Hai VĐV Jenna Johnson và Adam Rippon giành chiến thắng trong chương trình Dancing with the Star tại Mỹ hồi tháng 5 - Ảnh: GETTY IMAGES
Ngày 1-8, nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao chính thức có hiệu lực. Đối với hành vi tập luyện thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc VN sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Quy định này ngay lập tức gây sự chú ý, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Các ý kiến đồng tình cho rằng việc đưa ra chế tài đối với những hành động xấu xí trong thể thao là cần thiết. Tuy nhiên, số đông lại cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng quy định thiếu thực tế...
Thế nào là tập thể thao mang tính chất khiêu dâm?
Theo điều 7 nghị định 46, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng bài tập, môn tập thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc VN.
Tuy nhiên đến nay, động tác, môn thể thao nào được gọi là khiêu dâm, kích động bạo lực thì không ai được biết. Thậm chí, ngay cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị xây dựng nghị định 46, cũng khá mơ hồ về danh mục môn, động tác thể thao chứa yếu tố này.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 1-8 về vấn đề này, ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh thanh tra Bộ, nói: "Qua thực tế thanh tra, hiện nay có một số động tác thể thao, môn thể thao tại Việt Nam đã xuất hiện yếu tố khiêu dâm, đồi trụy.
Cụ thể, môn yoga khỏa thân là trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, pháp luân công dù bị cấm vẫn lén lút hoạt động và tuyên truyền. Trong tập dưỡng sinh có động tác bài Suối nguồn tươi trẻ rất nhạy cảm vẫn được sử dụng.
Một số động tác của khiêu vũ thể thao (dancesport) cũng được biến tấu rất nhạy cảm. Võ tự do (MMA) dù chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn diễn ra.
Từ thực tế đó, bộ phải đưa vào nghị định để có cơ sở thanh tra, kiểm tra, xử lý. Các quy định xử phạt này có yếu tố răn đe là chính, vì thế khó có thể quy định chi tiết là tập môn này thì được mặc hở ra sao, quần áo dài ngắn thế nào.
Văn hóa Việt Nam khác với văn hóa nước ngoài, khó có thể quy định chi tiết vì quy định chi tiết khi kiểm tra chúng ta phải đo. Giống như xử phạt trong bạo lực gia đình, quy định phải bắt quả tang hoặc cho xem chỗ bị bạo lực thì rất khó".
Tôi cho rằng muốn xử phạt thì người xử phạt phải đưa ra được cử chỉ, hành động nào được coi là nhạy cảm, khiêu dâm. Điều đó phải được thể hiện bằng hình ảnh cụ thể chứ nói chung chung thì rất khó.
Kiện tướng dancesport Chí Anh
Mang tính răn đe, giáo dục hơn là xử phạt
Trong khi đó, một thành viên tham gia soạn thảo nghị định 46 cho biết: "Ở TP.HCM, Hà Nội hiện đã có những CLB yoga khỏa thân. Họ tập ở những địa điểm kín nên ít người biết, cơ quan hành chính nhà nước không thể xông vào chỗ người ta tập để xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, nếu những hình ảnh này được tung lên Internet thì sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước lập biên bản xử lý phạt hành chính. Liên quan đến võ tự do (MMA), môn thể thao rất được ưa chuộng trên thế giới và du nhập vào Việt Nam đã lâu nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được công nhận chính thức; dù vậy việc tập luyện MMA vẫn được diễn ra tại các CLB thể thao, các phòng gym, thu hút rất đông người tập".
"Một văn bản pháp luật ra đời phải thực hiện 4 nhiệm vụ: giáo dục, răn đe, dự báo rồi sau đó mới đến chế tài. Vì vậy, nghị định 46 cũng mang nhiều yếu tố răn đe, giáo dục hơn là xử phạt người tập luyện thể thao. Việc xác định thế nào là khiêu dâm, phản cảm rất khó nhưng cơ quan quản lý phải có nghị định này làm khung pháp lý để quản lý lĩnh vực mà Nhà nước phân công" - một đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.
Luật dancesport thế giới không có động tác nào được coi là nhạy cảm
Dancesport (khiêu vũ thể thao) là một trong những môn thể thao giàu tính nghệ thuật và rất được yêu thích tại Việt Nam. Độ tuổi tập luyện dancesport cũng vô cùng phong phú, từ 4-5 tuổi đến 80-90 tuổi, người dân vẫn say mê tập.
Theo kiện tướng dancesport Chí Anh, trong sự nghiệp thi đấu và huấn luyện anh chưa từng nghe quy định về động tác nhạy cảm, khiêu dâm trong môn thể thao tuyệt đẹp này.
Chí Anh chia sẻ: "Tôi cũng có đọc qua các thông tin về nghị định 46 nhưng thực sự không hiểu. Trong luật dancesport thế giới không có động tác nào được coi là nhạy cảm. Dancesport chỉ có các quy định về trang phục thi đấu như không được hở bao nhiêu centimet dưới rốn, hông được hở bao nhiêu, phần nhạy cảm thì không mặc đồ màu da để trông không quá sexy...
Tuy nhiên, tôi chưa từng thấy vận động viên nào bị ban tổ chức giải đấu xử lý hay nhắc nhở về trang phục thi đấu không phù hợp. Vận động viên hiểu rõ mặc như thế nào là đẹp mà vẫn gợi cảm bởi nếu hở quá chính họ là người đầu tiên xấu hổ. Là vận động viên, khi thực hiện động tác khó họ đã dồn toàn bộ sức lực và tâm trí vào đó rồi nên không có thời gian đâu mà nghĩ đến việc có nhạy cảm hay không".
Trong khi đó, chị N.H.A. - một người tập yoga lâu năm tại Hà Nội - cho biết quy định xử phạt khi tập thể thao có yếu tố khiêu dâm, đồi trụy khá mơ hồ. Theo chị, trong yoga có rất nhiều động tác mà nếu tập đôi, tập ba thì cơ thể sẽ cọ xát vào nhau. Dù vậy với người tập luyện thì họ phải dồn hết sức để làm sao cho động tác chuẩn xác, đẹp nhất.
"Tôi cho rằng quy định thì cũng nên có nhưng để xử phạt thì chắc rất khó, nếu có cũng sẽ gây nhiều tranh cãi vì nó cảm tính" - chị H.A. chia sẻ.
Chỉ có thể cấm tổ chức thi đấu MMA chứ không thể cấm người có nhu cầu tập luyện - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không được tổ chức thi đấu MMA
Trả lời Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết ở môn võ tự do (MMA), dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng những người yêu thích vẫn có thể tập luyện bình thường mà không thể cấm được. Còn việc tổ chức thi đấu MMA dĩ nhiên là không được phép.
Do đó ở cấp độ quản lý, nếu có một giải đấu hay trận đấu MMA nào được quảng cáo hay tổ chức chui, thanh tra sở và các phòng ban có liên quan sẽ phải xử lý ngay trước khi diễn ra.
Còn theo giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM Nguyễn Đăng Khánh: "Chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều về nghị định 46. Ở vấn đề khiêu dâm, việc huấn luyện bơi hay các môn thể thao dưới nước thì phải làm sao để không vi phạm nghị định bởi mỗi người có cách nhìn khác nhau.
Tương tự ở môn võ, thi đấu đối kháng mang tính mạnh mẽ nhưng có người sẽ không đồng tình vì nguy hiểm, chấn thương cao.
Những năm gần đây, TP.HCM du nhập nhiều môn thể thao mới, trong đó có MMA. Đây là môn võ có tính chiến đấu cao, có những đòn đánh dễ nguy hiểm nên có người sẽ không thích. Nhưng cũng có người lại thích MMA vì xem rất hấp dẫn. Vấn đề là chúng ta không thể cấm những người yêu thích tập luyện mà chỉ có thể cấm tổ chức thi đấu.
Không ảnh hưởng đến môn bóng chuyền bãi biển
Theo HLV trưởng đội bóng chuyền bãi biển TP.HCM Lê Thị Cẩm Tú: "Nghị định này sẽ không ảnh hưởng gì đến môn bóng chuyền bãi biển bởi động tác thi đấu của bóng chuyền bãi biển không có gì để gọi là khiêu dâm.
Trang phục thi đấu của bóng chuyền bãi biển (thường là đồ hai mảnh) thì phải tuân thủ theo quy định chặt chẽ của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới. Ví dụ, quần áo đấu phải size bao nhiêu (có quy định kích thước nhỏ nhất và lớn nhất rất rõ ràng), quảng cáo đặt ở đâu có hết. Vận động viên mặc đồ không được nhỏ hơn quy định nhưng cũng không được lớn hơn quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận