Nền nhà cao hơn 1m so với vỉa hè và mặt đường trên phố Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Quang Thế |
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của đại diện cơ quan chức năng và các chuyên gia.
Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Cao độ nền nhà nằm trong đất xây dựng. Thông thường, trong giấy phép xây dựng phải cấp cao độ nền xây dựng để từng cá nhân tuân thủ.
Hiện nay, vẫn không có quy định chung về độ cao bao nhiêu giữa nền nhà dân và lòng đường vì phải dựa vào bản đồ thiết kế, quy hoạch để tính toán cao độ nền cho từng khu vực cụ thể.
Vì thế, chênh cao bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện địa hình, điều kiện các mối quan hệ giữa khu đất đó với khu vực xung quanh để xác định cao độ nền. Và tùy thuộc vào quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung xây dựng đô thị.
Để khống chế cao độ nền ở mức hợp lý, đồng bộ thì quy hoạch chi tiết phải tuân thủ. Trong quy chuẩn 01-2008 của Bộ Xây dựng về quy hoạch xây dựng cũng đã nói đến vấn đề này.
Ngoài ra, để đồng bộ trên một khu phố còn phải dựa vào nhiều mối quan hệ khác. Ví dụ như nhà xây dựng trước hay sau khi có đường, có phép hay không có phép. Đường được xây dựng mới hay cải tạo từ đó định hình đúng, sai để có những giải pháp phù hợp.
Ông Lương Tiến Dũng - Phó trưởng Khoa quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐH Kiến trúc Hà Nội
Khớp nối đồng bộ giữa tổng thể trong đô thị với nhau đang có “vấn đề”. Các dự án lớn ở VN đã đồng bộ nhưng ở các khu dân cư cũ xảy ra tình trạng nền nhà thấp, cao do hệ thống quy hoạch chưa được đồng bộ.
Thực trạng ta thường thấy là cốt nền ở một số khu vực dân cư cũ thấp hơn các khu đô thị mới ở xung quanh vậy nên nguy cơ ngập úng tại các khu vực cũ rất cao.
Ở một số tuyến đường, tuyến phố đã được xây dựng cách đây nhiều năm, do thời kỳ đó việc quản lý xây dựng trong đô thị còn lỏng lẻo nên hầu hết mạnh nhà nào nhà đó xây, đặc biệt là những khu vực dân cư ven đô.
Khi xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng, có quy định cốt nền nhà nhưng nhiều khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết, nên nhiều gia đình đã tự ý xây dựng với cốt nền theo nhu cầu sử dụng và theo ước đoán cốt đường sẽ được xây dựng trong tương lai.
Vậy nên, sau khi có quy hoạch và những tuyến phố được cải tạo, nâng cấp thì nhiều ngôi nhà trở nên quá thấp hoặc quá cao.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết là công tác quy hoạch.
Chúng ta cần chú ý đầu tư nhiều hơn nữa đến việc quy hoạch chi tiết các khu vực dân cư hiện hữu. Khi có quy hoạch rồi, cần tập trung, huy động các nguồn vốn đầu tư vào các khu vực này để khớp nối tốt với toàn bộ hệ thống hạ tầng của thành phố. Cùng với đó là việc cần nâng cao năng lực công tác quản lý xây dựng trên địa bàn các phường.
Một ngôi nhà tại phố Kim Mã, Hà Nội có nền thấp hơn nhiều so với vỉa hè và nền đường - Ảnh: Quang Thế |
Kiến trúc sư Trần Hùng - Giám đốc Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Trần Hùng
Đã có nhiều hợp đồng thiết kế xây dựng ở những khu vực hay xảy ra ngập lụt tôi phải giải thích để người dân hạn chế nâng nền quá cao.
Hiện nay, không chỉ Hà Nội, TP. HCM mà nhiều đô thị của VN vẫn chưa thể quy hoạch đồng bộ. Chính vì vậy, nhiều nhà dân bị trũng và khi ngập họ lại tôn đường.
Ở các quốc gia tiên tiến, mỗi khi sửa chữa đường sẽ dùng máy nạo lấy cốt đường cũ và họ luôn giữ cốt đường hiện trạng chứ không đôn đường lên.
Phải có quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước một cách tốt nhất và chỉ làm một lần để lấy cốt đường cố định. Tức là phải làm cho người dân yên tâm hết cảnh bị ngập lụt thì họ mới không làm nền nhà quá cao.
Trong trường hợp đã có quy hoạch, có cốt đường cố định nếu cá nhân nào vi phạm thì xử lý nghiêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận