Cuối tuần, các nhóm bạn trẻ thường tập trung ở công viên 30-4, TP.HCM để chơi đàn, ca hát - Ảnh: HUY TRẦN
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.
* Ông CHU THANH SƠN (phó tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, Đồng Nai):
Phối hợp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp
Vừa qua, khi nắm bắt được thông tin có tình trạng kích động công nhân gây rối, công ty đã thông báo cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khuyến cáo công nhân cảnh giác, tránh bị kích động, tránh tham gia các hoạt động quá khích vi phạm pháp luật.
Đồng thời, chúng tôi tăng cường lực lượng bảo vệ phối hợp với chính quyền trực chiến ở các chốt, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, kịp thời can thiệp giải tán các đám đông tụ tập, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, những vụ gây rối ở một số địa phương có xảy ra, nhưng tại các khu công nghiệp do chúng tôi quản lý không xảy ra tình trạng trên. Các nhà đầu tư trong khu công nghiệp của Sonadezi đều yên tâm hoạt động.
* Bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC (phó tổng giám đốc khách sạn Yasaka - Sài Gòn Nha Trang):
Nếu khách không đến là đáng lo ngại
Cùng với kinh doanh khách sạn, Yasaka - Sài Gòn Nha Trang còn tổ chức kinh doanh một khu chợ đêm nhỏ, dành cho khách du lịch đến Nha Trang.
Vào ngày nhiều người tụ tập đông người vừa qua, chúng tôi đã cho tạm ngưng mở cửa chợ đêm vì khi lộn xộn như thế cũng không thể bán mua được gì. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng đó đối với doanh nghiệp không đáng kể.
Điều cần quan tâm, lo ngại cho du lịch là về lâu dài. Bởi trong các tiêu chí quan trọng nhất để thu hút du khách là phải đảm bảo được an toàn, vệ sinh và phục vụ tốt. Trong phục vụ có yếu tố thân thiện.
Ở một điểm du lịch, nếu du khách phải đón nhận sự phản ứng của nhiều người, khi ra đường bắt gặp nhiều ánh mắt không thiện cảm thì họ sẽ e ngại.
Hiện nay, theo thống kê của tỉnh, lượng khách Trung Quốc đang chiếm hơn 60% du khách nước ngoài đến TP Nha Trang. Nếu lượng khách này giảm thì đó là điều đáng lo ngại cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn và cả người dân.
* Đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai):
Một số doanh nghiệp lo ngại
Việc kích động gây rối có ảnh hưởng đến tâm lý các doanh nghiệp châu Á trong các khu công nghiệp Tín Nghĩa cho thuê. Có một số công ty đã rút cán bộ quản lý, điều hành đi nơi khác hoặc rút về nước.
Một số nhà đầu tư dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc thay đổi công nghệ, máy móc thiết bị đầu tư chiều sâu đã hoãn lại và chờ tình hình trong thời gian tới mới quyết định.
Tóm lại, việc gây rối của những nhóm quá khích ở nơi khác đã làm kế hoạch sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp do chúng tôi cho thuê cũng bị ảnh hưởng.
Trước tâm lý e ngại của doanh nghiệp, chúng tôi đã gặp trực tiếp các nhà đầu tư để trao đổi, giải thích về kế hoạch bảo vệ doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chờ đợi, nghe ngóng.
* Ông TRẦN THANH LIÊM (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):
Động viên nhà đầu tư yên tâm
UBND tỉnh Bình Dương thông qua các ban quản lý khu công nghiệp và các hiệp hội của nhà đầu tư nước ngoài đã nắm ý kiến của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Một số nhà đầu tư bày tỏ quan tâm về một số diễn biến an ninh trật tự và đã được lãnh đạo tỉnh giải thích, cam kết về việc sẽ đảm bảo ổn định môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã có sự chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh nên không để xảy ra tình hình phức tạp.
Nếu nhà đầu tư nào còn băn khoăn, chúng tôi sẽ sẵn sàng gặp gỡ các nhà đầu tư này để động viên, giải thích cho họ yên tâm.
Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là Liên đoàn Lao động tỉnh, đã có tin nhắn, tờ rơi... vận động người dân, người lao động giữ gìn an ninh trật tự, không để kẻ xấu kích động và được sự đồng thuận rất cao.
* Anh DARIO O. (giáo viên người Anh, sống tại Việt Nam):
Đừng làm tổn hại thêm
Ở nước tôi, biểu tình là hợp pháp, trừ khi họ trở nên bạo lực và đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, thông thường các cuộc biểu tình rất ôn hòa.
Tôi đã xem những hình ảnh trên mạng về những gì để lại phía sau cuộc gây rối ở Bình Thuận.
Họ đã phá hoại xe cộ của những người vô can hoặc ở cơ quan công quyền, chẳng thu được gì qua hành động đó mà lại làm tổn thương những người anh em, đồng bào của mình chẳng vì lý do gì.
Phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên vì người Việt Nam thường rất thân thiện, ôn hòa và không bạo lực. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng thế này ở Việt Nam trước đây.
Tôi nghĩ họ (những người tụ tập, gây rối) không nên làm tổn hại đến cuộc sống của những người bình thường.
Du khách Mỹ diện váy áo chụp ảnh trước Bưu điện trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Công ty du lịch phải lên phương án dự phòng
Hiện nay, các công ty du lịch đều dành ít nhất nửa ngày cho tour khám phá nội thành TP.HCM (còn gọi city tour).
Các điểm tham quan quen thuộc là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bến cảng Nhà Rồng, miếu bà Thiên Hậu... thường khởi hành ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những ngày cuối tuần khu trung tâm vẫn hay bị kẹt xe, khó di chuyển nhanh nên nhiều công ty du lịch đã thay đổi hành trình, sắp xếp lại tour tuyến sang các quận 5, 7... tránh để khách bị ảnh hưởng.
"Bất ổn luôn được xem là khắc tinh của ngành du lịch. Những hình ảnh tụ tập đông người đã gây hình ảnh thiếu thân thiện của VN trong mắt du khách vì các hoạt động thường ngày không còn diễn ra, thay vào đó là cảnh chặn đường, giao thông tắc nghẽn" - ông Nguyễn Văn Mỹ của du lịch Lửa Việt Tours nói.
Đại diện Fiditour cũng cho biết các tour inbound, khám phá TP chủ yếu dành cho khách nước ngoài đến VN. Hiện các tour rơi vào ngày cuối tuần vẫn diễn ra bình thường, nhưng hướng dẫn viên luôn được nhắc nhở linh hoạt ứng biến.
"Nếu việc đi lại không thực sự thuận tiện như chặn đường, kẹt xe trong khu vực trung tâm, hướng dẫn viên sẽ khéo léo nắm bắt tình hình để thay đổi hành trình, đảm bảo sự hài lòng cho du khách" - vị này nói.
Hầu hết các công ty du lịch cho biết họ có phương án thay thế cho các tuyến tham quan nội thành rơi vào ngày cuối tuần, giúp hành trình dành cho du khách vẫn được đảm bảo dù có hơi bất tiện.
Trong khi đó, giám đốc kinh doanh một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết cho biết từ sau sự cố hai tuần trước, phần lớn khách đặt phòng qua hệ thống trực tuyến ở khách sạn đều thông báo hủy, lượng khách của khu nghỉ dưỡng giảm hẳn dù đang vào mùa cao điểm.
Vẫn có nhiều nhóm khách tổ chức đi theo kế hoạch nhưng dời lịch sang ngày trong tuần, tránh ngày cuối tuần. (N.BÌNH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận