Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ông Vũ Hồng Thanh nói quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi. Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
“Mục tiêu đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội chưa hoàn thành” - ông Vũ Hồng Thanh đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả
Nhấn mạnh về tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã qua, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá: “Những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công; huy động qua ngân sách, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, bội chi ngân sách rất cao, nợ công tăng nhanh; hiệu quả sử dụng vốn nhà nước chưa được cải thiện đáng kể”.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém; việc sắp xếp, đổi mới khu vực kinh tế nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã phê duyệt; hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp.
Một số doanh nghiệp nhà nước có dự án đầu tư từ vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, được Chính phủ bảo lãnh thua lỗ, ngừng hoạt động, làm thất thoát, lãng phí hoặc kéo dài thi công gây bức xúc trong cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn.
Theo Chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội, đa số ý kiến ủy ban kinh tế cho rằng bài học cần lưu ý trong tái cơ cấu nền kinh tế là khâu tổ chức thực hiện, việc nâng cao nhận thức, quyết tâm của các ngành, địa phương trong chỉ đạo và đề ra cách triển khai phù hợp trong thực tiễn, từ đó cần nhận thức đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt hơn ở cả trung ương và địa phương.
Đề nghị làm rõ mô hình tăng trưởng
Trước đó, trong báo cáo về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày đã đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm, gồm:
- Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.
- Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.
- Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Đánh giá về kế hoạch này của Chính phủ, Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng do giai đoạn 2011-2015 tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra, cần thiết phải xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và cơ bản thống nhất về kế hoạch tái cơ cấu của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng, từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.
“Phải tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho. Nhanh chóng khoanh vùng xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đe dọa các thành quả kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế” -Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng 5 nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tuy nhiên cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung, nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính.
Cần rút ra bài học về tích tụ ruộng đất ở ĐBSCL Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nói từ thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn tái cơ cấu nông nghiệp, cần rút ra bài học về tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển hợp tác xã kiểu mới. Tổng kết tính hiệu quả tích tụ, tập trung ruộng đất từ mô hình cổ phần ở Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình đóng góp quyền sử dụng đất, sức lao động vào sản xuất theo quy trình canh tác của doanh nghiệp, cách tập trung ruộng đất ở Hải Phòng… Vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng do biến đổi khí hậu cũng đang trở thành vấn đề nan giải trong dài hạn, đòi hỏi sớm tái cơ cấu ngay trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trước mắt tập trung triển khai tại các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận