17/03/2009 05:12 GMT+7

Không gục ngã - Kỳ cuối: Ánh sao vĩnh cửu

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Em buồn từ đấy ai hay. Không gian kia mãi đặt bày cách xa. Từ cơn mưa tắm chiều tà. Đêm buông hiu quạnh như là chịu tang. Những mùa nhớ xếp thẳng hàng. Trên bờ môi ấy bỏ hoang tên người. Cõi vô tình cõi đơn côi. Cách nhau cả một kiếp người ngả nghiêng...

eHFNekWE.jpgPhóng to
Lần duy nhất Lan được đi xa là đến Quảng Ninh, nhưng Lan lại có rất nhiều bạn bè - Ảnh: QUỐC VIỆT

Những vần thơ nhật ký

Ngồi trên bậu cửa, lặng nghe Nguyễn Bích Lan trầm buồn đọc bài thơ lục bát Từ đấy của mình. Lan không viết nhật ký, cô chỉ viết nhiều truyện ngắn và thơ, mà cô cũng chẳng muốn được ai khen hay chê vì đó chính là tự sự đời mình. Những bài thơ có nỗi niềm da diết như thân phận nữ tác giả. Và cũng nhiều bài man mác hoài niệm tuổi thơ bình yên hay tràn ngập tình yêu cuộc sống.

Về làng ta thả con diều. Ta đong đếm gió ta liều rủi may. Vẽ lên trời một nét mày. Hút chiều vào đáy mắt say mơ màng. Cho diều mặc sức lang thang. Nhử dăm ba đứa trẻ làng ganh đua. Chẳng ham thắng chẳng buồn thua. Cốt sao nhử được ngày xưa quay về.

Lan kể rằng bài thơ Về làng này được cô viết bằng chính ký ức tuổi thơ 13 năm chưa bị bệnh của mình, một thời thơ ấu nghèo khó nhưng khỏe mạnh và tràn ngập nụ cười.

Ngoài mấy trăm bài thơ nhật ký cuộc đời, Lan còn viết nhiều truyện ngắn để trải nỗi niềm, khát vọng của mình. Đó không chỉ là cách giúp Lan thấy “mình không bị trống rỗng” mà còn là đam mê sâu lắng của cô. Những người tham dự diễn đàn quốc tế phát triển văn học, văn hóa vì hòa bình ở Haifa (Israel) đã rất ngạc nhiên và xúc động với truyện ngắn Người cha điếc được gửi đến từ cô gái Nguyễn Bích Lan bệnh tật ở VN.

Câu chuyện người cha bị điếc đã chết vì không nghe được tiếng kẻng báo động ném bom chỉ là lát cắt rất nhỏ trong chiến tranh triền miên ở VN. Tuy nhiên, người đọc đã rung động trái tim vì thấy được thân phận con người, đặc biệt là những phụ nữ và trẻ em mất chồng, mất cha trong sự khủng khiếp của chiến tranh.

Lan sinh ra trong hòa bình, không tận mắt chứng kiến sự mất mát vì bom đạn. Nhưng tâm hồn nhạy cảm của cô thấu cảm được nỗi đau của những người gần gũi với mình có thân nhân ra đi vì chiến tranh.

Hiện nay, ngoài dịch thuật là công việc chính, Lan lặng lẽ làm thơ và viết truyện ngắn như cho riêng mình. Thi thoảng cô mới gửi vài bài đăng báo để có chút nhuận bút gửi tặng những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn hơn mình. Lần lãnh nhuận bút gần đây nhất, Lan chuyển tặng một chị lớn tuổi, khuyết tật, không có gia đình ở Hà Tây. Và chị này đã không kìm được nước mắt khi biết chuyện đời cũng không may mắn của cô gái tốt bụng.

YXxaS0NJ.jpgPhóng to
Hạnh phúc của Lan (x) là có một mái ấm gia đình đầy ắp yêu thương -Ảnh: QUỐC VIỆT

Khi buồn, hãy nghĩ đến người khác

Ngày mới của Lan đều bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc giữa đêm trong căn phòng làm việc nhỏ bé có ô cửa sổ trông ra bầu trời. Lan hiếm được ra ngoài vì sức yếu và hay bị tai nạn, nhưng cô lại có nhiều bạn bè. Bên cạnh học trò và bạn quốc tế, Lan còn tâm giao với nhiều người đồng cảnh bệnh tật ở VN như Đỗ Trọng Khơi, Vũ Anh Tuấn, Ngô Ngọc Hà, Trần Hồng Giang, Nguyễn Ngọc Hưng... Điều kỳ diệu là những số phận kém may mắn này đều vượt qua được chính mình. Họ đồng cảm như anh em dù hầu hết đều chưa một lần được gặp mặt để nắm tay, nhìn mặt nhau.

Ở cùng làng quê Hưng Hà (Thái Bình), Lan rất quý nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Ông bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ nhưng đã gửi gắm cả tâm hồn khát khao bay bổng vào những trang thơ ngập tràn cảm xúc. Lan không khóc mà cứ rơi nước mắt xúc động khi đọc bài thơ Hi vọng của ông:

Người ta nói với tôi rằng: anh không thể bước qua được dấu chân của mình đâu. Dẫu có đi đến cùng trời cũng thế!Song tôi vẫn kiên trì, bất kể… Và chờ đợi trái tim tôi. Nỗi khổ đau của trái tim có thể làm thay đổi. Bởi tôi tin vào bản thân nỗi khổ đau. Có bước đi riêng trong bóng tối. Lý do mà tôi chờ đợi là sự kiếm tìm một thứ ánh sáng riêng.

Hai số phận và hai trái tim đồng cảm gặp nhau. Lan xem Đỗ Trọng Khơi như người bạn và người anh của mình.

Đặc biệt, Lan còn thường xuyên chia sẻ nỗi niềm với nhà báo bại liệt Vũ Anh Tuấn ở Hà Nội. Số phận Tuấn cũng nghiệt ngã với chân bị teo ngay từ lúc biết bò, phải nằm một chỗ để tự học văn hóa, kể cả ngoại ngữ, và đã có nhiều bài viết lẫn dịch xúc động được công bố, trong đó có bài thơ Just because I love you (Chỉ vì em yêu anh) của Langston Huges.

Từ khi biết Tuấn có em trai cũng bị bệnh như Tuấn, Lan càng xúc động và quý anh em Tuấn. Họ như thắp thêm những ngọn nến tình yêu cuộc sống mới trong Lan. Bởi cô thấy số phận họ còn nghiệt ngã và phải cố gắng vượt lên chính mình nhiều hơn cả Lan. Có nỗi niềm cần chia sẻ hay mới sáng tác được bài thơ, truyện ngắn, cô đều gửi mail cho Tuấn đọc trước. Ngược lại, cô cũng là độc giả đầu tiên của những bài báo còn là bản thảo của Tuấn.

Mỗi ngày mới, khi ánh mặt trời vừa xua đi bóng đêm Lan và nhóm bạn đặc biệt này lại háo hức mở ra một niềm vui mới. Họ đọc mail của nhau và cùng chia sẻ niềm vui khi được biết ai đã làm gì đó, rồi rất buồn khi thấy có người im lặng. Họ hiểu bạn mình đang phải chống chọi với bệnh tật…

“Khi buồn hãy nghĩ đến người khác đang buồn hơn mình!”. Đó là tâm sự mà Lan hay nhắc trong đời mình. Đến giờ, Lan đã tự chia sẻ kinh nghiệm và trở thành bạn của nhiều người bệnh giống cô. Và cô lại không kìm được nước mắt khi biết tin những người bạn bất hạnh đã qua đời, mà đau xót nhất là các em bé thường không sống lâu được với bệnh này. Lan đã xúc động làm bài thơ tặng những thiên thần bé nhỏ kém may mắn:

Cây lộc vừng giũ những cơn buồn xuống hồ gió. Mùa hè ra đi từ đêm. Con ve ngoảnh mặt vào chiếc lá. Không thiết chơi với ai nữa. Buồn không? Em cũng có chuyện gì hôm nay. Không ai đoán nổi. Em ngồi im thế. Môi không biết hé ra cho một tiếng hỏi ngập ngừng. Để chị gọi đứa trẻ lên ba vào nhà cho em tập nói. Lại tập nói những ngây thơ đi em. Như cây lộc vừng giũ những cơn buồn xuống hồ gió, rồi lại bập bẹ búp tơ...

Nhiều lần tâm sự với các bé đang thoi thóp chống trả bệnh tật như ngọn nến trước gió, Lan đã nuốt nước mắt kể cho các em nghe tự truyện Ánh sao vĩnh cửu của Shirley Cheng viết về nỗ lực vượt qua bệnh tật, vươn lên những khát vọng lấp lánh như những vì sao. Lan muốn thắp lên trong trái tim các em niềm tin rằng mỗi con người là một vì sao. Dù con người có chết đi thì ánh sao đó vẫn sáng mãi trên bầu trời và trong trái tim những người đang sống.

____________________

Đón đọc số tới: 8X đi làm xa xứ

Họ chỉ mới ngoài 20 tuổi. Tốt nghiệp đại học, thay vì làm việc ở quê hương họ thi tuyển vào các tập đoàn lớn rồi đi làm việc ở nước ngoài, một mình cặm cụi nơi xứ người.

Người làm ở Singapore, Malaysia, người làm ở Hàn Quốc, Đan Mạch… Làm để trải nghiệm, để học hỏi và theo đuổi những ước mơ…

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên