03/12/2021 09:33 GMT+7

Không phải ca F0 nào cũng phải dùng thuốc

HƯƠNG THẢO
HƯƠNG THẢO

TTO - Với số lượng trên 70% người F0 cách ly tại nhà và khu cách ly tập trung, nhu cầu cần các gói thuốc điều trị COVID-19 ở TP.HCM hiện khá cao. Tuy vậy theo các chuyên gia, không phải ca F0 nào cũng cần phải sử dụng thuốc.


Không phải ca F0 nào cũng phải dùng thuốc - Ảnh 1.

Túi thuốc dùng cho F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm 3 gói (A, B, C). Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông; gói thuốc C là thuốc kháng virus được sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.

Trong hướng dẫn mới nhất về gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà được phân công phải tiếp cận đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà. Nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát gói A cho người F0 không có triệu chứng và cấp ngay gói A-C nếu người F0 có triệu chứng nhẹ.

Cụ thể khi người F0 có triệu chứng nhẹ, bác sĩ của cơ sở quản lý người nhiễm tại nhà phải đánh giá tình trạng sức khỏe của ca F0 này. Trường hợp người F0 có chỉ định dùng thuốc, nhân viên cho người bệnh ký cam kết và cấp phát thuốc tại nhà cho F0 (gói C).

Còn khi người F0 cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 96%) phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý người F0 để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.

Một giám đốc trạm y tế ở trung tâm TP.HCM cho biết hiện túi thuốc C khá khan hiếm, một phường chỉ có 6 - 7 túi, trong khi một ngày phát sinh vài chục người F0. 

Theo đó, về quy trình khi người dân báo, trạm y tế sẽ cử lực lượng xuống test nhanh, nếu dương tính sẽ phát luôn túi thuốc A đầy đủ, còn túi C các bác sĩ của lưu động sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe xem có đủ điều kiện cấp phát hay không. "Thực tế nhiều người F0 không có triệu chứng gì cả, chưa đến mức phải uống gói thuốc C nhưng vẫn yêu cầu có bằng được thuốc để uống ngay" - vị này nói.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng Molnupiravir (gói C) trong điều trị có kiểm soát cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ. Từ tháng 8 TP tiếp nhận khoảng 116.000 liều. Với số lượng thuốc được cấp theo cập nhật đến giữa tháng 11, toàn TP chỉ còn 2.000 liều và Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị Bộ Y tế xem xét cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-12, một đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết đề xuất nêu trên chưa được đáp ứng, thay vào đó Bộ Y tế vừa phân bổ cho thành phố 120.000 viên Favipiravir - một loại thuốc kháng virus khác hỗ trợ F0 thay gói thuốc C - Molnupiravir trước đó.

"Hiện nay tỉ lệ chuyển nặng và tử vong thường nằm vào nhóm lớn tuổi, do đó nếu có Molnupiravir thì sẽ an tâm hơn nhưng mọi việc vẫn đang chờ" - vị này nói và cho biết hiện nay túi thuốc C - Molnupiravir một số nơi vẫn còn sót lại và TP.HCM đã chỉ đạo tập trung ưu tiên cho nhóm cao tuổi, trong điều kiện thuốc rất hạn chế.

TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về thuốc kháng virus điều trị COVID-19 TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về thuốc kháng virus điều trị COVID-19

TTO - Trước thực trạng thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan trên mạng với giá đắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM đề nghị chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

HƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên