12/08/2015 09:04 GMT+7

Không được ủy quyền trả lời chất vấn

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị quy định rõ những người có trách nhiệm trả lời chất vấn phải tự trả lời, không được thoái thác và cũng không được ủy quyền cấp dưới hoặc ký thay văn bản trả lời.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn - Ảnh: Việt Dũng
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn - Ảnh: Việt Dũng

Ông Huỳnh Ngọc Sơn nêu vấn đề này tại thảo luận dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ngày 11-8.

Ông Sơn cũng đề nghị quy định trong luật cả những nội dung như khi chất vấn đại biểu có quyền đưa ra bằng chứng, vật chứng, hình ảnh, đoạn phim... để tăng tính thuyết phục cho nội dung chất vấn.

Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng “sử dụng tài liệu, hình ảnh, chứng cứ đủ độ tin cậy để chất vấn sẽ làm tăng tính thuyết phục, hấp dẫn đối với nội dung chất vấn. Các phương tiện kỹ thuật hiện nay cũng cho phép đại biểu dễ dàng sử dụng phương pháp này”.

Là người phụ trách hoạt động giám sát của Quốc hội, ông Sơn cho rằng hoạt động chất vấn cần được đổi mới hơn nữa.

“Nhiều ý kiến đề nghị quy định Thủ tướng, Phó thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội không nên trình bày văn bản dài dòng trước khi các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp, vì thực tế cho thấy các bản báo cáo này không khác gì bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đã được trình bày trước đó. Giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Chính phủ phải trình bày báo cáo những việc đã làm được, chưa làm được, việc thực hiện lời hứa sau các phiên chất vấn” - ông nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, chất vấn là hình thức quan trọng và có sức mạnh của hoạt động giám sát, vì vậy đại biểu cần sử dụng nhiều hơn chứ không chỉ đợi đến kỳ họp mới chất vấn.

“Dân nói rằng ở đâu cũng có đại biểu, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã mà khi có việc xảy ra lại không thấy ai lên tiếng. Cử tri hỏi rằng đại biểu chẳng lẽ chỉ chất vấn, giám sát tại kỳ họp thôi sao, ngoài ra các ông bà không giám sát à? Tôi lấy ví dụ, ông đại biểu đang đi giữa đường gặp vấn đề gì đó mà người dân đặt ra và bản thân đại biểu thấy bức xúc, vậy ông đại biểu ấy có quyền giơ cái thẻ đại biểu ra để chất vấn người có thẩm quyền liên quan đến sự việc đó không?” - ông Phước đặt vấn đề.

Chưa thể trưng cầu ý dân bằng cách bỏ phiếu điện tử

Báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết tại kỳ họp vừa qua có ý kiến đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng các hình thức này chưa phù hợp với điều kiện nước ta khi có khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa.

“Hơn nữa, thực tiễn cho thấy việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi, là ngày hội của toàn dân. Đây cũng là cách đã được triển khai có nề nếp và hiệu quả ở nước ta qua các cuộc bầu cử” - ông Lý nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên