Phóng to |
Thiếu tá Nguyễn Hữu Tôn - một trong số sáu người ở nhà giàn 2A còn sống sót trở về - Ảnh: Bùi Thanh |
Kỳ 1: Họ ở đó, 20 mùa dông bãoKỳ 2: Những người đầu tiênt…”Kỳ 3:Đương đầu cùng bão biểnKỳ 4:Đêm xé lòng: 2A đâu? 2A...
Lao xuống biển, cờ Tổ quốc không rời
16g ngày 12-12-1998, trên vùng biển thềm lục địa phía Nam không còn hình bóng một con tàu. Tất cả đã đi tránh bão, chỉ còn lại những nhà giàn cô đơn. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít giật ầm ầm. Càng về chiều sóng càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm trạm rung lắc mạnh. Tất cả các cửa hướng đông của nhà giàn đều được đóng kín, vì lúc đó anh em chỉ cần sơ sẩy là gió hất tung xuống biển.
Chỉ huy nhà giàn là đại úy Vũ Quang Chương, 30 tuổi, người Thái Bình. Chương bình tĩnh động viên anh em, phân công từng người lo chuẩn bị áo phao cá nhân, phao bè, lương khô, thuốc men, dây ròng rọc... để sẵn sàng rời nhà giàn lao xuống biển. Đến khoảng 18g30, một cơn sóng cực lớn đánh trùm lên nhà giàn làm nó nghiêng hẳn một bên, lắc lư chao đảo. Tình thế lúc này cực kỳ nguy kịch.
Những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, chiếc tivi trên bàn rơi xuống, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế chạy đi chạy lại, máy phát bị chập, điện tắt ngấm. Trung úy Nguyễn Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn phao cứu sinh và chân giường tránh va đập, liền bị toàn bộ giá gạo đổ sập xuống vai. Hoàng Xuân Thủy thì bị chiếc tủ sắt đổ vào người toạc máu ở bụng.
Sóng mỗi lúc một to, tất cả chín anh em đã mặc sẵn áo phao, lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển vẫn tìm thấy nhau, chết vẫn còn xác. Mỗi khi có cơn sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, họ lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều chỉ là hi vọng. Nhà giàn càng lắc lư chao đảo mạnh theo từng cơn sóng dữ. Mọi người hiểu là có thể phải hi sinh, nhưng rất bình tĩnh, không ai nao núng, đôi khi còn nở những nụ cười lạc quan và trêu nhau chuyện này chuyện nọ. “Nhưng thật ra lúc đó trong tim chúng tôi đang chảy máu. Muốn khóc mà không khóc được”, thiếu úy Thủy nhớ lại.
Sau khi nhận được lệnh cuối cùng từ sở chỉ huy, đại úy Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao!”. Dù được lệnh như vậy nhưng những người lính hải quân M71 vẫn kiên cường không rời nhà giàn, quyết bám trụ đến phút cuối cùng. Họ hiểu không ai bỏ nhà giàn mà đi khi chưa đổ. Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ. Nhà giàn không trụ được nữa. Đại úy Chương lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển trước, gồm trung úy Nguyễn Văn Hoan, sĩ quan quân y Nguyễn Hữu Tôn, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng...
Chương và Thủy bật khỏi nhà giàn sau cùng. Anh Thủy kể: “Tôi mang theo một súng tín hiệu và sáu viên đạn, các tài liệu mật của ngành thông tin rồi lên máy lần cuối. Nói xong lời vĩnh biệt đất liền, tôi ôm bao gạo nhảy xuống biển mà vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng gào thét của đồng đội từ nhà giàn Phúc Nguyên 2B phát qua máy Icom: “Thủy ơi, nhảy đi... Nhảy đi, nhà đổ rồi, nhảy đi!...”.
Riêng đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn không quên bổn phận của một chỉ huy, của một người lính đối với đồng đội và Tổ quốc. Trước khi rời nhà giàn, anh cẩn thận đóng tất cả cửa lại, vì nếu nhà giàn đổ thì anh em không bị nước xoáy hút vào trong, không thoát ra được. Rồi Chương nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo. Nhà giàn đổ, anh cùng Thủy lao xuống biển và không hề biết đó là những giây phút cuối cùng của đời mình.
Lúc đó là 3g50 phút ngày 13-12-1998.
Phóng to |
Bàn thờ Vũ Quang Chương - người chỉ huy nằm lại mãi dưới thềm lục địa cùng lá cờ Tổ quốc - ở quê nhà Thái Thụy (Thái Bình) - Ảnh: Lê Đức Dục |
14 giờ bập bềnh trên sóng dữ
Thiếu úy Hoàng Xuân Thủy kể: “Lúc chúng tôi lao khỏi nhà giàn trời tối đen như mực, không nhìn thấy gì. Rồi tôi nghe anh Vũ Quang Chương cố gào lên: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè. Nhanh chóng ra khỏi vòng xoáy!”. Ngay lúc đó một cơn sóng lớn ập đến. Anh Chương, An và Hồng bị hất tung, không bám vào dây được nữa. Thật nguy hiểm! Tôi chỉ nghe được những tiếng cuối cùng của anh Chương: Thủy ơi, cứu anh... Bám chặt vào dây em ơi...”. Rồi kể từ đó ba anh mất hút vào đêm đen”.
Còn tốp nhảy xuống đầu cũng bị sóng đánh tan tác. Thiếu tá Tôn kể lại: “Phao cứu sinh bị vỡ ngay khi xuống nước. Tôi phát hiện la lên Hoan ơi, phao vỡ rồi... Chưa dứt lời thì bị sóng đánh bật khỏi phao”. Rất may mọi người sau đó bám được vào chiếc phao bè (loại phao cứu sinh bằng xốp, bên ngoài bọc nhôm), nhưng ngay cả chiếc phao bè cũng bị sóng đánh méo mó, đứt dây liên kết với nhà giàn, trôi tự do...
Lúc này, trong tiếng gào thét không dứt, năm người gồm Hoan, Tôn, Thủy, Dụng và Thuật bám chặt chiếc phao bè móp méo mà chống chọi với sóng cuồng bão giật. Thủy vớ được một thanh gỗ trôi, bẻ đôi làm mái chèo, nhưng thật ra chẳng biết chèo đi đâu. Đúng lúc ấy mọi người phát hiện Thơ, một đồng đội 2A, đang bám vào bao gạo và gần như kiệt sức. Thủy lao ra dìu Thơ lên phao bè. Được sáu người, còn ba người nữa đâu? Lúc này không ai biết ba anh Chương, An, Hồng đã hi sinh.
9g ngày 13-12, Hoàng Xuân Thủy lấy súng tín hiệu bắn ba phát để cấp cứu. Chờ mãi vẫn không thấy có hi vọng gì. Viên cuối cùng anh đưa cho trung úy Hoan bắn, nhưng một cơn sóng mạnh đã cướp viên đạn cấp cứu này khỏi tay anh. Vậy là họ phải tiếp tục chống chọi với sóng gió, tiếp tục trôi giạt đi. Quần áo rách tả tơi, đói, khát, lạnh, kiệt sức. Anh em chỉ biết động viên nhau rồi uống nước biển, ngậm lương khô, tỏi, gừng để cầm hơi và giữ ấm.
14 giờ trôi qua như thế. 14 giờ kiên cường, 14 giờ hi vọng và 14 giờ xao động nỗi niềm riêng. Hoàng Xuân Thủy nhớ lại mà rơi nước mắt: “Lúc đó tôi thương bố mẹ và nhớ đất liền vô cùng. Và tôi còn nhớ anh Nguyễn Văn An nói thế này “Tao chết thì..., chỉ thương vợ tao mới đẻ, tao chưa biết mặt con và tên con vẫn chưa đặt”. Còn thiếu tá quân y Nguyễn Hữu Tôn lặng đi khá lâu, mắt đỏ hoe: “Tôi không nao núng gì vì đi giữ biển là sẵn sàng hi sinh, nhưng thật nhói lòng khi nghĩ đến vợ con. Lúc ấy tôi chỉ mới đưa gia đình từ quê vào sống cạnh đơn vị ở Vũng Tàu thôi. Các con tôi còn quá nhỏ, không biết chúng sẽ ra sao khi không còn tôi”.
17 giờ 30. Trời đã chạng vạng. Thật kinh khủng nếu chiếc phao bè này trôi vào đêm tối. Họ sẽ không còn đủ sức đến ngày mai. Đúng vào lúc đó, đài chỉ huy tàu HQ 606 nghe tiếng thét nghẹn ngào của thượng úy Nguyễn Văn Minh Tông từ vị trí quan sát: “Báo cáo đài chỉ huy... Báo cáo... Có người trên phao! Có người trên phao...”.
Thuyền trưởng Lê Văn Muộn vừa khóc vừa báo về đất liền một cái tin ai cũng chờ đợi. Sáu chiến sĩ hải quân nhà giàn 2A được cứu sống và được đưa lên tàu HQ 606 lúc 18g54 ngày 13-12-1998. Còn ba người nữa! Đồng đội trên các tàu hải quân lữ đoàn 171 tiếp tục tìm kiếm ngày thứ hai, ngày thứ ba và nhiều ngày sau đó. Vẫn không tìm thấy.
Đó là Nguyễn Văn An với niềm khao khát được nhìn mặt và đặt tên đứa con trai đầu lòng.
Đó là Lê Đức Hồng, chàng trai 21 tuổi, chưa biết tình yêu là gì, với những lá thư kết bạn từ báo Tiền Phong còn nằm dưới đáy balô.
Và đó là Vũ Quang Chương, người chỉ huy nằm lại mãi dưới thềm lục địa cùng lá cờ Tổ quốc. Từ quê nhà, cha anh (cũng là một người lính thời chống Mỹ và nạn nhân chất độc da cam) đau xót vô hạn.
___________________
Kỳ tới, bạn đọc sẽ được biết câu chuyện xúc động của người cha liệt sĩ. “Các con mang về cho bác một cành san hô ngay nơi vị trí nhà giàn bị đổ để bác đặt lên bàn thờ, coi như đó là tro cốt của Chương”.
Kỳ tới: Nhành san hô trên bàn thờ liệt sĩ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận