Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng tại phiên thảo luận sáng 21-10 - Ảnh: VIỄN SỰ |
“Chúng ta phải làm kỹ, vì nếu luật thông qua rồi, áp dụng vào cuộc sống rồi mà vẫn còn sai sót thì lúc đó hậu quả sẽ rất lớn” |
Đại biểu DƯƠNG NGỌC HẢI - Viện trưởng Viện KSND TP.HCM |
Thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự sáng 21-10, với 141 điểm cần phải sửa đổi, theo các đại biểu ngay trong kỳ họp này khó lòng có thể chỉnh sửa hết. Nhưng số điểm cần phải sửa đổi có thể không dừng lại ở đó.
Đại biểu Lâm Đình Thắng - Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM chứng minh sự phức tạp của việc sửa đổi các điều luật.
Chỉ riêng điều 344 quy định những vi phạm trong lĩnh vực xuất bản đã có 5 điểm cần sửa đổi bởi: mâu thuẫn với luật xuất bản năm 2012; không chế tài đủ mạnh đối với hành vi in lậu; bỏ sót đối tượng cần phải xử phạt hình sự; chưa sát với thực tiễn; hình sự hóa vi phạm nghiệp vụ hành chính.
Ông Thắng phân tích: Điều 344 có quy định hình phạt cho vi phạm trong quy trình biên tập nhưng hiện nay chưa có một quy định nào trong luật về quy trình biên tập, xuất bản. Các nhà xuất bản đều tự định hình quy trình biên tập, xuất bản của riêng mình.
“Như vậy áp dụng hình sự hóa sẽ căn cứ trên quy định nội bộ của nhà xuất bản đó hay trên điều luật cụ thể nào?” - Ông Thắng đặt câu hỏi.
Ông Thắng cũng nêu Luật xuất bản 2012 đã quy định sai phạm này sẽ được xử lý hành chính, như vậy là quy định này có mâu thuẫn với luật hiện hành?
Tương tự, điều 344 cũng quy định là cơ sở in phải có xác nhận đăng ký xuất bản, trong khi luật xuất bản lại không quy định...
“Chỉ mới một điều luật thôi mà đã nhiều điểm mâu thuẫn, chưa sát với thực tế như vậy thì cả một bộ luật thì sẽ nhiều đến mức nào. Tôi không thể yên tâm nếu Bộ luật hình sự được thông qua trong kỳ họp này” - Đại biểu Lâm Đình Thắng nói.
Cùng quan điểm với đại biểu Lâm Đình Thắng, đại biểu Dương Ngọc Hải - Viện trưởng Viện KSND TP.HCM cũng khẳng định ít nhất phải sang kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2017) mới có thể sửa xong và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Đại biểu Dương Ngọc Hải phân tích: Ban đầu chỉ phát hiện 91 điểm cần sửa đổi, tuy nhiên qua góp ý thì đến nay đã có 141 điểm. Nhưng theo đại biểu Hải, cần rà soát kỹ hơn nữa vì có thể còn nhiều điểm cần sửa chưa phát hiện ra.
“Chúng ta phải làm kỹ, vì nếu luật thông qua rồi, áp dụng vào cuộc sống rồi mà vẫn còn sai sót thì lúc đó hậu quả sẽ rất lớn” - Đại biểu Dương Ngọc Hải nói.
Ngay trong phiên thảo luận tổ sáng nay tại Đoàn ĐBQH TP.HCM, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích những vấn đề còn bất cập, những điểm cần sửa đổi liên quan đến các quy định: độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; hình sự hóa pháp nhân; các quy định về tội danh ma túy...
Tất cả những quy định này đều còn các điểm gây chưa thống nhất và thời gian để chỉnh sửa chắc chắn sẽ còn khá dài.
Ủy ban Tư pháp đề nghị thông qua tại kỳ họp thứ 3 Trong báo cáo thẩm tra Dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến UBTP và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hộ trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại hai kỳ họp: Kỳ họp thứ 2 thảo luận cho ý kiến và kỳ họp thứ 3 sẽ thông qua. Quan điểm này, theo bà Nga có lý do: Dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều. Hồ sơ dự án Luật được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội chậm nên gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu sâu dự án Luật. Ngoài ra, dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy…. Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận