05/02/2021 11:05 GMT+7

Không được 'ngăn sông cấm chợ'

T.TÂN - T.TRUNG  - N.LINH - X.LONG
T.TÂN - T.TRUNG - N.LINH - X.LONG

TTO - Hiện có khoảng 10 tỉnh thành có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng và các ổ dịch đã được khoanh vùng, nhưng một số địa phương đã cách ly tập trung người dân từ các tỉnh thành này khiến nhiều người lo lắng không dám về quê.

Không được ngăn sông cấm chợ - Ảnh 1.

Kiểm soát tại cửa ngõ ra vào tỉnh Quảng Ninh trên quốc lộ 18, giáp với Hải Dương - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trong khi đó, Chính phủ đã khẳng định quan điểm phải đảm bảo an toàn nhưng không được "ngăn sông cấm chợ".

Trong ngày 3-2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có văn bản thông báo sẽ cách ly 21 ngày đối với người về từ các tỉnh, TP có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng gây xôn xao dư luận.

Cả tỉnh vạ lây?

Hôm qua 4-2, ông Đoàn Ngọc Thượng - phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - xác nhận một ngày trước ông đã ký văn bản trong đó yêu cầu các phường xã thực hiện cách ly 21 ngày tại nhà đối với người dân về từ các tỉnh thành có ca nhiễm COVID-19 như Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai, TP.HCM... Đặc biệt các địa phương thực hiện việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly. 

Sau khi văn bản ban hành, nhiều người dân từ các địa phương nêu trên lo lắng không thể về quê ăn tết vì nếu về sẽ bị cách ly.

Ông Thượng thừa nhận văn bản này đúng là có gây hiểu nhầm và TP đang cho điều chỉnh. Theo đó, đối với công dân trở về Buôn Ma Thuột từ các tỉnh thành nêu trên (Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang) cần khai báo y tế đầy đủ, đeo khẩu trang thường xuyên và hạn chế đến những nơi đông người. 

"Chỉ những công dân trở về từ những khu vực đang có ca bệnh, phải cách ly thì tự cách ly tại nhà. Với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh thì thực hiện cách ly tập trung, triển khai các bước xét nghiệm" - ông Thượng nói.

"Quyết liệt" hơn, thông báo số 42 ngày 3-2 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi rõ tỉnh sẽ "cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân về từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận huyện thuộc Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có dịch...". Người dân cho rằng không phải cả tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đều là vùng dịch, quy định của tỉnh Thừa Thiên Huế khiến tất cả người dân sinh sống, làm việc ở hai tỉnh này bị "vạ lây".

"Huế không "ngăn sông cấm chợ" với người từ vùng có dịch trở về ăn tết" - ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định. Ông Bình cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố danh sách những địa phương, địa điểm hiện đang có dịch COVID-19 theo Bộ Y tế cập nhật đến ngày 3-2 để bà con được biết. Theo đó, người từ những địa điểm này trở về Huế sẽ phải cách ly tập trung 21 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm.

Thế nhưng, trao đổi với Tuổi Trẻ tối 4-2, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết hiện tỉnh vẫn sẽ cách ly tập trung 21 ngày những người đi từ hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương về Huế. Việc làm này nhằm ngăn chặn nguy cơ vùng dịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế đối với người dân đến từ hai tỉnh đang có diễn biến dịch phức tạp này. 

"Tỉnh sẽ tùy vào tình hình thực tế để tăng hoặc giảm mức độ phòng dịch bằng các thông báo trong thời gian tới. Tuy nhiên trước mắt vẫn phải duy trì việc này nhằm đảm bảo phòng dịch mức cao nhất trong thời điểm tết sắp đến" - ông Thọ nói.

Không được ngăn sông cấm chợ - Ảnh 2.

Người dân khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt khi ra vào xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương - Ảnh: ANH CƯỜNG

An toàn nhưng không gây khó cho dân

UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ thành lập lại các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào TP nhưng không phải là biện pháp "ngăn sông cấm chợ", hạn chế giao thương đi lại của người dân.

"TP sẽ thành lập lại các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào TP, sân bay, cảng biển... để kiểm tra các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan và hướng dẫn khai báo y tế. Tuy nhiên, thông tin rõ với người dân đây chỉ là biện pháp kiểm soát dịch, không phải là biện pháp "ngăn sông cấm chợ", hạn chế giao thương đi lại của người dân" - đại diện UBND TP Đà Nẵng nói.

Các tỉnh đều cho rằng căn cứ để xác định người dân từ các nơi về có phải cách ly hay không là căn cứ theo vùng dịch mà Bộ Y tế công bố và cập nhật. Tuy nhiên, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Chính phủ đã ủy quyền cho chủ tịch UBND các địa phương tùy tình hình thực tế quy định biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Theo ông Tuyên, vùng có dịch cần được hiểu là khu vực được chính quyền địa phương khoanh vùng và công bố, được phong tỏa nghiêm ngặt "nội bất xuất ngoại bất nhập". Ông Tuyên lưu ý ngay cả các tỉnh đang có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng cũng không có nghĩa là cả tỉnh đều là vùng dịch, không có nghĩa tất cả người dân ở đây đều phải cách ly, không được phép di chuyển.

Ông Tuyên cũng cho biết Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng soạn thảo hướng dẫn chung về việc đi lại, biện pháp phòng hộ cho người dân trong dịp tết này trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng không gây khó khăn cho người dân.

Không được ngăn sông cấm chợ - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cách ly, phong tỏa ở diện nhỏ nhất

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, chỉ đạo như vậy khi cùng Bộ Y tế họp trực tuyến với tỉnh Quảng Ninh chiều 4-2.

Đồng tình với phương châm của Quảng Ninh là chống dịch phải làm kiên trì, bản lĩnh; khi cần thiết thì phải tiến hành cách ly, phong tỏa nhưng Phó thủ tướng nhấn mạnh phong tỏa phải ở diện nhỏ nhất có thể để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Nếu cứ khoanh vùng, cách ly rộng nhất, dài nhất là những quyết định dễ dàng cho người quản lý nhưng rất khổ cho người dân. Thay vì phong tỏa cả huyện thì chúng ta phong tỏa một vài xã, thay vì phong tỏa cả xã thì phong tỏa một vài thôn. Đây là bản lĩnh của người quản lý" - ông Đam nói.

Cùng ngày, làm việc với tỉnh Gia Lai, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Hôm nay ổ dịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh) coi như đã dập xong. Ổ dịch TP Chí Linh (Hải Dương) cơ bản kiểm soát rất tốt. Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tiếp giáp TP Chí Linh đã xin chủ trương, xét nghiệm diện rộng các đối tượng nguy cơ thì sẽ kiểm soát được. Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đến giờ phút này cũng kiểm soát tốt, chiều nay có 1 ca nhiễm mới thuộc diện F1. Và với tình hình Gia Lai vừa báo cáo, có thể nói đến giờ phút này chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Niềm mong mỏi, hi vọng của người dân có một cái tết yên bình ngày càng đến gần".

N.AN

Sẽ công bố danh sách điểm dịch, vùng dịch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết:

dang quang tan

Ông Đặng Quang Tấn

- Bộ Y tế đã có hướng dẫn giám sát và trong đó đã quy định rõ như thế nào coi là ổ dịch. Như Thừa Thiên Huế yêu cầu cách ly người đến từ Hà Nội ở phạm vi quận là chưa đúng, yêu cầu cao quá. Ví dụ như quận Nam Từ Liêm của Hà Nội có ca bệnh thì chỉ một số phường ở quận đó có bệnh nhân thôi, không phải là cả quận.

* Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã giao Cục Y tế dự phòng xây dựng hướng dẫn thống nhất cho các địa phương, tránh mỗi nơi hiểu một cách, các ông sẽ hướng thế nào?

- Chúng tôi đang rà lại và sẽ có hướng dẫn trong thời gian sớm nhất, căn cứ vào hướng dẫn giám sát dịch quy định thế nào là ổ dịch. Vừa rồi Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành, ổ dịch tính theo phạm vi, quy mô số ca mắc, dựa theo đó có hướng dẫn về theo dõi sức khỏe, khai báo với cơ quan y tế... Mặt khác, người đến từ điểm có dịch khai báo y tế, cách ly tại nhà, không phải cách ly tập trung như Thừa Thiên Huế thông báo.

* Các địa phương thông báo các đối tượng cách ly dựa trên các vùng dịch do Bộ Y tế công bố và cập nhật. Hiện nay bộ, cục đã có danh sách chung để người dân và các địa phương tiện theo dõi hay không?

- Sắp tới chúng tôi sẽ công bố danh sách này, danh sách sẽ công bố trên website của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và các trang web uy tín khác để người dân tiện theo dõi. Danh sách này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.

* Việc mỗi nơi có một quy định như vừa qua gây lo lắng cho người dân, ông thấy quy định như vậy có đúng?

- Nếu tỉnh thành nào hướng dẫn cách ly người đến từ quận, huyện ở tỉnh khác mà quy mô, phạm vi dịch ở đó mới 1-2 ca, xuất hiện tại phạm vi nhỏ đã được cách ly thì phạm vi đó là quá rộng, ảnh hưởng chung tới việc lựa chọn và đi lại của người dân. Ví dụ như ở Hà Nội hiện có một vài phường có ca bệnh, thì phạm vi ổ dịch mới ở mức khu phố, xóm...

LAN ANH thực hiện

Đà Nẵng sẽ lập chốt kiểm soát ở ngoại ô nhưng không ‘ngăn sông cấm chợ’ Đà Nẵng sẽ lập chốt kiểm soát ở ngoại ô nhưng không ‘ngăn sông cấm chợ’

TTO - Thông tin này vừa được UBND TP Đà Nẵng cho biết ngày 4-2. Đà Nẵng sẽ quyết định thành lập lại các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố nhưng không phải là biện pháp "ngăn sông cấm chợ", hạn chế giao thương.

T.TÂN - T.TRUNG - N.LINH - X.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên