Biển cảnh báo động vật hoang dã bên trong dự án rừng nhân tạo mới của Singapore - Ảnh: AFP
Tôi nghĩ họ đã đặt ưu tiên sai chỗ, họ đang thay thế những di sản của tự nhiên bằng những con vật bị nuôi nhốt.
Subaraj Rajathurai (chuyên gia kỳ cựu về động vật hoang dã) nói với AFP
Tuy vậy, dự án này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cũng như sự chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường.
Khi mảng xanh bị nhân tạo
Singapore nổi tiếng với nhiều công trình rừng cây nhân tạo - Ảnh: LOZ BLAIN
Mặc dù được biết đến nhiều hơn với tư cách là một trong những trung tâm tài chính sôi động của châu Á với các tòa nhà cao tầng, đảo quốc Singapore rộng chưa đầy 700km2 vẫn có các khu rừng nhiệt đới và nhiều động vật hoang dã, từ khỉ đến tê tê.
Giờ đây, sở thú Singapore và hai vườn safari nhân tạo - hai điểm đến hấp dẫn luôn thu hút du khách - đang được dọn dẹp để nhường chỗ cho một công viên các loài chim, công viên rừng nhiệt đới nhân tạo và một khu nghỉ dưỡng 400 phòng.
Chính quyền Singapore kỳ vọng dự án sẽ nâng tầm du lịch đất nước, biến nơi đây trở thành trung tâm của ngành du lịch xanh và thu hút hàng triệu du khách đổ về mỗi năm. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường và nhiều nhà hoạt động xã hội khác lại không nghĩ thế.
Hàng thập kỷ sau khi tách khỏi Malaysia, Singapore đã mở rộng đất nước thêm 1/5 nhờ vào các công trình lấn biển nhân tạo. Điều đó cho thấy ý chí không khuất phục trước lời nguyền địa lý của người Singapore nhưng không giúp xóa đi một thực tế hiển nhiên: đất nước này không hề to lớn.
Dự án ở quận Mandai đã chọc giận các nhà hoạt động môi trường Singapore. Họ tin rằng thay vì thúc đẩy đa dạng sinh học, Chính phủ Singapore lại đang áp đặt ý chí cá nhân thay cho chọn lọc tự nhiên, phá hủy môi trường sống của các loài động vật.
Họ cũng đổ lỗi cho chính quyền đã không có các biện pháp bảo vệ, ngăn cách khu vực sống của người và động vật hoang dã dẫn đến việc những con vật lao ra đường và bị xe tông chết.
"Chúng tôi không nói không phát triển dự án. Nhưng hãy chừa lại một chút gì đó cho tự nhiên và môi trường hoang dã" - ông Ho Hua Chew, phó chủ tịch Hội Thiên nhiên Singapore, chia sẻ với Hãng thông tấn AFP.
Trên hết thảy, điều họ lo lắng nhất là trước sự phát triển nhanh chóng của một Singapore tù túng không gian, những mảng xanh tự nhiên đang ngày càng bị thay thế bằng những thứ nhân tạo. "Một thập kỷ qua, chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều nhưng cũng rất nhiều khu vực xanh đã mãi mãi biến mất" - ông Ho trải lòng.
Với dự án đang được rầm rộ triển khai từ năm 2017, "có vẻ như Chính phủ Singapore đang đặt kiếm tiền lên làm mục tiêu hàng đầu hơn là tìm kiếm sự cân bằng và bảo vệ đa dạng sinh học" - ông Subaraj Rajathurai, chuyên gia kỳ cựu về động vật hoang dã, nhận xét.
Nhà đầu tư nói gì?
Những "siêu cây" trong Garden by the Bay ở Singapore là cây nhân tạo được tạo nên từ một số cây tự nhiên - Ảnh: LOZ BLAIN
Mandai Park Holdings, công ty thuộc Quỹ đầu tư công Temasek của Singapore, thừa nhận đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ các loài động vật hoang dã. Dự án đang được tiến hành một cách thận trọng trong khu vực là nhà của các động vật bao gồm vượn cáo, nai, báo hoa mai, tê tê...
Vài con trong số đó đã chết trước mũi xe khi lao đầu ra đường khiến chính quyền tiếp tục bị đổ lỗi. Các nhà bảo vệ động vật cho rằng công ty xây dựng đã không nhanh chóng dựng rào chắn ngăn cách các con đường và khu vực sinh sống của các loài động vật. "Làm cái đó quá dễ dàng, nhưng thật điên là họ lại không làm" - ông Subaraj chỉ trích.
Nhưng Mandai Park Holdings khẳng định họ đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn tình trạng động vật chết trên đường. Rào chắn hiện đã được đặt dọc theo phần lớn các con đường trong dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự định xây cầu vượt bằng dây dành cho khỉ cùng với việc đặt biển báo cho người lái xe về sự hiện diện của các loài động vật trong khu vực. Một cây cầu vượt vĩnh cửu được ngụy trang bởi cây cối tự nhiên sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay, kết nối hai phần của dự án bị chia cắt bởi một con đường.
"Chúng tôi đang thực sự làm việc với cộng đồng tự nhiên, đang cố gắng tìm ra những gì nên làm để bảo vệ các loài động vật và giữ chúng tránh xa các con đường" - giám đốc điều hành Mandai Park Holdings, ông Mike Barclay, khẳng định.
"Nó có hoàn hảo không? Không. Nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tác hại" - ông Barclay nói.
Lo ngại ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng
Mandai Park Holdings không tiết lộ chi phí của dự án. Công việc bắt đầu vào năm 2017 trên tổng diện tích 126ha và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường lo ngại không chỉ gây ra cái chết của các loài động vật trên, ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng từ khu nghỉ dưỡng 400 phòng có thể ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, mặc dù nhà phát triển khẳng định nó sẽ được thiết kế cẩn thận để hạn chế mọi tác động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận