04/10/2014 08:23 GMT+7

Một hiệu trưởng tâm sự: Không thu thì không phát triển

H.HG. ghi
H.HG. ghi

TT - Hiện nay, nếu trường không xã hội hóa giáo dục, chỉ dùng nguồn kinh phí từ Nhà nước cấp và khoản thu trong quy định thì hoạt động giáo dục chỉ dừng ở mức tối thiểu.

Tức là giáo viên chỉ có thể dạy học sinh tập đọc, tập viết, làm toán, làm văn... bằng phấn trắng, bảng đen.

Với cơ chế xã hội hóa giáo dục như hiện nay, hiệu trưởng đang chịu rất nhiều áp lực.

Tôi khẳng định: không hiệu trưởng nào muốn đi huy động tiền bạc từ phụ huynh rồi lo mua sắm, sửa chữa, tu bổ cái này cái kia. Tất cả hiệu trưởng đều mong ước trường mình được trang bị các phương tiện dạy học đầy đủ, hiện đại để họ chuyên tâm lo về chuyên môn.

Với điều kiện ngân sách eo hẹp như hiện nay, các hiệu trưởng đều phải “sáng tạo”, phải nhờ phụ huynh để chăm lo cho công tác dạy và học.

Tôi lấy ví dụ: nhà vệ sinh của trường xuống cấp, học sinh sợ quá không dám vào. Nếu nhà trường lập kế hoạch xin ngân sách sửa chữa thì phải trải qua hàng loạt thủ tục rất nhiêu khê, có khi hết năm học vẫn chưa có tiền để sửa. Vậy nhưng nếu nhờ phụ huynh đóng góp thì sẽ rất nhanh, sửa được ngay và học sinh có ngay nhà vệ sinh để dùng.

Hoặc các hạng mục khác như sắm máy chiếu, máy vi tính, tivi, trang trí lớp theo chủ đề giáo dục hằng tháng, sắm thêm một tủ sách trong lớp học, thêm một kệ giày cho học sinh bán trú... cũng phải nhờ xã hội hóa.

Nếu ai đó có làm một cuộc khảo sát, họ sẽ thấy ngay là những trường có cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi phần lớn là do thực hiện thành công xã hội hóa giáo dục.

Và hầu hết những trường này đều nâng cao chất lượng giáo dục một cách nhanh chóng. Mục tiêu của xã hội hóa là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Đến đây, tôi phải khẳng định lại: nếu muốn nhà trường phát triển, không thể không xã hội hóa. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh đi kiện, thưa... về các khoản thu là do cách làm của nhà trường chưa tạo được sự đồng thuận nơi phụ huynh, một số phụ huynh chưa có niềm tin vào giáo dục, các khoản thu - chi trong nhà trường chưa được công khai...

Ví dụ nhiều phụ huynh thắc mắc việc mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất giảng dạy là do Nhà nước chứ tại sao lại huy động phụ huynh; nghe nói học sinh tiểu học được miễn học phí mà sao phải đóng nhiều khoản quá vậy... nếu họ biết học sinh tiểu học được miễn học phí buổi chính khóa nhưng học buổi thứ hai thì phải đóng phí, học sinh bán trú phải đóng phí bán trú, đóng tiền ăn...

Đúng là Nhà nước có cấp khoản sửa chữa cơ sở vật chất hằng năm cho trường nhưng rất hạn chế và thủ tục rất nhiêu khê...

Một số hiệu trưởng sau khi bị kiện - thưa đã nản chí, không vận động để xây dựng cái gì nữa cho khỏe người, đỡ phải mang tiếng này nọ. Nhưng như thế đồng nghĩa với việc chấp nhận kém phát triển.

H.HG. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên