh: REUTERS

Mỹ tìm người thế chân

Trong khi đó, Wall Street Journal ngày 17-4 dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin Washington đang lên kế hoạch tập hợp một lực lượng Ả Rập tại đông bắc Syria để thay Mỹ ổn định khu vực này sau khi đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thông tin này trùng khớp với tuyên bố trước đó của ông Trump rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria "càng sớm càng tốt".

Cụ thể, cố vấn an ninh mới của ông Trump là John Bolton mới đây đã liên lạc với chỉ huy tình báo Ai Cập để đề xuất Cairo tham gia lấp "khoảng trống an ninh". Ngoài ra, Washington cũng muốn các nước như Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) gửi quân đến Syria bên cạnh đóng góp tài chính để khôi phục quốc gia Trung Đông này. 

Tuy nhiên, việc thành lập lực lượng mới sẽ là một thách thức bởi "Saudi Arabia và UAE đang can dự quân sự tại Yemen, trong khi Ai Cập sẽ ngần ngại bảo vệ lãnh thổ không thuộc kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad" - theo chuyên gia cấp cao Charles Lister của Viện Trung Đông, Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) cũng có những đối sách riêng. Tuyên bố chung của EU ngày 17-4 cho biết đang cân nhắc "các biện pháp giới hạn hơn chống lại Syria" như cập nhật danh sách các cá nhân và tổ chức của Syria đang bị cấm vận, gây sức ép lên những nước chống lưng cho Damascus như Nga và Iran. 

Tuy nhiên song song đó, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển cũng tuyên bố tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria trước thềm hội nghị của nhóm vào ngày 22-4 tại Canada. Trước đó, châu Âu kêu gọi thúc đẩy tiến trình chính trị để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.

Tên lửa lại nã xuống Syria?

Truyền thông các nước Trung Đông ngày 17-4 đưa tin hệ thống phòng thủ của Syria đã bắn hạ các tên lửa nhắm vào sân bay Dumair gần thủ đô Damascus. Trước đó, có tin căn cứ quân sự Shayrat ở Homs cũng bị tấn công bằng tên lửa. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một chỉ huy quân sự của Syria cho biết đó chỉ là báo động giả từ lỗi trong hệ thống phòng không của nước này do "tấn công điện tử" của Israel và Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên