Ngày 26-1-1930, chủ tịch Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) Nguyễn Thái Học triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại làng Mỹ Xá (Nam Sách, Hải Dương) để khẳng định lại chủ trương và chuẩn bị kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa.
![]() |
Nguyễn Thái Học |
"Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam. Âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công thì cũng thành nhân" |
Ðêm 9 rạng ngày 10-2-1930, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở Yên Bái, đúng một năm sau vụ ám sát cai mộ phu Bazin. Quân khởi nghĩa đã chiếm được trại lính cơ số 5 và 6, giết được một số sĩ quan và hạ sĩ quan người Pháp. Do không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh nên không làm chủ được tình hình chiến sự ở Yên Bái. Sáng 10-2, Pháp tập trung lực lượng, lại được máy bay yểm trợ, tổ chức phản công chiếm lại các căn cứ bị mất, đẩy nghĩa quân vào tình trạng tan rã.
Cũng đêm 9-2-1930, Nguyễn Khắc Nhu dẫn một toán nghĩa quân đến đánh đồn Hưng Hóa nhưng không đạt kết quả. Sáng hôm sau, quân Pháp từ Phú Thọ kéo lên phản công quyết liệt, quân khởi nghĩa bị đánh tan. Tại Sơn Tây, cuộc tấn công đánh đồn chùa Thông cũng không giành được thắng lợi do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ. Sáng 10-2, người phụ trách khởi nghĩa ở đây là Phó Ðức Chính đã bị bắt.
Sau khi các cuộc nổi dậy ở các tỉnh miền ngược thất bại thì tại các tỉnh miền xuôi kế hoạch khởi nghĩa mới bắt đầu được triển khai. Ðêm 14 rạng 15-2-1930, VNQDÐ đã nổi dậy khởi nghĩa ở Phả Lại, Vĩnh Bảo (Hải Dương), Kiến An và Phụ Dực (Thái Bình), nhưng đều không thu được kết quả.
Riêng ở Hà Nội, ngay đêm nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái, một số đảng viên VNQDÐ (đều là học sinh Trường Bách Nghệ) đã ném bom vào nhà tên giám đốc sở mật thám Arnoux, vào nhà tù Hỏa Lò và sở cảnh sát, không gây tổn thất là bao. Chỉ trong vòng một tuần lễ, cuộc khởi nghĩa vũ trang quy mô lớn do VNQDÐ phát động đã bùng nổ ở nhiều nơi song cũng đã mau chóng thất bại.
Cuộc khởi nghĩa thất bại ấy lại gây tiếng vang lớn ở Pháp. Nhà sử học Pierre Brocheux thuật lại:" Sau vài khúc dạo đầu trong năm 1929 trước đó, VNQDÐ tạo ra một vụ nổi loạn trong trại lính thuộc địa ở Yên Bái. Trong khi đó, những người theo Ðệ tam quốc tế CS vừa hợp nhất trong Ðảng CS Ðông Dương thì cầm đầu cuộc nổi dậy quần chúng. Các cuộc đàn áp đã khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị giam. Tại Paris, vào tháng 3 và tháng 5-1930 đã có những cuộc biểu tình chống lại vụ đán áp Yên Bay. Từ năm 1930, Ðảng CS Pháp dấn thân sâu hơn nữa vào cuộc đấu tranh chống thực dân, đặc biệt là chống lại nạn đàn áp ở Ðông Dương. Báo Nhân Ðạo hầu như mỗi ngày dành một bài về những biến cố này; truyền đơn, mittinh cứ thế mà nhân lên".
Một tổ chức khác là hội Tam Ðiểm, hoàn toàn ngược lại Ðảng CS Pháp, cũng tham gia phong trào chống thực dân. Hội Tam Ðiểm là một hội kín mang dáng dấp tôn giáo huyền bí, phủ nhận khái niệm thượng đế duy nhất của Thiên Chúa giáo nên bị Công giáo cấm chỉ. Ấy thế mà hội này cũng chống lại chủ nghĩa thực dân. Tác giả Pierre Brocheux cho biết:"Tháng 1-1933, 350 người tham dự đại hội đại biểu của hội Tam Ðiểm tại Pháp đã nhân dịp này cùng nhau ký tên một bản kháng nghị vì những người Ðông Dương bị giam cầm".
Bài thơ YEN - BAY của Louis Aragon
Trong số những tiếng nói ủng hộ cuộc khởi nghĩa có nhà thơ Louis Aragon cùng các đồng chí trong Ðảng CS Pháp.
Nửa đầu thế kỷ 20, Louis Aragon trong nhóm những nhà sáng lập trường phái siêu thực trong văn đàn Pháp, cùng với André Breton, Paul Éluard... Bộ ba đình đám này còn được biết đến với thái độ dấn thân của mình bằng cách tham gia Ðảng Cộng sản Pháp. Louis Aragon gia nhập từ năm 1927, tức 10 năm sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Vào thời điểm đó và cả sau Thế chiến thứ nhì, chọn con đường cộng sản là một thái độ dấn thân của nhiều nhà văn Pháp, mà sau này có cả Jean-Paul Sartre của chủ nghĩa hiện sinh.
Tháng 2-1930, những tin tức về cuộc khởi nghĩa Yên Bái nhanh chóng truyền về Pháp. Cả những tin tức về các vụ đàn áp, hành hình các thủ lĩnh khởi nghĩa An Nam, tù đày các tù binh... Tháng 6-1930 từ Paris, Louis Aragon công bố bài thơ Yen-Bay trên tờ La Commune (Công Xã):
Yen-Bay
Từ ngữ nào nhắc nhở rằng Không thể bịt mồm một dân tộc Không thể khuất phục dân tộc ấy Bằng lưỡi kiếm của đao phủ? (từ ngữ đó là) Yen-Bay. Xin gửi đến anh em da vàng lời thề Cứ mỗi giọt sống của các bạn rơi, thì Máu của một Varenne khác phải đổ.
Máu của "một Varenne" nào đấy phải đổ? Varenne trong bài thơ là tên của một toàn quyền Pháp ở Ðông Dương từ 1925- 1928. Tuyên ngôn của Louis Aragon rất rõ ràng: là người Pháp đấy, song họ thề sẽ đòi nợ máu cho những người anh em da vàng đã ngã xuống vì cuộc khởi nghĩa "Yen-Bay" và đòi nợ máu cho họ đến nơi đến chốn.
80 năm sau, bài thơ bất hủ này của Louis Aragon vẫn còn đó trên website forum-unite-communiste (Diễn đàn - đoàn kết - cộng sản) của Pháp trong mục "Tư liệu cộng sản" (Documents communistes). Bài thơ trên cho thấy ngay trong lòng xã hội Pháp lúc ấy cũng đã nổi lên những tiếng nói chống thực dân.
___________________
“...Trên cả nước An Nam binh sĩ nổi dậy, giết mọi người Pháp mà họ không còn muốn thấy có mặt ở đất nước này nữa... Các vụ này cho thấy tinh thần bọn họ ra sao. Điều gì sẽ xảy ra cho anh em đồng đạo chúng ta...”.
Kỳ tới: Từ báo cáo của các giám mục Pháp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận