Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc PVC, tại tòa - Ảnh: TTXVN
* Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Kỷ luật của Đảng nghiêm, tham nhũng mới giảm!
Ảnh: VIỆT DŨNG
Tôi rất tâm đắc với báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc trình bày.
Trong đó nhấn mạnh: "Kỷ luật của Đảng phải nghiêm hơn pháp luật, kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự".
Việc Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương, các cơ quan chức năng xem xét, thi hành kỷ luật với hàng loạt cán bộ thời gian qua, không chỉ cá nhân tôi mà chắc chắn nhân dân cả nước đều rất tin tưởng, ủng hộ. Có thể nói, về tần suất, chưa bao giờ các quyết định thi hành kỷ luật lại liên tục như thời gian gần đây. Hình thức kỷ luật mạnh mẽ và nghiêm khắc.
Có thể nói tinh thần "không có vùng cấm" trong cuộc chiến chống tham nhũng đã được thể hiện rõ nét, phạm vi xử lý rộng, từ cán bộ đã về hưu, lãnh đạo ở các bộ, ngành, các tổng công ty nhà nước tới địa phương. Điều này khẳng định: kỷ luật của Đảng rất nghiêm minh. Có nghiêm minh thì tham nhũng mới giảm.
Các quyết định kỷ luật gần đây cũng như các văn bản, quy định của Đảng về xử lý đảng viên vi phạm mới ban hành đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống tham nhũng. Bất cứ ai cũng bình đẳng trước pháp luật.
Với quyết tâm và hành động hết sức mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã và đang tạo ra một làn sóng, lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả hệ thống chính trị, đến từng cán bộ, đảng viên. Đó là tín hiệu rất tích cực, là bước chuyển biến rất mạnh trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.
Cũng phải khẳng định kỷ luật Đảng không thể thay thế các kỷ luật khác. Là đảng viên, nếu vi phạm, nếu tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý kỷ luật Đảng trước. Không thể có chuyện bị kỷ luật Đảng mà không bị kỷ luật chính quyền.
Đơn cử là các vụ việc liên quan đến ông Đinh La Thăng hay Châu Thị Thu Nga và một số vụ việc gần đây, khi tổ chức Đảng kỷ luật, ra thông báo thì Quốc hội làm việc ngay để tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với các nhân vật này.
Phải nói thẳng rằng: người tham nhũng, tiêu cực là đảng viên khá nhiều. Vì thế, khi tổ chức Đảng phát hiện thì phải ra thông báo, xử lý trước, ví dụ như cảnh cáo hay khai trừ Đảng, cách các chức vụ trong Đảng của đối tượng tham nhũng. Quốc hội, chính quyền các cấp sẽ tiến hành các hình thức kỷ luật tiếp theo.
* PGS.TS Nguyễn Văn Trình (nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Pháp luật phải theo kịp biến tướng tham nhũng
Ảnh: ÁI NHÂN
Để đấu tranh, phòng chống tham nhũng được hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo tôi, quyết tâm của hệ thống cơ quan Đảng là quan trọng nhất. Cụ thể:
Cơ sở Đảng, các cấp ủy phải thường xuyên quán xuyến, kiểm tra, đánh giá đảng viên do mình quản lý.
Cơ sở Đảng phải thực sự làm hết trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện sớm, xử lý từ đầu với những dấu hiệu, hành vi vi phạm của đảng viên. Muốn vậy phải gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ sở Đảng, cấp ủy.
Đồng thời cơ sở Đảng, cấp ủy phải quyết liệt đấu tranh, xử lý sai phạm của đảng viên chứ không xuê xoa, dĩ hòa vi quý, nhắc nhở nội bộ... Nhất là nên công khai, minh bạch vi phạm và kết quả xử lý vi phạm đảng viên tại từng cơ sở Đảng. Kỷ luật Đảng phải thực sự nghiêm khắc, công bằng.
Tiếp sau đó, qua công tác phát hiện, đánh giá, xử lý kỷ luật vi phạm đảng viên thì cơ sở Đảng, cấp ủy cần nhanh chóng chuyển ngay hồ sơ vi phạm của đảng viên có dấu hiệu hình sự cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo đúng quy định pháp luật.
Có như thế mới đủ sức trừng trị, răn đe, phòng ngừa đảng viên vi phạm tham nhũng. Việc này cần sự dứt khoát, quyết liệt của từng cơ sở Đảng, cấp ủy.
Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cần chú ý luôn luôn hoàn thiện quy định pháp luật để kiểm soát theo kịp tình hình biến tướng của nạn tham nhũng và xử lý hiệu quả tệ nạn này.
Cần phong tỏa tài sản trước khi truy tố
Để ngăn chặn, hạn chế tham nhũng, ngoài việc kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh thì phải làm tốt công tác cán bộ, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Cụ thể: Ban soạn thảo dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cần quy định cả những người thân cũng phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, nhằm tránh tình trạng tuồn tài sản cho người thân đứng tên.
Bên cạnh đó, trong tố tụng hình sự cần có một quy trình đầy đủ, nhưng trong một số trường hợp cần phải theo quy trình rút gọn, tức là xử lý việc phong tỏa tài sản trước rồi mới khởi tố, truy tố.
Bạn nghĩ gì về kiến: 'kỷ luật của Đảng nghiêm, tham nhũng mới giảm' của ông Lê Như Tiến? Theo bạn, chống tham nhũng hiệu quả, còn có cách nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận