07/06/2014 11:46 GMT+7

Không để tái diễn "xin ở lại hộ nghèo"

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Thảo luận về vấn đề giảm nghèo tại phiên họp Quốc hội sáng 7-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nói không ít hộ xin ở lại làm hộ nghèo vì thoát khỏi danh sách hộ nghèo thì không được hỗ trợ gì cả.

1MFlJBUt.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh

Chênh lệch giàu - nghèo gia tăngQuốc hội thảo luận về chương trình giảm nghèo

Tham gia thảo luận về vấn đề giảm nghèo tại phiên họp Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh nguồn lực dành cho xoá đói giảm nghèo từ năm 2005 đến 2012 là rất lớn.

Tổng nguồn lực huy động cho mục tiêu giảm nghèo là 864.050 tỉ đồng (bao gồm cả vốn tín dụng người nghèo do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện), chia bình quân mỗi năm khoảng 120 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực này, cả ngân sách và tín dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, ông Vinh nói: “Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cần nhưng nhìn thẳng sự thật có nhiều vấn đề chưa hài lòng, đặc biệt là việc đầu tư dàn trải. Tiền chúng ta ít, nhưng lại có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia”.

Ông Vinh cho biết năm 2014 đã giảm 50% nguồn lực đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ có 2 chương trình giữ nguyên là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đến năm 2016 sẽ chỉ giữ lại 2 chương trình này và cắt bỏ hết các chương trình khác.

Ông Vinh cho rằng công việc xoá đói giảm nghèo phải triển khai đến từng hộ có hoàn cảnh khác nhau, do vậy không ai nắm rõ bằng địa phương, nên giao quyền cho địa phương chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Chính phủ.

Theo ông Vinh, việc thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia cho phù hợp với khả năng ngân sách, dành ưu tiên cho hai chương trình quan trọng là xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới chính là một đổi mới căn bản cho đầu tư trong lĩnh vực này.

Đề cập đến việc từ 2005 đến nay, chuẩn nghèo quốc gia đã thay đổi 2 lần theo hướng tăng dần (2005: 100 nghìn và 150 nghìn/tháng; 2006-2010: 200 nghìn và 260 nghìn/tháng; và từ 2011: 400 nghìn đồng và 500 nghìn đồng/tháng), Bộ trưởng Vinh nói thời gian tới nên nâng chuẩn nghèo lên cho sát với chuẩn nghèo theo thông lệ quốc tế, và có chuẩn nghèo chung thay vì hiện nay có 7 tỉnh, TP ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.

Ông Vinh cho rằng cách giảm nghèo như hiện nay khiến cho tất cả mọi đối tượng ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau, dẫn đến việc đầu tư về giảm nghèo nhiều khi không phát huy tác dụng, thậm chí là phản tác dụng.

“Trước đây khi còn làm lãnh đạo địa phương, tôi thường nhận được phản ánh từ bà con là Chính phủ không công bằng. Đi vào bản, một bà già nói tao già như thế này mà ngày nào cũng lên nương thì không được nghèo, còn thằng trẻ nghiện hút lại nằm trong diện nghèo nên được hỗ trợ hết cái này đến cái kia. Đó là khuyến khích cho người lười, không lao động. Nhận xét cụ thể của người dân như thế tôi thấy đúng”, ông Vinh nói.

Theo bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong thiết kế chính sách giảm nghèo thì chính sách hỗ trợ cần kèm theo điều kiện, cụ thể là 1-2 năm đầu hỗ trợ thì phải cam kết vươn lên thoát nghèo, không được nghiện hút…

Ông Vinh nói: “Tỉ lệ nghèo nhiều nơi giảm, nhưng cũng không ít hộ xin ở lại làm hộ nghèo vì thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo thì không được hỗ trợ gì cả. Vấn đề là cần tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ vươn lên".

Đồng tình quan điểm với Bộ trưởng Vinh, Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) nói vừa qua các chính sách giảm nghèo còn thiên về hỗ trợ trực tiếp, thiên về trợ cấp, cũng có tác dụng tích cực, nhưng tới đây Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ các chương tình giảm nghèo mang tính chất chiều sâu.

Nhiều hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là nghèo kinh niên, do cách biệt về địa lý và hạn chế về tiếp cận thị trường. Để tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thì cần đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ hơn nữa cho vùng sâu, vùng xa.

Chiều nay Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên