23/05/2020 09:31 GMT+7

Không dùng tiền mặt: giảm rủi ro cho shipper lẫn 'thượng đế'

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Tỉ trọng thanh toán không tiền mặt của khách ở kênh thương mại điện tử đang được cải thiện không chỉ hướng đến cách mua sắm văn minh hơn mà còn giảm thiểu rủi ro cho cả shipper lẫn người mua hàng.

Không dùng tiền mặt: giảm rủi ro cho shipper lẫn thượng đế - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán tiền bằng ứng dụng tại quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nỗi lo "ôm tiền chạy khắp thành phố"

Gắn bó với nghề giao hàng cho sàn thương mại điện tử Tiki hơn hai năm, anh Bùi Văn Bình Chiêu cho biết cảm giác những ngày đầu mới vào nghề rất lẫn lộn. 

Đó là sự bỡ ngỡ vì thiếu kỹ năng tiếp xúc với khách, phải tính toán đường đi giao hàng cho hợp lý, nhưng hồi hộp nhất vẫn là phải chạy khắp thành phố với một khoản tiền lớn giữ trong người.

"Lúc đó, gần 90% đơn hàng đều được khách trả bằng tiền mặt nên có những ngày tôi giữ trong người đến vài chục triệu đồng. Ôm tiền người ta chạy khắp thành phố áp lực vô cùng. Vì chỉ cần cuối ngày tiền hàng không khớp với đơn hàng thì nguy. Trong khi đơn hàng của Tiki đa phần là hàng công nghệ, giá trị không nhỏ", anh Chiêu kể.

Giữ tiền trong người đã lo, thỉnh thoảng Chiêu còn nghe đồng nghiệp trong giới ở các đơn vị khác rộ lên bị móc túi, rớt tiền hay nhận phải tiền giả nên càng bất an hơn. Chưa kể lắm lúc phải đợi khách đi rút tiền hay chạy thêm tìm chỗ đổi tiền lẻ thối cho khách...

"Có khách mua một món hàng 30 triệu đồng, vừa đến điểm giao thì anh ấy bảo đợi anh đi rút tiền nhé. Tôi và khách đến cây ATM, gần 30 phút sau anh khách chạy ra bảo thẻ bị khóa, mới rút được vài triệu. Thế là tôi phải mang hàng về. Cả ngày hôm đó, cầm món hàng lớn chở khắp thành phố, tâm trạng cứ lo ngay ngáy", Chiêu kể lại và cho biết những sự việc tương tự như vậy xảy ra gần như cơm bữa.

Không chỉ rủi ro cho shipper, ngay cả khách cũng dễ bị nhầm lẫn khi thanh toán bằng tiền mặt. "Có vị khách mua hàng hơn 300.000 đồng, khi nhận hàng liền đưa tôi 500.000 đồng rồi loay hoay bóc xem hàng và xua tay "tip luôn". 

Trên đường về tôi băn khoăn mãi liền gọi lại cho chị khách thì té ra chị ấy nhầm thật. Phải quay lại trả tiền cho khách. Rồi nhiều hôm trời mưa, tiền bị ướt nhèm, khách và shipper cùng chịu phiền toái", shipper Trần Thiên Nam kể.

Gánh nặng giảm dần

Thế nhưng gần một năm nay, những gánh nặng về tiền mặt đang giảm dần trên đôi vai các shipper. "Phải đến gần 70% luôn, chỉ còn khoảng 30% đơn hàng vẫn trả tiền mặt thôi", Chiêu chia sẻ về sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách.

Theo shipper này, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó khách mua hàng online chủ yếu là giới văn phòng, địa điểm giao thường trong các tòa nhà cao tầng nơi họ làm việc. Vì thế khách có xu hướng trả trước để nhờ người nhận hàng giùm. 

Ngoài ra, thanh toán qua thẻ bây giờ cũng dễ dàng hơn, sàn nào cũng kết nối được với các ngân hàng. Nhưng "cứu cánh" của giới shipper thực sự chính là máy mPOS vừa được một số doanh nghiệp bán hàng online đưa vào sử dụng gần đây.

Đó là những chiếc máy được trang bị cho các shipper để phục vụ khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt, khi nhận hàng có thể sử dụng thẻ quốc tế hoặc nội địa thanh toán đơn hàng của mình.

Theo Nam, số người sử dụng hình thức thanh toán này tăng đáng kể, các shipper cũng được khuyến khích thông tin thêm cho khách biết về hình thức này. 

"Hi vọng shipper được giải phóng khỏi tiền mặt một ngày không xa", Nam nói.

Bà Vũ Thị Nhật Linh, phó tổng giám đốc quản lý sàn thương mại Tiki, cho biết hiện tỉ lệ thanh toán không tiền mặt của sàn đã tăng khá, đạt trên 40%, một tỉ lệ cao so với con số gần 90% thanh toán tiền mặt của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố hồi cuối năm ngoái.

"Con số hơn 40% này cho thấy mức độ tin tưởng của khách hàng dành cho dịch vụ và sản phẩm trên sàn", bà Nhật Linh nói. 

Hiện bên cạnh phương thức thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng), khách mua hàng online trên sàn cũng có thêm hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng và ví điện tử. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy quá trình thanh toán không tiền mặt theo khuyến khích của Chính phủ, sàn đang tiếp tục triển khai hình thức thanh toán qua máy mPOS và đang đẩy mạnh phương thức thanh toán này.

Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, các sàn thương mại điện tử thống kê được số người mua hàng mới lần đầu có trải nghiệm với thương mại điện tử tăng mạnh 40%, đi kèm đó là số người lần đầu sử dụng thanh toán online tăng hơn 20%. 

Dù mức tăng trưởng của tỉ lệ khách hàng mới và thanh toán online chưa đồng đều nhưng con số trên cũng cho thấy thương mại điện tử phát triển sẽ kéo theo xu hướng thanh toán không tiền mặt diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), số người Việt sẵn sàng mua sắm qua Internet đang tăng nhanh nhưng tâm lý thanh toán online lại chưa tương xứng. 

"Người tiêu dùng đang bị nhiều rào cản khi lựa chọn hình thức thanh toán cho mua hàng online, trong đó lớn nhất là niềm tin khi chính sách không cho đồng kiểm của một số sàn và chính sách đổi trả hết sức phiền phức. Không những vậy, bản thân các nhà cung cấp, bán hàng trên sàn thương mại trực tuyến vẫn chưa có chính sách ưu đãi nhiều cho khách hàng trả online", ông Dũng đánh giá.

Ông Trần Tuấn Anh (giám đốc điều hành Shopee Việt Nam):

Người mua hàng thanh toán online đang tăng

Việc áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt đang dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp. Và chúng tôi ghi nhận xu hướng thanh toán phi tiền mặt trên nền tảng Shopee có gia tăng trong thời gian gần đây.

Để tiếp tục giữ được xu hướng này, sàn đang nỗ lực mang đến cho người dùng sự thuận tiện và nhiều ưu đãi đi kèm, giúp người dùng tiết kiệm chi phí mua sắm khi chọn thanh toán qua ví AirPay.

Theo đó, người dùng sẽ nhận được voucher giảm giá lên đến 50.000 đồng khi lần đầu thanh toán bằng ví AirPay trên Shopee. Bên cạnh đó, sàn cũng vừa giới thiệu tính năng mới với tên gọi "Scan & Pay" ngay trên app Shopee với nhiều ưu đãi hấp dẫn kéo dài đến hết tháng 5.

Hiện Shopee cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác ngân hàng Standard Chartered, Visa, Citibank... nhằm mang đến cho người dùng ưu đãi giảm đến 200.000 VND khi mua sắm trực tuyến trên sàn.

Thanh toán không tiền mặt ngày càng thắng thế Thanh toán không tiền mặt ngày càng thắng thế

TTO - Sau nhiều năm quen rút tiền mặt để chi tiêu, nhiều người đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Dự báo xu hướng này ngày càng thắng thế trong năm 2020 khi có đến 63% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên