Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định rằng không lo Quốc hội có “khoảng trống quyền lực” sau miễn nhiệm sau khi Quốc hội miễn nhiệm Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và một số chức danh khác của Quốc hội vào ngày 2-4 nhưng đến ngày 4-4 mới bầu chức danh mới.
Chiều 2-4, 433/471 đại biểu có mặt (chiếm 87,65% tổng số đại biểu) đã bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.
Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội với: Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương.
Tỉ lệ phiếu miễn nhiệm chức danh ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những người này đều trên 87% trở lên với từng người.
Quốc hội cũng bỏ phiếu miễn nhiệm với từng chức vụ cụ thể của: ông Ksor Phước - chủ tịch Hội đồng dân tộc; ông Phùng Quốc Hiển - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách; ông Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh; ông Nguyễn Văn Hiện - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội và ông Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Tỉ lệ phiếu đồng ý miễn nhiệm cũng đạt trên 87% trở lên với từng chức vụ.
Ngoài ra, Quốc hội cũng miễn nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn với 436/471 đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý (đạt 88,26% tổng số đại biểu).
Trả lời thắc mắc của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Vì sao nghị quyết miễn nhiệm các chức danh có hiệu lực tức thì, trong khi chưa bầu được các chức danh thay thế. Như vậy là có khoảng trống quyền lực. Nếu có vấn đề gì thì ai sẽ giải quyết?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời: “Đối với các chức danh người đứng đầu cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước thì nghị quyết miễn nhiệm chỉ có hiệu lực khi bầu được người đứng đầu mới. Vì Quốc hội, Nhà nước không thể một ngày không có chủ tịch, Chính phủ không thể một ngày không có thủ tướng.
Tuy nhiên với các cơ quan của Quốc hội thì vẫn còn có tập thể của các cơ quan đó. Ngày mai (3-4) là ngày nghỉ, ngày 4-4 Quốc hội sẽ bầu chức danh mới. Nếu có vấn đề gì thì các phó chủ nhiệm ủy ban, phó chủ tịch Hội đồng dân tộc sẽ giải quyết thay”.
Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu và có giải thích của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết miễn nhiệm các chức danh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận