Phòng nhân sự cho biết em sẽ thử việc trong hai tháng, sau đó ký hợp đồng 1 năm. Tuy nhiên đến thời điểm hoàn thành thử việc em vẫn còn ba tháng nữa mới có bằng tốt nghiệp, nếu ký hợp đồng em phải chịu mức lương nhân viên loại C suốt 1 năm.
Em có đề nghị tăng thời gian thử việc, nhưng phòng nhân sự trả lời rằng luật quy định chỉ được thử việc hai tháng. Xin hỏi em nên làm thể nào trong trường hợp này? Có cách nào để hoãn thời gian ký hợp đồng lao động không?
Kim Thư (Q.3, TP.HCM)
- Theo quy định tại điều 7 nghị định số 44/2003/NĐ-CP, ngày 9-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về việc làm thử như sau:
1. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với các công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
2. Thời gian thử việc không được quá 30 ngày đối với các công việc có chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với những lao động khác.
4. Hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động thông báo kết quả làm thử cho người lao động. Nếu đạt yêu cầu, hai bên phải tiến hành ký kết HĐLĐ hoặc người lao động không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức.
Căn cứ theo quy định nêu trên, công ty không được quyền tăng thời gian thử việc của bạn cho đến khi bạn nhận bằng tốt nghiệp.
Trong trường hợp của bạn, theo quan điểm của chúng tôi, bạn có thể đề nghị công ty ký với bạn loại HĐLĐ theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (có thể ba hoặc bốn tháng). Sau khi bạn có bằng tốt nghiệp ĐH, bạn đề nghị công ty ký với bạn loại HĐLĐ có thời hạn từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng hoặc loại HĐLĐ không xác định thời hạn (theo điều 4 nghị định số 44/2003/NĐ-CP).
Nếu công ty yêu cầu ký với bạn loại HĐLĐ có thời hạn 12 tháng, bạn có quyền đề nghị ghi vào điều 3 HĐLĐ (bạn chú ý về hình thức HĐLĐ phải đúng theo mẫu HĐLĐ được ban hành kèm theo thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 22-9-2003 của Bộ LĐ-TB&XH), phần những thỏa thuận khác, với nội dung: "Khi người lao động có được bằng tốt nghiệp đại học thì hai bên phải có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ về điều khoản tiền lương chính được quy định tại khoản 1 (quyền lợi của người lao động) điều 3 HĐLĐ, cụ thể: khi người lao động có được bằng tốt nghiệp đại học thì mức tiền lương chính của người lao động là…".
(Theo khoản 2 điều 8 nghị định số 44/2003/NĐ-CP: Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung HĐLĐ phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Khi đã chấp thuận thì hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung thay đổi hợp đồng theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH hoặc ký kết HĐLĐ mới. Trong thời gian tiến hành thỏa thuận, hai bên vẫn phải tuân theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 3 điều 36 của Bộ luật lao động).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận